Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 10/04/2015 11:19
Điều kiện xã hội - lịch sử đối với việc hình thành nét tính cách người Thăng Long – Hà Nội

Bên cạnh những điều kiện tự nhiên – môi trường thuận lợi, những điều kiện xã hội - lịch sử cũng ảnh hưởng, tác động đối với những đặc trưng nhân cách của con người Thăng Long - Kẻ Chợ. Với vị thế một kinh đô lâu đời, Thăng Long hầu như là sân khấu chính của mọi diễn biến chính trị - lịch sử của đất nước. Trừ một thời gian rất ngắn cuối đời Trần tiếp qua nhà Hồ, kinh thành Thăng Long đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại như những cuộc tranh chấp, đảo chính cung đình, những cuộc thay đổi vương triều, những cảnh loạn lạc, những cuộc hỗn chiến phong kiến và khởi nghĩa nông dân, cũng như những cuộc xâm lược của ngoại bang cùng những giờ phút oai hùng hoặc bi tráng trong kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta.

 
Mặc dù trong lịch sử Thăng Long đã từng được tôn vinh là một vùng đất thánh “phi chiến địa”, song người dân kinh thành vẫn chứng kiến rất nhiều cuộc chiến tranh, nhiều cảnh máu lửa xảy ra ở đây. Không kể dến những cuộc hỗn chiến phong kiến và chiến tranh nông dân từng uy hiếp kinh thành như loạn Trần Tuân, khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu, Thăng Long đã là sân khấu chính của nhiều cuộc chiến đẫm máu đau thương tủi nhục cũng như lẫm liệt, oai hùng.
 
Qua quá trình tham gia và chứng kiến những sự kiện chính trị trong những thời điểm thăng trầm của lịch sử, hưng vong của đất nước, người dân Thăng Long – Hà Nội đã mở rộng được nhãn quan chính trị, nhạy bén về ý thức chính trị và rèn luyện được bản lĩnh chính trị, trau dồi tinh thần yêu nước bất khuất, yêu chính nghĩa, ghét gian tà, nâng cao trách nhiệm với vận mệnh chung của nhân dân của Tổ quốc, không chịu sống cúi luồn xu nịnh, tự hào và bảo vệ danh dự, khí tiết của người Kinh kỳ, trân trọng với truyền thống, nhưng cũng nhạy bén chào đón cái mới, cái tiến bộ.
 
Về mặt kinh tế - xã hội, Thăng Long – Hà Nội luôn luôn giữ vững và phát huy vị thế, vai trò của một đô thị lớn, trung tâm kinh tế của cả nước, diểm tụ cư đông đúc nhất mọi tầng lớp đến từ bốn phương, kể cả lúc nó không còn là kinh đô nữa, trong thế kỷ XIX.
 
Ở vùng đồng bằng Bắc Bộ ngoại vi kinh thành Thăng Long chậm nhất là cho đến thế kỷ XV, các làng chuyên thủ công nghiệp đã xuất hiện, khá phát triển trong thê skyr XVI. Qua nhiều thế kỷ XVII, XVIII và đến tận thế kỷ XIX, do nhiều nguyên nhân, một cuộc di dân kinh tế lớn cùng với một cuộc di động xã hội đông đảo theo chiều ngang (di chuyển về không gian) đã xảy ra từ những vùng nông thôn xa gần thuộc đồng bằng Bắc Bộ chuyển dịch về Thăng Long – Hà Nội. Những thợ thủ công lành nghề, và sau đó là gia đình, hò hàng, bà con làng xóm của họ đã rời làng quê cũ (cự quans0. Ta có thể kể đến các thợ thủ công nghề nhuộm (quê Đan Loan - Hải Dương) di cư ra phố Hàng Đào, nghề thuộc da (các làng Chắm - Hải Dương) ra phố Hàng Giày, nghề đúc bạc và đổi bạc (Châu Khê - Hải Dương) ra phố hàng Bạc cùng với các thợ đúc bạc quê Đồng Xâm (Thái Bình) và thợ kim hoàn (Định Công – Hà Nội), nghề đúc đồng (từ các làng tổng Đề Kiều và àng Đại Bái - Bắc Ninh) di cư ra khu vực Ngũ Xã (gần hồ Trúc Bạch), nghề thêu (QUất DỘng – Hà Tây cũ) ra phố Hàng Hòm…
 
