Nhân dân Hà Nội với phong trào đấu tranh những năm 1930-1935
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, phát động một cuộc đấu tranh mạnh mẽ trong cả nước. Các đảng viên cộng sản hoạt động trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ… của Pháp đã làm dấy lên phong trào đấu tranh của công nhân đòi cải thiện đời sống, chống đánh đập, áp bức thợ.
Ngày 17/3/1930, tại số nhà 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành Thành uỷ lâm thời Hà Nội được thành lập (đồng chí Đỗ Ngọc Du tức Phiếu Chu là bí thư đầu tiên, tiếp đó là đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ). Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5, hưởng ứng cuộc đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thuỷ, Thành uỷ Hà Nội đã đẩy mạnh cuộc đấu tranh trong các tầng lớp nhân dân. Nếu tính từ khi Thành uỷ đầu tiên thành lập, có thể nêu những sự kiện sau đây:
Ngày 24/4/1930, nhóm công tác phụ vận đã vận động chị em buôn bán nhỏ ở chợ Đồng Xuân đấu tranh với chủ chợ đòi giảm thuế, chống dồn chỗ, chống đánh đập.
Cùng trong tháng 4, công nhân bán vé xe điện bãi công đòi chủ không được đánh đập, không được cúp phạt, không được tăng tiền ký quỹ…
Trong dịp Quốc tế lao động 1/5/1930, hàng ngàn truyền đơn dược rải trên đường phố với những khẩu hiệu: Tăng tiền lương, Bớt giờ làm việc, Bỏ đánh đập, Thi hành luật lao động cho công nhân, Giảm sưu, hoãn thuế cho nông dân, Hưởng ứng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh… Đêm ngày 30/4 sáng ngày 1/5 cờ đỏ cùng với truyền đơn xuất hiện nhiều trong thành phố, thậm chí ngay cả tại Toà Đốc lý Hà Nội.
Sau ngày 1/5, bọn Pháp đàn áp dã man cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh, Thành uỷ Hà Nội lãnh đạo đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân Hà Nội nhằm ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh. Đội tuyên truyền của Thành phố tổ chức các cuộc diễn thuyết tố cáo tội ác của Pháp và phản đối Pháp đàn áp đồng bào.
Ngày 11/10/1930, chấp hành chỉ thị “chia lửa với Nghệ Tĩnh”, Thành uỷ Hà Nội tổ chức đợt tuyên truyền lớn trong thành phố. Có những cuộc mít tinh hàng trăm người, sau biến thành cuộc tuần hành lớn. Và trưa hôm đó, vào lúc tan tầm, đội tuyên truyền xung phong trương biểu ngữ, treo cờ đỏ búa liềm giữa phố Sinh Từ (Nguyễn Khuyến) rồi kêu gọi đồng bào tham gia cuộc mít tinh. Khi đó, một phụ nữ đứng lên hô hào nhân dân hãy ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh bằng những cuộc bãi công, bãi chợ, đòi tăng lương, giảm giờ làm, giảm thuế… Ở cổng trường Bách nghệ Ganô có cuộc diễn thuyết của đồng chí Đinh Xuân Nha với nhiều học sinh và nhân dân tham dự.
Đầu tháng 11/1930, thực dân Pháp dựng cổng chào, kết đèn hoa để chào đón Toàn quyền Nam Dương Gờraép (Graeff) sang Hà Nội thảo luận với toàn quyền Đông Dương Pátkiê (Pasquier) về việc lập liên minh chống phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa ở Đông Nam Á. Thành uỷ Hà Nội tổ chức đốt hai cổng chào ở ga Hàng Cỏ và ngã tư Bà Triệu – Tràng Thi để tỏ thái độ phản đối chủ nghĩa thực dân. Báo Trung Bắc tân văn lúc đó đưa tin người Pháp nghi ngờ Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) là người đốt cổng chào, nhưng không có bằng chứng. Sự kiện trên làm cho bọn thực dân Pháp rất căm tức.
Nhân kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười Nga (7/11), cờ đỏ lại được treo ở tháp nước vườn hoa Hàng Đậu và có nhiều truyền đơn hoan nghênh Cách mạng tháng Mười rải trong thành phố.
Qua những sự kiện nêu trên, có thể thấy ngay từ năm đầu thành lập Đảng, công nhân và nhân dân lao động Hà Nội đã hướng về Đảng. Thực tế này khác nào lời cảnh báo cho chế độ thực dân, vì thế bè lũ thực dân điên cuồng khủng bố các cơ sở Đảng. Nhiều đảng viên và quần chúng tích cực bị chúng bắt, trong đó có đồng chí Trường Chinh, lúc ấy phụ trách thanh niên sinh viên và binh vận.
