Một số điểm nhấn trong kinh tế hàng hoá Thăng Long từ đầu thế kỷ XI đến đầu thế kỷ XVI
Thời Lý - Trần – Lê sơ, nhà nước coi trọng kinh tế nông nghiệp nên có những chính sách khuyến nông. Sản xuất nông nghiệp được ổn định và phát triển, nhiều năm mùa màng bội thu. Kinh đô Thăng Long lúc này còn trong giai đoạn phát triển sơ khai, thành phố chưa tách rời hẳn làng mạc, trong thành nội vẫn có những khu vực kinh tế nông nghiệp. Những sản phẩm nông nghiệp Thăng Long ở thời Lý - Trần – Lê sơ đã được biến thành hàng hoá, phục vụ nhu cầu cuộc sống của bộ phận quý tộc cung đình và các tầng lớp dân chúng ở kinh thành.
Buôn bán, trao đổi hàng hoá tại các chợ ở Thăng Long thời Lý - Trần là nơi trao đổi trực tiếp giữa bộ phận thành và bộ phận thị, là nơi tập trung buôn bán của kinh thành như chợ lớn ở phía đông và phía tây thành là chợ Tây và chợ Cửa Đông. Ở những khu vực ven ngoại có những chợ vùng có từ rất lâu đời như chợ Bưởi, chợ Mơ… Với mạng lưới ở cả nội ngoại thành, các chợ lớn, nhỏ được mở ra để phục vụ trao đổi của mọi tầng lớp nhân dân từ bình dân đến quý tộc. Sự gia tăng của chợ về mặt số lượng và quy mô hoạt động chính là biểu hiện một bước phát triển của nền kinh tế hàng hoá Thăng Long – Hà Nội.
Diện mạo của nền kinh tế Thăng Long thế kỷ XI – XVI là sự xuất hiện những chợ Kinh thành với tư cách là đầu mối trung chuyển hàng hoá từ các trấn xung quanh đến tay thị dân tiêu dùng, là sự phát triển của các ngành nghề thủ công sản xuất hàng hoá như: gốm sứ, dệt, làm giấy, quạt, sơn, nhuộm, đúc đồng, vàng bạc – kim hoàn,… Từ đó, làm cho những hoạt động trao đổi buôn bán giữa Thăng Long với các địa phương trong nước trở nên nhộn nhịp. Sự phát triển của nghề đúc bạc – vàng nén cũng cho thấy, ở một chừng mực nào đó, sự lưu thông tiền tệ và kim ngân trong xã hội. Tuy nhiên, nói đến kinh tế hàng hoá Thăng Long thế kỷ XV, thì phải nói đến những chuyển biến đáng chú ý sau đây:
Thứ nhất, đó là sự hình thành và phát triển các phường thủ công nội thị, lần đầu tiên được ghi chép trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi.
Thứ hai, là những tiến bộ đặc biệt trong sản xuất của một số ngành thủ công “mũi nhọn” như gốm sứ Bát Tràng (với việc xuất hiện dòng gốm mới, gốm hoa lam, vào đầu thế kỷ XV), dệt lụa ven đô (như Trích Sài, Bái Ân, Nghi Tàm… trong bối cảnh toàn xứ Tam Giang đang nở rộ các làng dệt như Hà Nội, Thiên Mỗ, Ỷ La, Trung Thuỵ và Đại Phùng).
Thứ ba, là những bước phát triển đầu tiên của các hoạt động xuất khẩu hàng hoá (với các ngành gốm sứ, tơ lụa, được đem đến thị trường Trung Quốc, Đông Nam Á bằng cả đường biển và đường bộ với những phương thức khác nhau).
Những chuyển biến tích cực của kinh tế Thăng Long từ thời Lý - Trần sang thời Lê sơ là bước chuyển biến đáng chú ý về kinh tế hàng hoá Thăng Long.
