Những nét tính cách của người Hà Nội truyền thống và hiện đại
Chất trí tuệ, hàn lâm, văn hiến. Đây được coi là một nét tính cách nổi bật và đáng quý của người Hà Nội. Tính cách này được biểu hiện rõ nét qua các đỉnh cao văn hoá vật thể cũng như phi vật thể như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đài Nghiên Tháp Bút, như tư tưởng tọng dụng hiền tài và nhiều cá nhân tiêu biểu. Tính cách này cũng đồng thời được biểu hiện qua trình độ dân trí cao, tinh thần hiếu học, quý trọng tri thức, coi trọng giáo dục của quảng đại người Hà Nội. Đặc trưng này theo tác giả Vũ Hy Chương cho rằng luôn được thể hiện trong mọi khía cạnh của đời sống người Hà Nội. Từ xưa, “sĩ phu Bắc Hà” không chỉ là một cách gọi, phân biệt giới trí thức Hà Nội với trí thức các vùng khác mà còn là một danh hiệu ẩn chứa niềm tự hào về khí tiết và những phẩm cách tốt đẹp của riêng những văn nhân Hà Nội.
Chất tài hoa, tài tử. Người Hà Nội có nhu cầu về một đời sống phong phú và đa dạng. Từ xưa tới nay họ nổi tiếng đa tài, khéo léo, tạo được những sản phẩm đẹp đẽ nhiều khi không phải để trao đổi, buôn bán kiếm lời mà cốt là để thoả mãn nhu cầu thẩm mỹ, giải trí. Người Hà Nội có nhiều thú chơi tao nhã, làm phong phú cho cuộc sống tinh thần. Người Hà Nội sành ăn, sành mặc, sành chơi, có thẩm mỹ tinh tế, chuộng cái đẹp và biết thưởng thức cái đẹp. Qua đó người Hà Nội đã chứng tỏ sự hiểu sâu, rộng của mình, thể hiện sự phong phú, đa dạng về kiến thức của mình trước thiên hạ.
Chất hào hoa, phong nhã, kẻ sĩ. Đó là phong thái phóng khoáng, hào sảng, lịch duyệt, từng trải không chỉ có ở các nghệ sĩ mà thể hiện ở cả những người dân bình thường. Chưa cần nói đến tầng lớp trí thức, ngay cả ở những người không có học vấn cao cũng có thể nhận ra một vài nét của quân tử - kẻ sĩ: hơi ngang tàng, hơi ngông, tự trọng, không luồn cúi, không hạ mình, không trọng tiền bạc, danh vọng mà trọng danh dự, trí tuệ, đạo lý.
Giàu nghĩa khí, có khí phách. Biểu hiện cao độ của nét tính cách này là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng, tinh thần đấu tranh với giặc ngoại xâm và với thiên tai đã được lịch sử minh chứng.
Lòng nhân ái, chuộng hoà bình, tính hoà đồng. Lòng nhân ái của người Hà Nội thể hiện trước hết ở thái độ ứng xử với thiên nhiên; cao hơn nữa là ở hành vi ứng xử giữa người với người. Hà Nội là Thủ đô, nơi hội tụ dân mọi miền, nên người Hà Nội có truyền thống sống hoà đồng, thân thiện; ít có thái độ phân biệt, ý thức cộng đồng Nhà - Làng - Nước (Phan Khanh - Người Hà Nội với cuộc sống hiện đại và văn hoá cội nguồn). Người Hà Nội sống hoà đồng là nhờ người có tính bao dung, khoan hoà của mình.
Tính chừng mực, vừa phải. Người Hà Nội nhìn chung ít khi rơi vào cực đoan, quá khích mà thường có thái độ trung dung, “một vừa hai phải”, hành động trong khuôn khổ. Một biểu hiện của nét tính cách này là sự “biết đủ”, không ham hố, ảo tưởng, tham vọng nhiều mà coi trọng sự bình an, yên ổn. Tính cách này cũng là một yếu tố tạo nên nếp sống thanh bạch, giản dị của người Hà Nội.
