Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 03/04/2015 12:16
Văn hoá tâm linh của người Hà Nội

Hà Nội có nhiều đền chùa, miếu mạo. Mỗi đền, chùa ở đây đều gắn với một sự kiện lịch sử. Người dân đi chùa rất đông, nhất là những ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng (âm lịch), đông nhất là vào những ngày lễ, tết. Dưới đây là vài nét khái quát về văn hoá tâm linh của người Hà Nội.

 
Trước hết, nói đến chùa là phải nói đến Phật giáo - một tôn giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống văn hoá của người Việt. Hà Nội có rất nhiều chùa, theo Phan Kế Bính nhận xét thì ở Việt Nam, mỗi làng có một ngôi chùa thờ Phật, có làng to thì lập đến hai, ba ngôi. Hiện cả nước có khoảng hơn 14 nghìn tự viện, trong đó có hơn 12 ngìn ngôi chùa thuộc Phật giáo Bắc Tông và hơn 500 ngôi chùa thuộc Phật giáo Nam Tông, hơn 300 Tịnh xá, gần 500 Tịnh thất và gần 1000 Niệm Phật đường.

Hà Nội gồm nhiều xã, phường, làng mạc cổ hợp lại nên người Hà Nội đi chùa nhiều cũng là lẽ tự nhiên. Những người Hà Nội đi chùa không chỉ là con nhang, phật tử mà còn nhiều người không theo Phật giáo. Mọi người đến chùa vào nhiều thời điểm khác nhau và với những mục đích khác nhau. Vào thời điểm đầu năm, người đi lễ chùa còn có thể là “du xuân”, bởi chùa chiền thường là địa điểm tham quan, du lịch hoặc di tích lịch sử. Cuối năm, những người hành lễ ở chùa thường làm “lễ tạ”, tạ ơn Trời, Phật phù hộ, độ trì cho cả năm qua. Vào những ngày rằm, mồng một, người Hà Nội thường “dâng hương” cho các thần linh, cho tổ tiên. Trong các ngày này, có những chùa của Hà Nội không còn chỗ chen chân. Vào ngày thường, chùa chiền vắng người hơn, chủ yếu là những người đến để cầu mong một điều gì đó. Ngày chủ nhật, người đến chùa thường để tỏ lòng thành kính, kết hợp đi chơi sau một tuần làm việc mệt nhọc, mong đến chùa để bình tâm trong cảnh tượng yên tĩnh và mùi hương trầm, giúp lòng người thanh thản hơn. Đặc biệt là, ở chùa Quán Sứ có tổ chức giảng kinh vào sáng chủ nhật nên vào ngày này, người đi nghe rất đông. Riêng các ngày lễ của Phật giáo thì các phật tử tập trung rất đông tại chùa. Đó là những ngày như lễ vía phật Di Lặc (1/1), lễ Thượng Nguyên (15/1), lễ vía Đức Phật Thích ca xuất gia (8/2), lễ vía Đức Phật Thích ca đản sinh (15/4)… Chùa Quán Sứ hiện ngụ tại số 73 phố Quán Sứ. Khu vực này ngày xưa là đất thôn An Tập. Đầu thời Lê, nhà vua cho lập một khu gọi là Quán Sứ để tiếp đón sứ thần các nước (như Lào, Chiêm Thành,…). Những sứ thần này thường theo đạo Phật, có nhu cầu đến chùa tụng niệm, nên nhà vua đã cho xây ngôi chùa cạnh Quán Sứ. Năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ lấy chùa này làm Hội quán. Năm 1958, Hội Phật giáo thống nhất Việt Nam được thành lập, đặt văn phòng tại chùa này.

Ngôi chùa lâu năm nhất ở Hà Nội là chùa Trấn Quốc, xây dựng từ đời Lý Nam Đế (544-548), có tên là Khai Quốc (mở nước). Đời Lê Thái Tông (1434-1442), chùa đổi tên thành An Quốc. Đến đời Lê Hy Tông (1675-1705) chùa mang tên Trấn Quốc.

Chùa Một Cột là một biểu tượng về Hà Nội, tuy nhỏ bé, khiêm nhường nhưng thanh cao như một đài sen giữa lòng Hà Nội. Ban đầu, ở đây có chùa Diên Hựu và đài Liên Hoa, trải qua nhiều đời, cụm chùa trên chỉ còn lại chùa Một Cột. Ngày 11/9/1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, quân đội viễn chinh Pháp cho nổ mìn phá vỡ ngôi chùa này, khi tiếp quản Hà Nội, Chính phủ cho làm lại như cũ và tháng 4/1955 ngôi chùa này được phục hồi hoàn toàn. Người Hà Nội và người dân cả nước khi về thăm Thủ đô đều vào thăm Lăng Chủ tịch và bao giờ từ Lăng đi ra cũng thường đến chùa Một Cột. Ngôi chùa như trái tim hồng của Hà Nội chúng ta.

Có thể thấy, chùa ở Hà Nội rất nhiều: Chùa Láng có từ đời Lý Anh Tông (1138-1175), chùa Ngũ Xã bên hồ Trúc Bạch, chùa Hoè Nhai (19 phố Hàng Than), chùa Kim Liên trên dải đất của làng Nghi Tàm, chùa Liên Phái giữ phố Bạch Mai, chùa Cầu Đông giữa phố Hàng Đường, chùa Phúc Khánh ở gần phố Nam Đồng… Ngày nay, đi lễ chùa trở thành một sinh hoạt văn hoá ngày càng thu hút nhiều người Hà Nội tham gia. Điều này cho thấy, đời sống tâm linh trong con người Hà Nội là một yếu tố quan tọng, giúp con người hoàn thiện nhân cách.

