Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 10/04/2015 11:31
Bối cảnh xã hội - lịch sử của Hà Nội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc nửa đầu thế kỷ XX

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Hà Nội là vùng trung tâm của các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc, là nơi diễn ra và chứng kiến bao sự kiện lớn lao. Đầu thế kỷ XX, cách mạng Việt Nam đã gia nhập cao trào “Phương Đông thức tỉnh”, với một xã hội đổi mới và một phong trào cách mạng mang những nội dung mới. Đó là sự kết hợp đấu tranh yêu nước với đấu tranh giành dân chủ. Các phong trào yêu nước giai đoạn này rất phong phú, đa dạng và mang những sắc thái mới vì nó xuất phát trong một điều kiện kinh tế, xã hội mới của đất nước. Trước tình hình đó, Hà Nội với vị trí, vai trò trung tâm, quân dân Thăng Long – Hà Nội luôn biết vươn mình, phát huy truyền thống anh hùng, cùng quân dân cả nước viết nên những trang sử vẻ vang của những ngày đầu thế kỷ XX.

 
Từ năm 1897, sau khi dập tắt được phong trào Cần vương, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện chương trình khai thác thuộc địa ở Việt Nam. Song song với việc hoàn chỉnh và củng cố bộ máy cai trị từ trung ương đến địa phương, trong đợt khai thác Việt Nam lần thứ nhất, thực dân Pháp đánh thuế rất nặng, dùng ngay mồ hôi, nước mắt nhân dân ta mà khai thác thuộc địa, nhập một số thiết bị kinh tế cần thiết cho sự phát triển các ngành nông, công, thương nghiệp thuộc địa, trên cơ sở đó tận lực vơ vét siêu lợi nhuận cao nhất và nhanh nhất.
 
Chính phủ Pháp đầu tư vào Việt Nam tập trung chủ yếu trong cá ngành khai mỏ, kỹ nghệ giao thông vận tải và thương nghiệp. Đến năm 1906, ở Việt Nam có khoảng 200 nhà máy, xí nghiệp và công ty hầu hết tập trung ở các thành phố như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng… Do tác động của phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa dưới hình thức thực dân đã được du nhập vào Việt Nam, đồng thời phương thức bóc lột tô tức cũ vẫn được duy trì ở nông thôn, nhưng bị phương thức mới bao trùm và chi phối chặt chẽ, cơ cấu xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX bắt đầu thay đổi. Ngoài hai giai cấp cũ là nông dân và địa chủ, đã có những lực lượng xã hội mới hình thành và phát triển, như giai cấp công nhân và các tầng lớp tư sản và tiểu tư sản thành thị. Các thành thị trước kia chủ yếu là trung tâm hành chính quan liêu, nay đã nhanh chóng đổi khác, đảm nhận cả nhiệm vụ trung tâm kinh tế, và là nơi dấu ấn phương thức bóc lột tư bản chủ nghĩa in hằn rõ rệt nhất. Ý thức xã hội, cũng như nếp sống của con người, trong những điều kiện lịch sử cụ thể thời bấy giờ tất nhiên phải thay đổi để thích ứng. Tất cả những biến đổi đó trong cơ cấu xã hội và trong hình thái ý thức, cùng với ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới lúc này dội vào đã chi phối tính chất của cuộc đấu tranh cách mạng ngày càng quyết liệt giữa dân tộc ta với bọn thực dân và tay sai.
 
Hà Nội từ những năm đầu thế kỷ XX mặc nhiên trở thành trung tâm chính trị, quân sự, văn hoá và kinh tế của nền thống trị thực dân. Đây là thủ phủ của Liên bang Đông Dương gồm ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào. Các công sở chung cho toàn Liên bang đều đóng tại đây, như Phủ toàn quyền và các nha chuyên môn. Các công sở của Bắc kỳ cũng đóng tại Hà Nội như Phủ Thống sứ và các sở chuyên môn. Các lực lượng quân sự quan trọng nhất đều tập trung ở đây. Tổng chỉ huy quân đội Đông Dương, các binh chủng pháo binh, kỵ binh, công binh, thông tin, bản đồ … đều đặt trụ sở tại Hà Nội và từ đây chỉ đạo mọi hoạt động của đạo quân chiếm đóng trên toàn Liên bang, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quân sự các xứ, trước hết là của Bắc Kỳ. Và Hà Nội còn có trường đại học chung cho cả Đông Dương (1908), một số trường cao đẳng, trường trung học và chuyên nghiệp Pháp - Việt để đào tạo những người giúp việc cho chính quyền thực dân Pháp.
 