Lao động cần cù, bền bỉ, sáng tạo. Những làng nghề truyền thống lâu đời, những nghệ nhân tài hoa, những sản phẩm nức tiếng trong và ngoài nước, tốc độ phát triển nhanh hàng đầu cả nước là biểu hiện cụ thể, sinh động tính cách này của người Hà Nội.
Thanh lịch, văn minh. Đây là đặc trưng lớn, nổi bật và dễ nhận thấy trong tính cách người Hà Nội, thể hiện ở rất nhiều phương diện khác nhau của cuộc sống như đã nêu ở phần trên. Thanh lịch, văn minh là tổng hoà của nhiều nét đẹp khác nhau. Thanh lịch, văn minh vừa có hào hoa, tao nhã, vừa có giản dị, thuần phác; vừa có phóng khoáng, bay bổng, vừa có đúng mực, phải chăng, vừa truyền thống vừa hiện đại, đồng thời hợp đạo lý, mang tính trí tuệ. Ngoài ra, còn có các nét đẹp khác được một số tác giả nhắc đến như tính thẳng thắn, trung thực, chí tiến thủ, nhạy cảm với cái mới. Theo đó, thanh lịch và văn minh không hoàn toàn tách biệt, có mối quan hệ gắn bó, trong cái này có thể có cái kia, và ngược lại.
Cái thanh lịch – văn minh của người Hà Nội được thể hiện thông qua các mối quan hệ xã hội, cách ứng xử của con người với tự nhiên, môi trường và đặc biệt là quan hệ giữ con người với con người. Và theo tác giả Nguyễn Duy Quý, cái thanh lịch – văn minh của người Hà Nội vừa mang bản sắc riêng của Hà Nội, vừa là kết quả hội tụ nhiều nét đẹp của nhiều vùng khác nhau.
Đó là những đặc trưng lớn được coi là những nét tính cách nổi bật của người Hà Nội xưa và nay. Qua thời gian, các nét đẹp trong tính cách người Hà Nội được lịch sử kết tinh, được nâng lên thành phẩm chất đặc trưng, thành phẩm cách của người Hà Nội. Tuy nhiên, trong đời sống hiện tại ngoài những ưu điểm đặc trưng thì những điểm tiêu cực trong tính cách và trong nếp sống người Hà Nội như là mặt trái của những nét tính cách ở trên, chẳng hạn:
Người Hà Nội thường đề cao quá mức tính hàn lâm, bác học, nặng về lý thuyết khiến sự học để áp dụng vào thực tế bị coi nhẹ;
Cẩn thận, chắc chắn, thành ra dè dặt, thiếu quyết đoán, chậm đổi mởi, không dám làm ăn lớn;
Quá kín đáo, giữ gìn dẫn đến khách sáo, thiếu chân tình, thiếu thẳng thắn và trong một chừng mực nhất định, có biểu hiện coi thường tỉnh lẻ;
Quá tự tôn, sĩ diện thành ra không dám nhìn thẳng và chấp nhận sự thật, ưa nêu thành tích hơn nhận khuyết điểm;
Trọng nếp nhà hơn ý thức cộng đồng;
Lịch sử hơn ngàn năm chống ách đô hộ nước ngoài tạo nên trong tính cách người Hà Nội một tinh thần phản kháng chống lại những quy định và chính sách mà ngoại bang áp đặt, từ đó hình thành thói quen không tuân thủ pháp luật, coi trọng luật tục hơn luật pháp, chưa định hình một lối sống theo pháp luật;
Ngoài ra, đó là các biểu hiện tiêu cực, thể hiện qua các tệ nạn xã hội, tư tưởng sùng ngoại, cách sống thực dụng, thích hưởng thụ, thái dộ xuê xoa, thiếu tinh thần trách nhiệm, coi nhẹ nền nếp và quan hệ gia đình.
Qua những điểm về tính cách người Hà Nội xưa và nay trong sự vận động và phát triển, những đặc trưng truyền thống trong tính cách người Hà Nội chúng ta còn được tìm hiểu và phát hiện những nét tính cách, phong cách mới được hình thành hoặc đang được hình thành trong thời hiện đại, bao gồm cả những nét đẹp cũng như những gì chưa đẹp.
Hữu Đắc
Nhà xuất bản Hà Nội