Cùng với những cuộc di dân trực tiếp từ các xóm làng thôn quê ra phố phường đô thị để hành nghề và buôn bán, Thăng Long – Hà Nội còn thiết lập được mối liên hệ mật thiết, sự trao đổi hàng hoá, sự đối thoại thường trực về kinh tế - xã hội với các làng ven đô và phụ cận, như cụm các làng dệt và làm giấy ở vùng ven hồ Tây – sông Tô Lịch, cụm các làng nghề dệt vải lủa nổi tiếng, các làng gốm sứ bên kia sông Hồng như Bát Tràng, Thổ Hà,… Tất cả các hoạt động giao lưu kinh tế - cư dân của Thăng Long - Kẻ Chợ càng trở nên sôi động nhờ vào vị trí đầu mối giao thông của đô thị, hệ thống sông kênh giao lưu đường thuỷ thuận tiện và sau đó là mạng lưới giao thông đường bộ toả đi khắp các nơi.
 
Sự chuyển động xã hội đó đã cung cấp cho đô thị Thăng Long – Hà Nội những tiềm lực hết sức quý giá. Nó đã chuyển dịch một nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tú từ các địa phương về tập trung tại đô thành làm nền tảng cho những kích thích sản xuất thủ công nghiệp và những hoạt động thương nghiệp. Cùng với nó là sự tích tụ vốn, chuyển giao công nghệ , kỹ thuật, kinh nghiệm, bí quyết, tạo nên một sự kết tinh, chắt lọc những con người, phương tiện và điều kiện tốt nhất cho kinh doanh, góp phần hình thành chất lượng, uy tín cho một tầng lớp người Thăng Long - Hà Nội, chợ Thăng Long – Hà Nội, hàng Thăng Long – Hà Nội, một “thương hiệu Thăng Long – Hà Nội”.
Tất nhiên, sự tịnh tiến kinh tế - cư dân từ nông thôn ra thành thị cũng có những tác dụng phụ của nó. Ảnh hưởng của nông thôn đã xâm thực một cách toàn diện đô thị và lắng đọng lại những yếu tố không thuận lợi - nếu không nói là tiêu cực – trong đời sống kinh tế Thăng Long – Hà Nội. Đó là lề thói sống, nếp suy nghĩ, cách thức làm ăn của những người đậm chất nông thôn với nền sản xuất nhỏ, kinh tế mưu sinh, tư tưởng tôn ti đẳng cấp làng xã, tâm lý trọng danh hơn trọng lợi… Nền kinh tế Thăng Long – Hà Nội chưa bao giờ cắt đứt hoàn toàn được với các cuống nhau làng quê của mình, thường xuyên nuôi dưỡng mình, nhưng đôi khi đã trở thành một lực lượng khống chế như một chiếc vòng kim cô.
 
Cộng đồng cư dân đô thị Thăng Long – Hà Nội với một cấu trúc đa thành phần, bao gồm các cư dân cư trú ở phố phường đô thị, chủ yếu dựa vào cuộc sống phi đô thị. Ngoài các tầng lớp thương nhân (chủ hiệu, tiểu thương tại các chợ) và thợ thủ công (chủ xưởng, các thợ học việc), cộng đồng này còn bao gồm các tầng lớp quan liêu (một số ít đương chức, một số nhiều là gia đình vọng tộc), nho sĩ, nho sinh, văn nhân, tài tử… Tầng lớp quan liêu nho sĩ và tầng lớp thương nhân giàu có thường có những mối quan hệ mật thiết, thường là qua hôn nhân. Bản thân có nhiều gia đình hỗn hợp, trong đó có người làm quan (bố hoặc chồng) nhưng cũng có những thành viên (phần nhiều là phụ nữ, vợ hoặc con gái) tiến hành những hoạt động kinh doanh buôn bán, chính thức hoặc không chính thức.
 
Tầng lớp triều thần và quý tộc, thường cư trú trong Hoàng thành là những thành phần cư dân đắc lực thống trị toàn diện đô thị. Tuy nhiên, một số ít gia đình giàu có cũng có quyền mua đất, xây nhà cư trú trong thành Thăng Long, mặc dù đất đai ở đây, theo ghi nhận cử nhiều người phương Tây, là “cực kỳ đắt giá”…
 
Trong lịch sử, Thăng Long – Hà Nội còn là một trung tâm văn hoá lớn, nơi giao lưu, hội tụ, kết tinh, lan toả các đặc trưng tính cách văn hoá của mọi địa phương, mọi vùng văn hoá trong cả nước, có những mối liên hệ kinh tế, văn hoá với nước ngoài, ảnh hưởng của nhiều nền văn minh, chưng cất các tinh hoa văn hoá của nhiều không gian xã hội qua các thời đại. Điều đó đã có những ảnh hưởng và tác động sâu sắc đến sự hình thành nhân cách, bản sắc đặc trưng của con người Thăng Long – Hà Nội.
 
