Hệ thống sông hồ Hà Nội – đề tài có tính cấp thiết
Thăng Long - Hà Nội nghìn năm nay đứng trước xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hàng loạt các vấn đề đang đặt ra trước kiến trúc đô thị và môi trường. Cho dù mặt nước của Hà Nội đã bị thu hẹp, san lấp rất nhiều thì đặc trưng của Hà Nội đến nay vẫn gắn với sông nước. Đề tài Hệ thống sông hồ Hà Nội trở nên cấp thiết hơn sau quyết định mở rộng địa giới hành chính của thủ đô Hà Nội về phía tây và việc phê duyệt dự án “Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”,hệ thống sông, hồ, đặc biệt là sông Đáy, sông Nhuệ, sông Cà Lồ,… trở thành những dòng sông có vị trí và vai trò hết sức quan trọng của Hà Nội. Ngoài chức năng thoát lũ hiện nay, chúng sẽ phải “gánh vác” những trọng trách mới cho sự phát triển phồn thịnh của Thủ đô trong tương lai, trở thành những trục cảnh quan, hành lang xanh, điều hoà không khí và môi trường của thủ đô Hà Nội, hay tạo cảnh quan môi trường cho các đô thị sinh thái bên sông...v.v. Chính bởi vậy, sự hiểu biết về những con sông này, đặc biệt về sự hình thành và phát triển của chúng trong quá khứ cũng như hiện nay là hết sức cấp thiết.
Nghiên cứu hệ thống các lòng sông cổ của Hà Nội, có thể thấy trên miền đất thấp phía nam sông Hồng tất cả các dòng sông đều liên tục biến động theo những quy luật nhất định và thường được giới hạn về mặt không gian. Nói cách khác, ở đây có thể phân biệt những khu vực liên tục biến động và những khu vực gian sông trong vài nghìn năm qua chưa từng bị các lòng sông trẻ cắt qua. Điều đó rất quan trọng đối với việc mở rộng Thủ đô trong thời gian tới. Với nhận thức đó, các tác giả của đề tài đã và sẽ tiếp tục tiến hành phục dựng các lòng sông cổ để khoanh vẽ những đới biến động lòng sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch và những khối sót của khu vực gian sông.
Qua các kết quả nghiên cứu thấy rằng quá trình hình thành và phát triển của sông Hồng và các chi lưu của nó (sông Đáy, sông Nhuệ, Cà Lồ, sông Đuống,…) đã diễn ra từ hàng nghìn năm. Trong suốt quá trình phát triển, chúng đã tạo nên các đới biến động rộng lớn, đồng thời cũng để lại những dấu ấn của mình trên địa hình, là các hồ móng ngựa, dải trũng hay các gờ cao ven lòng. Các dấu vết này, một phần còn tồn tại cho đến ngày nay, còn phần lớn đã bị các hoạt động phát triển kinh tế, đặc biệt là quá trình đô thị hoá, làm cho không còn nhận ra được nữa hay biến mất trên thực địa. Điều đáng quan tâm là, đi cùng với những di vết mà các con sông để lại tiềm ẩn những vấn đề liên quan tới các tầng đất yếu hay các trục thoát lũ trên vùng đồng bằng…, có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến quá trình quy hoạch và phát triển đô thị. Sự thiếu hiểu biết cũng như các hoạt động quy hoạch không phù hợp với sự phân bố của các lòng sông cổ, cũng như đới biến động của chúng, có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc, như sụt lún nền móng công trình, gây ngập úng cục bộ…
Cũng đã có những dự án về khôi phục, chỉnh trị lại dòng chảy sông Đáy cho mục đích thủy lợi và bảo vệ môi trường, tuy nhiên, những nghiên cứu mang tính lịch sử còn chưa được quan tâm. Các phân tích địa mạo của nhóm tác giả xây dựng đề cương này đã cho thấy việc đắp đập Đáy của người Pháp vào đầu thế kỷ XX là sự tính toán có cơ sở khoa học, phù hợp với xu hướng tự nhiên. Nhận định này được đưa ra khi phân tích xu thế biến đổi hướng chảy của sông Đáy và sông Hồng, lượng nước vào sông Đáy ngày một ít dần khi cửa nhận nước được đẩy dần về phía đông, tạo góc vuông rồi góc nhọn so với hướng nhận nước từ sông Hồng.
Về không gian mặt nước, khác với hầu hết các đô thị khác, Hà Nội là đô thị của các sông hồ. Cái tên Hà Nội đã nói lên vị thế được bao bọc bởi các dòng sông của thành phố này. Nói là sông - hồ, nhưng thực ra với Hà Nội phần lớn hồ cũng là sông, vì các hồ như Tây Hồ, Yên Sở, Thủ Lệ… đều là dấu tích của các khúc sông cổ, sản phẩm đổi dòng của sông Cái (sông Mẹ). Hà Nội dựng nên trên cái nền của bãi sa bồi của sông Hồng, nơi ngã ba sông, địa thế bằng phẳng, thoáng đãng, giao thông đi lại bằng đường bộ, đường thủy thuận lợi, xứng với đất trung tâm tụ hội. Trong cái “tứ giác nước” (như cách nói của cố GS. Trần Quốc Vượng) với phía Bắc và phía Đông là sông Nhị Hà, còn sông Tô và Kim Ngưu bao bọc phía Tây và phía Nam. