Người Thăng Long – Hà Nội hôm nay!
Qua nghìn năm lịch sử, Thăng Long – Hà Nội đã tự khẳng định mình bằng một nền văn hoá độc đáo để luôn là chính mình. Với vị thế địa linh nhân kiệt, thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc, Thăng Long – Hà Nội bước vào thiên niên kỷ độc lập dân tộc, nhân dân đã xây dựng và bảo vệ nền độc lập bằng máu xương của mình. Đây là vùng đất có nhiều điều kiện để mỗi người có thể vươn tới trình độ cao về học vấn và nghề nghiệp. Hà Nội là vùng đất có sự di động dân cư liên tục. Trong 1000 năm phát triển với tư cách là Kinh đô của nhiều triều đại phong kiến trước đây và thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay, Hà Nội luôn là nơi thu hút con người từ nơi khác đến làm ăn, sinh sống. Nhân dân ta ở mọi miền, mọi vùng của Tổ quốc đã chung đúc nên những thuần phong mỹ tục, những nét đẹp văn hóa trong lối sống, trong phép đối nhân xử thế và trong sinh hoạt cộng đồng. Là nơi tụ hội quan yếu của bốn phương, Thăng Long - Hà Nội đã luôn mở rộng lòng mình đón nhận những tinh hoa văn hóa được những dòng người từ mọi vùng quê, mọi ngả đường đất nước mang chuyển về bằng những phương tiện và phương thức khác nhau, trong những thời điểm và hoàn cảnh khác nhau. Từ rất sớm, Thăng Long - Hà Nội cũng đã trở thành một đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng nhất của cả nước, qua đó những tinh hoa văn hóa Đông - Tây đã được tiếp thu, thẩm thấu có chọn lọc, đồng thời những giá trị và thế ứng xử dân tộc có điều kiện tiếp xúc, giao lưu, cọ xát và sàng lọc. Cuối cùng, những gì còn đọng lại, được lựa chọn để trở thành nét, thành diện mạo, lối sống và phép ứng xử ở “đất kinh kỳ” phải là những cái hay, cái đẹp, cái tinh túy tiêu biểu nhất nhưng lại hết sức giản dị, dung hòa. Đó chính là nét hào hoa, thanh lịch riêng có của đất và người Thăng Long - Hà Nội. Dưới đây chúng tôi xin tạm đưa ra một số nhận định sau:
Cho dù đã bộc lộc một số thiếu sót trong lối sống hàng ngày của một số bộ phận dân cư, một số khiếm huyết trong sự thể hiện văn hoá đường phố, văn hoá lao động, văn hoá ứng xử… bởi cuộc sống xô bồ trong cảnh phát triển một thị trường còn sơ khai và những dòng người đổ về từ những vùng khó khăn để kiếm sống. Hà Nội vẫn là một cộng đồng người mang trong nó những truyền thống tốt đẹp lâu đời, lòng tự hào về con người kinh kỳ ngàn năm và lòng yêu nước đã được kết tụ và nâng lên sau những sự kiện lịch sử hào hùng. Đó là yếu tố tâm lý rất rõ nét, rất dễ nhận biết.
Hà Nội là một nơi hội tụ những tài năng và đang là một nơi sản sinh ra nhiều tài năng vào loại bậc nhất so với các địa phương còn lại. Mặt khác, Hà Nội là nơi có mối giao lưu văn hoá, khoa học, nghệ thuật, giáo dục… rất đa dạng và phong phú. Sự giao lưu này được tiếp cận với văn hoá thế giới từng ngày. Cả nghìn năm nay, Hà Nội vẫn là cái nôi sản sinh và nuôi dưỡng ra rất nhiều tài năng đất Việt.
Trí tuệ Hà Nội và những phẩm cách người Thủ đô đang tạo nên sự thay đổi từng ngày, từng giờ bộ mặt của thành phố: Những doanh nghiệp mọc lên như nấm, những khu đô thị mới đã mở rộng không ngừng; trường đại học, viện nghiên cứu, các loại hình trung tâm ngoại ngữ - tin học, trung tâm đào tạo nghề, trung tâm xúc tiến việc làm… nhiều khôn kể xiết; những câu lạc bộ, nhà văn hoá, thư viện hay các trung tâm dịch vụ thông tin ngày càng nhiều. Bên cạnh đó là những siêu thị, những khu chợ, những trung tâm thương mại và dịch vụ thương mại cũng xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp địa bàn Hà Nội. Hệ thống giao thông hàng không, đường sắt, đường thuỷ và đường bộ đã thay đổi hẳn phong cách đi lại, vận chuyển của Hà Nội. Có lẽ chẳng còn ai nói rằng, chỉ có duy nhất Thành phố Hồ Chí Minh mới là một vùng đất của kinh tế thị trường.
Hà Nội vốn có những “thương hiệu” lâu đời, nhưng Hà Nội hiện đại cũng có thêm rất nhiều thương hiệu mới trong giáo dục, văn hoá, du lịch, giao thông, hàng tiêu dùng, hàng mỹ nghệ, ẩm thực và thời trang, lễ hội và văn hoá tâm linh… Đó là yếu tố rất cơ bản để Hà Nội là một thị trường hấp dẫn về nhiều mặt và cũng là điều kiện quan trọng để thị trường Hà Nội liên thông với thị trường thế giới.
Người Hà Nội ngày nay buồn bực khi thấy ai đó đã không có được thái độ, hành vi đẹp, làm tổn thương đến cốt cách lịch sự, nền nã, lịch duyệt, lễ phép, tế nhị… mà các thế hệ người Thăng Long – Hà Nội đã từng giữ gìn và lưu giữ để lời ăn, tiếng nói, sự giao tiếp, cách ứng xử… đúng với cách của người Kinh kỳ, người đô hội.
Nghiên cứu những phẩm chất đặc trưng của nhân cách người Thăng Long – Hà Nội, có thể khẳng định rằng, thanh lịch là nét đặc trưng cô đọng nhất trong nhân cách của cộng đồng người Thăng Long – Hà Nội. Trải qua những thăng trầm biến cố của lịch sử, với những đổi thay nhiều mặt vùng đất này vẫn còn lại rõ nét thanh lịch trong con người nơi đây, trong văn hoá Hà Nội. Và bởi lẽ đó, chúng ta luôn tin rằng với con người thanh lịch Hà Nội, những phẩm chất thanh lịch từ trong con người họ sẽ thể hiện ở mỗi sản phẩm vật chất hay tinh thần của mình qua những thương hiệu nổi tiếng ở đất Hà Thành ngày nay như thời trang, ẩm thực, du lịch, kiến trúc, nghệ thuật…
Hoàng Bách
Nhà xuất bản Hà Nội