Thời Lê sơ, một số nghề thủ công của Trung Quốc đã du nhập vào nước ta, đặc biệt là nghề khắc bản in và nghề thuộc da. Căn cứ vào các đồ tiến cống và thể chế quan phục thời Lê sơ thì nghề dệt, thêu thùa và nghề làm đồ sứ, đồ sành lúc bấy giớ khá phát đạt. Thủ công nghiệp thời Lê sơ đã xuất hiện những người thợ thủ công chuyên nghiệp với các làng ở nông thôn và các phường ở đô thị. Ở nông thôn, các làng tuỳ theo điều kiện địa lý và nguyên liệu mà thường chuyên sản xuất một số sản phẩm nhất định, xuất hiện những làng nghề thủ công nổi tiếng như Bát Tràng (gốm, sành sứ), Huê Cầu (nhuộm thâm), các xã Hoàng Mai, Bình Vọng, Đông Thái (ngoại thành Đông Kinh) làm rượu… Ở các thị trấn thì những người thợ thủ công đã tổ chức lại thành những phường chuyên môn. Theo Dư địa chí thì thành Thăng Long thời Lê sơ có 36 phường.
Trong các làng xã, thợ thủ công chuyên nghiệp và tầng lớp thương nhân dần tách một phần hoặc hoàn toàn khỏi sản xuất nông nghiệp, xuất hiện những làng nghề thủ công, làng buôn bên cạnh những làng thuần nông truyền thống. Thế kỷ XV cũng đã nảy sinh sự phân công lao động giữa các vùng và chuyên môn hoá trong các khâu sản xuất. Gốm sứ Bát Tràng được sản xuất tại làng Bát Tràng nhưng cốt đất sét là loại đất đèn màu vàng được khai thác ở làng Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh); rồi được tạo men trắng nhờ loại đất trắng ở các làng Hổ Lao, Hổ Lễ (Hải Dương) và tro Quế do các lò gốm làng Đinh Xá (Phủ Lý, Hà Nam) hoặc tro Lường do dân thôn Lường (Thanh Liêm, Hà Nam) sản xuất và bán.
Ở Thăng Long, tầng lớp vua quan quý tộc, tầng lớp địa chủ cùng với đội ngũ thợ thủ công chuyên nghiệp và những thành phần dân cư phi nông nghiệp khác với những nhu cầu tiêu dùng đa dạng khác nhau chính là thị trường tiềm năng cho kinh tế hàng hoá phát triển. Sự mở rộng của công thương nghiệp địa phương tất yếu dẫn đến một làn sóng nhập cư của thương nhân vào nội thành Đông Kinh buôn bán trao đổi. Các quan xưởng của nhà nước cũng góp phần thu hút một số lượng lớn thợ thủ công, tích hợp và đa dạng thành phần dân cư Thăng Long thời kỳ này. Bên cạnh Hoàng thành, một khu vực “thị” ở Đông Kinh đã dần hình thành và phát triển với các phường buôn bán, hệ thống chợ, bến, cảng sông tấp nập.
Xét về phương diện kinh tế, những yếu tố của nền kinh tế hàng hoá giản đơn đã xuất hiện từ rất sớm. Các phố phường, chợ búa, bến sông ở nội đô và những thôn phường chuyên nghiệp phụ cận là những nơi tập trung của các hoạt động kinh tế. Đến thế kỷ XVII – XVIII, kinh tế Thăng Long có sự phát triển hưng thịnh. Khi đó ở Thăng Long đã xuất hiện những thương điếm của người Hà Lan, Anh, Pháp … đến giao dịch buôn bán. Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá của cả nước, Thăng Long – Hà Nội là nơi tập trung nhiều thợ tài hoa, những người kinh doanh buôn bán giỏi và tạo nên truyền thống “khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ” - bản sắc văn hoá vật chất, tinh thần của Thăng Long – Hà Nội văn hiến nghìn năm.
Vinh Hoa
Nhà xuất bản Hà Nội