Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 03/04/2015 11:57
Điều kiện tự nhiên – môi trường của Thăng Long – Hà Nội: Thành phố sông hồ

Mùa thu năm Canh Tuất (1010), sau khi sáng lập triều Lý, Lý Thái Tổ đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Đại La (sau này thành Thăng Long). Chiếu dời đô viết: “… Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh. Huống chi thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương ở vào nơi trung tâm trời đất trước cái thế rồng cuộn, hổ ngồi; đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông, dựa núi. Địa thế rộng mà bằng phẳng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi. Xem khắp nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thực là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Miền đất Thăng Long – Hà Nội không chỉ là một khu thành đô mà là một kinh đô của nhiều vương triều phong kiến và là Thủ đô của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với điều kiện tự nhiên, môi trường của một thành phố trong sông - thành phố sông hồ có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, lối sống của người dân nơi đây. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về điều kiện tự nhiên, môi trường của vùng đất địa linh nhân kiệt này.

 
Thăng Long – Hà Nội nằm trên vùng đất bồi tụ, ở trung tâm vùng châu thổ sông Hồng. Trong quá trình kiến tạo địa chất, khu vực này đã nổi lên như một dọi đất giữa vùng đất trũng. Cách đây hàng triệu năm, biển Đông còn ăn sâu vào đất liền, bao phủ khắp vùng đồng bằng Bắc Bộ. Sau quá trình biến thoái và tác động của những đường đứt gãy địa chất, phù sa bồi đắp, một đồng bằng với nhiều hệ thống sông ngòi chằng chịt đã được hình thành, nhưng nhiều nơi vẫn còn là bãi lầy, đầm hồ, rừng rú. Qua một số địa danh vùng ven đô phụ cận như Gia Lâm, Du Lâm, Đình Bảng, Mai Lâm, người ta cho rằng xưa kia nơi đó còn là những vùng hoang dã. Sử cũ cũng ghi chép nhiều lần voi rừng, hổ rừng cũng đã lọt vào tận phố phường của kinh thành. Dưới sông thì cá sấu, giao long bơi lội.
 
Trong toàn cảnh miền đất trũng đó vùng đất Thăng Long – Hà Nội được coi như một nơi tương đối cao ráo, bằng phẳng, thoáng rộng, tiện lợi cho giao thương, tụ hội. Tuy nhiên, nó lại không phải là một địa bàn trống trải, mà đã được bảo vệ bởi một hệ thống hào luỹ thiên nhiên, theo quan niệm phong thuỷ của người xưa là khá thích hợp, vững chắc. Về phía đông, dòng sông Nhị (sông Hồng) hợp lưu với hệ thống Tô Lịch – Kim Ngưu là những hào nước bảo vệ hữu hiệu, về phía tây, đỉnh Ba Vì (với những thần linh Tản Viên, Quý Minh và Cao Sơn từng được tôn thờ ở rất nhiều địa điểm của Thăng Long – Hà Nội) đã che chắn cho đô thị vững chắc.
 
Vị trí trung tâm Thăng Long – Hà Nội trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ cũng là một đặc trưng khá thuận lợi, tạo điều kiện cho sự hội tụ cư dân của các địa phương lân cận. So với kinh đô Phong Châu ở Việt Trì thời Văn Lang (lệch nhiều về phía bắc) hoặc kinh đô Cổ Loa thời Âu Lạc (ở bờ bắc sông Hồng khá trống trải), Thăng Long đã có nhiều lợi thế để tập hợp dân cư chung quanh, chủ yếu thuộc các vùng 4 nội trấn (xứ Bắc – Kinh Bắc; xứ Đoài – Sơn Tây; xứ Đông - Hải Dương; xứ Nam – Sơn Nam). Vì thế, nó đã giữ vững được vị thế của kinh đô Đại Việt trong gần 8 thế kỷ, từ triều Lý đến triều Tây Sơn.
 
Thăng Long – Hà Nội là một đô thị trong sông, bên sông, một thành phố sông hồ, mang dấu tích của một vùng đất trũng. Sông Nhĩ Hà (Nhị Hà, sông Lô tức sông Hồng ngày nay) ôm lấy Kinh thành trong một khuỷu sông. Từ một hợp lưu ngã ba sông (nay là chỗ phố Chợ Gạo, trước kia là phường Hà Khẩu - cửa sông), hệ thống sông kênh Tô Lịch (với các nhánh là sông Kim Ngưu, sông Lừ) chảy uốn khúc quanh co khắp kinh thành, xưa kia từng là phương tiện giao thông chủ yếu.
 