Thăng Long – Hà Nội được coi là kinh đô của văn hoá - nghệ thuật, nợi hội tụ giao lưu của giới nghệ sĩ, tài tử giai nhân, những gương mặt văn hoá lớn. Nhiều tác giả nổi tiếng, tuy có quê gốc từ các vùng miền khác nhau nhưng đã từng cư trú, gắn bó với Thăng Long – Hà Nội, đều được coi như những gương mặt văn hoá có đóng góp cho đời sống tinh thần của Thăng Long – Hà Nội như Nguyễn Trãi, Đoàn Thị Điểm, Phạm Đình Hổ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du…
 
Sự có mặt của đông đảo các trí thức, nghệ sĩ đó còn được bổ sung bởi rất nhiều các thiết chế và đội ngũ công tác văn hoá nghệ thuật quần chúng khác như các hội nhạc giáo phường (tuồng, chèo), các buổi diễn xướng ca trù, bình thơ, các lễ hội có biểu diễn và thi các trò vui văn hoá dân gian… Tất cả các sinh hoạt văn hoá đó, cung đình, quý tộc quan liêu hay dân gian đã làm cho không khí, môi trường văn hoá của Thăng Long – Hà Nội càng thêm sôi nổi, phong phú, đa dạng, cuốn hút đông đảo các tầng lớp xã hội khác nhau, nâng cao trình độ thẩm mỹ và thưởng thức nghệ thuật của con người Thăng Long – Hà Nội, tôn xưng là những người sành điệu, lịch thiệp “dân Kinh kỳ”, “người Kẻ Chợ”.
 
Nửa sau thế kỷ XVII, ở Thăng Long - Kẻ Chợ đã có hai thương điếm Hà Lan và Anh được phép xây dựng và giao dịch, quãng chỗ chân cầu Long Biên ngày nay. Một số nhà thờ Thiên chúa giáo cũng đã được dựng ở Kẻ Chợ với những xóm đạo đầu tiên ở ô Cầu Dền, ô Đống Mác, Cầu Giấy và Hàng Bè. Sự có mặt của người nước ngoại đến sinh sống ở Thăng Long – Hà Nội và những quan hệ, tiếp xúc của họ với người dân đô thị bản địa đã có những ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt, lối sống, tâm lý của một bộ phận cư dân. Một số gia đình quyền quý, giàu có, ưa thời thượng, chuộng lạ, tỏ ra thích thú với những sản phẩm nhập ngoại như các loại gấm vóc, đồ sứ Trung Hoa, những vải dạ khổ rộng Anh Cát Lợi, đỗ kỹ xảo, trang sức phương Tây. Một số nhà buôn giàu có cũng chen chân vào ở, mở cửa hiệu buôn bán tại các phố Hoa kiều sang trọng như Hàng Buồm, Hàng Ngang, Mã Mây, Phúc Kiến (Lãn Ông ngày nay).
 
Đến đầu thế kỷ XIX, với một đợt di cư mới của Hoa Kiều tràn vào Hà Nội. Những người ngoại quốc đến Thăng Long – Hà Nội muộn hơn là những người phương Tây thuộc các nước Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp gồ, các thương nhân đi theo các tàu buôn và các giáo sĩ được Giáo hội cử sang truyền đạo.
 
Bản chất con người là tổng hoà của những mối quan hệ xã hội. Tính cách, đặc trưng của con người Thăng Long được hình thành trong một phức hợp những điều kiện tự nhiên và xã hội, qua quá trình giao lưu và hỗn dung văn hoá mang tính lịch đại và đồng đại. Nó được biểu lộ ở mặt tích cực là chính yếu nhưng cũng có những khía cạnh tiêu cực đi kèm theo. Điều kiện môi trường kinh tế, xã hội - lịch sử của một vùng đất qua từng giai đoạn lịch sử góp phần ảnh hưởng quan trọng đến việc hình thành nhân cách, nét tính cách của một cộng đồng, trên đây là một vài nét điểm qua về điều kiện xã hội - lịch sử của Thăng Long – Hà Nội có ảnh hưởng đến nét đặc trưng trong nhân cách của người Thăng Long xưa và Hà Nội nay.
 
 
Mặc Nhiên
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)