Hà Nội cũng có rất nhiều đền: Đền Ngọc Sơn gắn với hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm), gắn liền với truyền thuyết về vua Lê Lợi. Thần Rùa ở hồ đã lấy lại từ Lê Lợi thanh gươm báu mà ông bắt được sau 10 năm chinh chiến chống quân Minh. Từ đó đến nay, hơn 5 thế kỷ đã qua, hồ mang tên là Hoàn Kiếm. Cầu Thê Húc đưa chúng ta vào đền Ngọc Sơn. Ở đầu cầu có Tháp Bút rồi đến Đài Nghiên. Ở hồ Hoàn Kiếm còn có Tháp Rùa. Ai đã qua Hà Nội thì đều muốn đến hồ Gươm và ngắm Tháp Rùa như một dấu ấn ăn sâu vào tâm khảm của người dân.

Hà Nội có đền Sóc (Sóc Sơn) cách trung tâm thành phố 40km, gắn liền với truyền thuyết về Thánh Gióng, người anh hùng thần thoại thời vua Hùng thứ 6. Truyền thuyết Thánh Gióng luôn là sức mạnh nâng cao lòng yêu nước và giữ nước. Ở Hà Nội, người dân còn biết rất rõ và gắn bó với những ngôi đền thiêng như đền Quán Thánh, đền Chèm, đền Phù Đổng, đền Bạch Mã, đền Thủ Lệ. Mỗi đền chùa ở Hà Nội đều là một niềm tự hào của người dân Thủ đô, bởi mỗi công trình văn hoá này đã chứng kiến một giai đoạn phát triển của Thăng Long – Hà Nội, tạo nên niềm tin của người Hà Nội về sự trường tồn và phát triển của dân tộc.

Đời sống tâm linh của cư dân Thăng Long – Hà Nội gắn chặt với lễ hội chùa Hương. Gọi là chùa Hương nhưng thực chất đây là một quần thể văn hoá – tôn giáo, nằm trên địa bàn xã Hương Sơn (Mỹ Đức). Nơi đây là vùng núi đá vôi, rất nhiều hang động và những rừng già nhiệt đới. Chùa Hương còn là một thắng cảnh kỳ vĩ. Năm 1770, Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm tới đây đã phê bằng năm chữ Hán: “Nam thiên đệ nhất động”. Hành trình của dân tứ phương về chùa Hương là chuyến đi hoà vào thiên nhiên, mong trời Phật ban cho nhiều may mắn, hướng tới một đời sống hạnh phúc, yên bình.

Ở núi Câu Lậu thuộc xã Thạch Xá (Thạch Thất) có chùa Tây Phương. Chùa có từ thế kỷ thứ VIII. Tây Phương tự là một bảo tàng vô giá bởi những pho tượng Phật tuyệt tác. Bước lên đúng 200 bậc đá ong, khách thập phương đến trước ngôi chùa cổ kính, chiêm ngưỡng chốn cửa Phật tôn nghiêm, để những giây phút tĩnh lặng trước bức tượng đang đắm mình trong khói hương, du khách ngỡ mình đi vào một thế giới khác.

Chùa Đậu ở thôn Gia Phúc (Thường Tín) có kiến trúc cổ, rất độc đáo, có từ thế kỷ thứ III với tên gọi Thành Đạo tự. Nơi đây vẫn lưu giữ thi hài của hai nhà sư Vũ khắc Minh và Vũ Khắc Trường – hai vị chủ trì chùa vào thế kỷ thứ VII. Thi hài của hai vị sư được coi là quốc bảo. Đây là hai xác ướp mà cách ướp ra sao vẫn đang là điều bí ẩn.

Chùa Trăm Gian toạ lạc ở xã Tiên Phương (Chương Mỹ) có từ thời Lý. Trong chùa có nhiều tượng Phật, song chùa còn là nơi thờ Đức Thánh Bối (một cao tăng đời Trần) và Đô đốc Đặng Tiến Đông.

Trên đất Sài Sơn (Quôc Oai) có chùa Thầy, nơi thờ Phật sư Từ Đạo Hạnh với 3 kiếp sống Tăng, Phật và Vua, đồng thời dân chúng còn coi ông là tổ sư nghệ thuật múa rối nước ở Việt Nam.

Trên đất Hà Nội mở rộng còn có lễ hội chợ Chuông (xã Phương Trung, Thanh Oai), suy tôn Bố Cái đại vương Phùng Hưng; Hội Bình Đà (Thanh Oai), suy tôn Lạc Long Quân, Âu Cơ và Linh Lang; hội làng Liên Bạt (Ứng Hoà) suy tôn Đức Thánh Đặng Sỹ, Đặng Xã và Đặng Lang.

Thăng Long là nơi tập trung nhiều đền chùa, đạo quán, lễ hội; người dân Thăng Long tôn kính tất cả các vị thánh thần ân đức, các bậc anh hùng vì dân vì nước được thờ phụng ở các chùa, đền, quán, miếu…  thường xuyên được dân chúng lui tới cúng lễ, hương khói, không kể đến hầu như trong tất cả các gia đình đều có một bàn thờ tổ tiên, nhiều người còn xây dựng ngay trong nhà mình những điện, am thờ thần, Phật… Do đó, đời sống tâm linh trong người Hà Nội là một nét văn hoá độc đáo.


An Vy

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)