Hoạt động báo chí ở Hà Nội cũng khá sôi nổi. Ngoài tờ Đại Việt quan báo là cơ quan phát ngôn chính thức của nhà nước thực dân, còn có các báo cổ động kinh doanh tư bản chủ nghĩa như tờ Đăng cổ tùng báo (1907) hay để tuyên truyền hợp tác Pháp - Việt có tờ Đông Dương tạp chí (1913). Với mục đích tìm hiểu khả năng của thuộc địa để khai thác kiếm lời và cũng để phát huy ảnh hưởng của văn hoá Pháp ở Đông Dương và Viễn Đông, thực dân Pháp còn lập ở Hà Nội một số cơ sở khoa học, trung tâm nghiên cứu, như Trường Viễn Đông bác cổ, Nha khí tượng, Sở Địa chất (1898), Sở Địa lý (1899), Viện Vi trùng (1900)…
 
Vị trí thuận lợi của Hà Nội giữa đồng bằng sông Hồng và ở vào đầu mối các đường giao thông thuỷ bộ đã được thực dân Pháp khai thác. Ngay từ sớm, chúng đã ráo riết mở từ Hà Nội những con đường bộ nối liền với các miền trung du và thượng du Bắc Kỳ, nhằm phục vụ các cuộc hành quân đàn áp trong những năm cuối thế kỷ XIX, rồi chuyển sang phục vụ khai thác. Ngay từ sớm, chúng đã ráo riết mở từ Hà Nội những con đường bộ nối liền với các miền trung du và thượng du Bắc Kỳ, nhằm phục vụ các cuộc hành quân đàn áp trong những năm cuối thế kỷ XIX, rồi chuyển sang phục vụ khai thác, bóc lột kinh tế từ những năm đầu thế kỷ XX.
 
Từ Hà Nội cũng toả ra một mạng lưới đường bộ nối liền với các đô thị khác của xứ Bắc Kỳ, nối liền với các khu vực khai thác trực tiếp phục vụ việc chuyên chở hàng hoá và nguyên liệu. Đáng chú ý là trong kế hoạch phát triển đường sắt của thực dân Pháp ở Đông Dương, Hà Nội có một vị trí đặc biệt quan trọng. Năm 1887, bắt đầu khởi công đoạn đường Hà Nội - Đồng Đăng; đến năm 1902, đường sắt xuyên Đông Dương được khởi công. Năm 1905 đoạn Hà Nội – Vinh thông xe, được kéo dài thêm trong các năm sau và tới năm 1936 thì đường sắt xuyên Đông Dương hoàn thành với chiều dài 1.730km. Để tạo điều kiện cho tư bản Pháp xâm nhập thị trường nam Trung Quốc, đường sắt Hải Phòng – Vân Nam qua Hà Nội cũng được mở năm 1919. Cầu Long Biên, cầu sắt lớn qua sông Hồng khánh thành năm 1902 nằm trên đường sắt này.
 
Bộ mặt kinh tế của Hà Nội cũng biến đổi. Hầu hết các xí nghiệp và công ty lớn của tư bản Pháp đều đặt trụ sở chính tại Hà Nội, như các công ty luyện kim và mỏ Đông Dương (1899), bông vải sợi Bắc Kỳ (1900), điện nước Đông Dương (1900), rượu Đông Dương (1901)… Các hiệu buôn lớn của tư bản Pháp cũng đua nhau mọc lên tại Hà Nội, chia nhau nắm giữ độc quyền thương mại. Ngân hàng Đông Dương – chi nhánh của Ngân hàng Pháp cũng đóng trụ sở chính tại Hà Nội và chi phối chặt chẽ mọi hoạt động của các xí nghiệp, công ty, hãng buôn của tư bản Pháp trên thị trường Đông Dương. Bên cạnh các công ty thương mại Pháp, tại Hà Nội các công ty của tư sản mại bản Hoa Kiều cũng giữ một vai trò quan trọng, nhưng chịu sự quản lý và chi phối của chính quyền thuộc địa.
 