Mặc dù nhiều cơ sở cách mạng bị phá vỡ, nhiều đảng viên trung kiên bị Pháp bắt, phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội không vì thế mà giảm sút. Nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân vẫn liên tục nổ ra. Ngày 2/2/1931, cờ đỏ được treo ở đầu cầu Long Biên, kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Ngày 21/3, Thành uỷ Hà Nội tổ chức rải truyền đơn kêu gọi kỷ niệm ba lãnh tụ Lênin, Liépnếch và Rôda Luýchxămbua. Ngày 18/3, tổ chức kỷ niệm Công xã Paris, ta treo cờ trên công trường Nhà máy Điện Yên Phụ.
Tháng 4/1931, do bị tra khảo, Nghiêm Thượng Biên – Bí thư Xứ uỷ phải cung khai, nên mật thám Pháp đã phá vỡ hầu hết các cơ quan cấp trung ương, xứ uỷ Bắc kỳ và Thành uỷ Hà Nội. Nhiều đồng chí uỷ viên Trung ương bị giặc bắt. Phải tới tháng 9/1931, đồng chí Trần Quang Tặng mới lập lại được Ban Thành uỷ lâm thời, nhưng sau đó lại bị Pháp bắt. Cơ sở Hà Nội lại bị phá vỡ.
Trong nhà tù Hoả Lò (Hà Nội), các chiến sĩ cách mạng cũng không ngừng đấu tranh đòi cải thiện chế độ ăn uống (đầu tháng 11/1931), đấu tranh đòi bỏ chế độ bắt tù múc phân (3/1932) hoặc chống lại việc cai tù bắt tù nhân ngồi khoanh tay… Đặc biệt, các cuộc đấu tranh phản đối Pháp xử tử hình 13 chiến sĩ cách mạng Việt Nam Quốc dân Đảng và phản đối án tử hình đối với những chiến sĩ cộng sản như Nguyễn Đức Cảnh, Hồ Ngọc Lân…
Do ảnh hưởng của cao trào 1930-1931, do hoạt động tích cực của các đảng viên, các cuộc đấu tranh của quần chúng lao động luôn tiếp diễn. Thợ thổi thuỷ tinh ở hãng Vĩnh Lợi (phố Hàng Bổ) bãi công (2/1935); giáo viên và học sinh trường tư thục Hồng Bàng, phố Hàng Trống bãi khoá (5/1935). Trong những năm 1934-1935, những người buôn bán ở chợ Đồng Xuân vẫn tổ chức bãi thị. Những sự kiện đó nói lên rằng, nhân dân Hà Nội vẫn vững bước đấu tranh, ngay cả lúc thoái trào, và hoàn toàn tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng.
Sau khởi nghĩa Yên Bái và phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, một mặt Pháp tăng cường khủng bố đàn áp các chiến sĩ cách mạng, một mặt chúng dùng nhiều thủ đoạn để mua chuộc, xoa dịu các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên trí thức tiểu tư sản. Pháp tổ chức nhiều hoạt động nhằm đánh lạc hướng đấu tranh của thanh niên như: tuyên truyền lối sống truỵ lạc, mở các hội chợ đêm, tổ chức các cuộc đua xe đạp, các cuộc thi hoa hậu, thi thể thao, mở nhiều tiệm hút, nhà chứa, sòng bạc, xuất bản sách bói toán, mê tín dị đoan… Đứng trước tình hình đó, Đảng Cộng sản đã tranh thủ dùng báo chí công khai để đấu tranh với những tư tưởng tư sản trong văn học nghệ thuật, trong việc nhận thức về vấn đề giải phóng phụ nữ. Trên báo chí tranh luận về “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh” giữa Hải Triều với Thiếu Sơn và một số nhà văn khác đã gây dư luận sôi nổi ở Thủ đô. Các bài báo có tư tưởng tiến bộ của một số tù chính trị mãn hạn trở về (như Trần Huy Liệu) đăng trong các báo Đổi mới, Hồn trẻ, Tiếng vang làng báo… đã thu hút sự chú ý của độc giả thanh niên và trí thức… Tinh thần cách mạng của các tầng lớp nhân dân được dần dân khơi dậy.
Đình Sỹ
Nhà xuất bản Hà Nội