Những người phương Tây đến hoặc sống ở Kẻ Chợ vào thế kỷ XVII đã thấy rõ tầm quan trọng về mặt giao thương của hệ thống sông ngòi này ở kinh đô Thăng Long. Theo Marini nhận định: “Thành phố Kẻ Chợ nằm ngay bên bờ con sông lớn bắt nguồn từ Trung Quốc, sau một khúc ngoặt rộng, Việc buôn bán ở đây rất thuận tiện, thuyền bè thường xuyên đi lại trên sông. Sông toả rộng khắp nơi bằng hệ thống kênh đào (Tô Lịch, Kim Ngưu), lại được nối với các sông khác, làm cho việc buôn bán, vận chuyển hàng hoá từ các trấn ngoài đến kinh thành được dễ dàng”. S. Baron viết: “Con sông này (Nhị Hà) cực kỳ thuận tiện cho kinh thành. Tất cả các hàng hoá đều được mang đến đây theo dòng sông này, đây là nơi thâu tóm mọi hoạt động của vương quốc. Vô vàn thuyền bè đi lại, buôn bán khắp trong nước” (S. Baron (1683). A description ok the kingdom of Tonqueen tong Voyages and Travelss, J. Pinkerton, V.9, London 1811, tr. 659).
 
Với hệ thống sông kênh Nhị Hà, Tô Lịch, Thăng Long – Hà Nội trong lịch sử đã từng là nơi tập kết, trung chuyển các loại hàng hoá của các tuyến giao thương liên vùng và quốc tế. Từ Thanh Nghệ, các thuyền đinh chất đầy các mặt hàng đặc sản địa phương như muối, nước mắm, cá khô và quế đi dọc theo ven biển, tiến vao sông Hồng, ngược lên cập bến và đổ hàng ở Kẻ Chợ. Trên một tuyến khác, số đông các thuyền đinh từ Thăng Long - Kẻ Chợ ngược lên miền thượng du theo sông Hồng, mang theo muối, gạo, các sản phẩm thủ công, khi trở về mang theo các mặt hàng lâm thổ sản (gỗ, tre, nứa củ nâu, trâu, bò) và kim loại (đồng đỏ, thiếc..). Cũng từ tuyến sông Hồng, nối liền với hệ thống sông Thái Bình, Thăng Long – Hà Nội đã thiết lập các hoạt động giao thông liên vùng trên địa bàn đồng bằng Bắc Bộ, trao đổi các mặt hàng thiết yếu cho đời sống như gạo, sản phẩm thủ công nghiệp, trong đó liên kết với một số đô thị, nổi tiếng nhất là Phố Hiến và Vị Hoàng. Xa hơn, nhờ sông Hồng, Thăng Long – Hà Nội đã nối dài các hoạt động buôn bán của mình qua những mậu dịch quốc tế vượt biên, với Trung Quốc (Vân Nam, Quảng Châu), Nhật Bản, các nước Đông Nam Á và các nước phương Tây (Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp… trong những thế kỷ XVIII, XVIII).
 
Cùng với sông kênh đầm hồ có ở khắp nơi trong cảnh quan thiên nhiên của Thăng Long – Hà Nội. Trong lịch sử, Thăng Long – Hà Nội đã từng có trên 400 hồ lớn nhỏ. Những hồ được biết đến nhiều nhất là hồ Tây (tên gọi khác là hồ Dâm Đàm), hồ Hoàn Kiếm (hay còn gọi là Lục Tuỷ/ Thuỷ Quân/ Tả Vọng/hồ Gươm), Linh Lang, Bảy Mẫu, Ba Mẫu, Trúc Bạch. Một số hồ ngày nay đã bị lấp như hồ Mã Cảnh (ở khu vực nhà máy Điện Yên Phụ), hồ Thái Cực (ở Hàng Đào), hồ Hữu Vọng (ở Hàng Chuối). Các hồ này đều thông với nhau và thông với hệ thống Nhị Hà – Tô Lịch. Phía nam kinh thành vẫn còn nhiều nơi là đầm lầy (ô Kim Liên ngày nay trước còn có tên là ô Đồng Lầm)…
 
Yếu tố sông hồ là một đặc trưng của cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hoá của Thăng Long – Hà Nội truyền thống. Nó hoà nhập vào nền tảng chung của văn hoá cổ truyền Việt Nam là nền văn minh sông nước và văn minh thảo mộc, tác động đến các hoạt động đời sống và tâm lý tính cách của người Thăng Long – Hà Nội, in dấu ấn lên một tâm thức vừa an bình trong sự hoà đồng với thiên nhiên, vừa sôi động trong các hoạt động bán mua, trao đổi. Tuy nhiên, cũng do vị trí địa lý và vị thế chính trị của Thăng Long – Hà Nội, văn minh sông hồ của đô thị này có điểm dừng của nó, không tiến xa hơn và rộng hơn tới một nền văn hoá cảng biển, giao thương đại dương như một số kinh đô, đô thị hải cảng khác trên thế giới.
 
 
Thảo Viên
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)