Trong thời kỳ này, một nét mới là tầng lớp tư sản người Việt cũng dần dần được hình thành ở Hà Nội. Đáng chú ý hơn là trong hoàn cảnh mới, một số sĩ phu tiến bộ của Hà Nội chịu ảnh hưởng trào lưu tư tưởng tư sản từ ngoài dội vào, kết hợp với những đòi hỏi của công thương nghiệp dân tộc đã đứng ra hoạt động công thương, hô hào mở cửa hiệu buôn bán hay mở xưởng sản xuất các mặt hàng nội hoá.
 
Tầng lớp tiểu tư sản ở Hà Nội ngày một đông. Họ là những tiểu chủ, tiểu thương, viên chức các sở công và tư, những người làm nghề tự do, giáo viên và học sinh các trường. Quan trọng hơn cả là sự hình thành và phát triển đội ngũ công nhân mới của Hà Nội. Ngay từ những năm đầu tư bản Pháp đẩy mạnh khai thác, bóc lột ở Việt Nam, những nông dân và thợ thủ công bị bần cùng hoá vì ruộng đất bị đế quốc và phong kiến hùa nhau cướp đoạt và hàng hoá tư bản Pháp tràn ngập từ thị thành đến thôn xóm nên họ đã phải rời bỏ làng quê ra tìm công ăn việc làm tại các thành phố, vùng mỏ, đồn điền. Quá trình tập trung và phát triển công nhân diễn ra chậm. Tuy nhiên, bước vào những năm đầu thế kỷ XX, Hà Nội đã thu nhận một số nông dân và thợ thủ công bị phá sản vào làm việc trong các công xưởng, xí nghiệp, hiệu buôn, chủ yếu của chủ tư bản Pháp. Trong bộ phận công nhân đầu tiên này đã có một số công nhân chuyên nghiệp, tuy số lượng còn ít nhưng đã đạt tới một trình độ kỹ thuật và một ý thức giác ngộ nhất định.
 
Trong tình hình mới đó, nhóm hoạt động cách mạng Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX đã đặc biệt chú trọng đến Hà Nội. Từ những bài học kinh nghiệm của các thế hệ cha anh cuối thế kỷ XIX, thế hệ cách mạng mới của Việt Nam nhận thức được rằng, muốn đánh bại kẻ thù, khôi phục độc lập dân tộc, giờ đây không thể chỉ dùng phương thức hoạt động cũ, thủ hiểm một nơi mà phải có cuộc nổi dậy của đông đảo nhân dân cả nước với những hình thức hoạt động mới, mục tiêu tiến công phải là các trung tâm chính trị, kinh tế yết hầu của chủ nghĩa đế quốc Pháp, trong số đó Hà Nội phải là vị trí hàng đầu.
 
Dưới những tác động của khai thác thuộc địa của Pháp, cùng với các đô thị khác, ở Hà Nội cũng diễn ra một quá trình đô thị hoá khá mạnh mẽ. Đây không chỉ là nơi tập trung đông đảo công nhân công nghiệp và tầng lớp tiểu tư sản thành thị mà còn là nơi thu hút một số sĩ phu tư sản hoá, là nơi qua lại của các chí sĩ nghĩa nhân trên đường đi tìm chân lý. Có thể thấy, đầu thế kỷ XX sự chuyển biến của bộ mặt thành thị ở Hà Nội cùng với các sách Tân thư đã lay động ý thức hệ phong kiến trong tư tưởng của họ, trên cơ sở đó nhãn quan chính trị của họ được đổi mới. Đối với họ, hệ tư tưởng phong kiến lỗi thời không thể giúp họ đương đầu với một nước tư bản hùng mạnh như nước Pháp. Theo họ, muốn giải phóng dân tộc phải duy tân, phải đổi mới, phải làm cho nước nhà hùng mạnh, trên cơ sở đó tiến tới sự giải phóng về phương diện chính trị. Đó là nguyên nhân ra đời của các phong trào yêu nước dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu mang tư tưởng tư sản đầu thế kỷ XX. Trung tâm của phong trào cải cách là ở các đô thị, nhất là Hà Nội.
 
 
Lê Sỹ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)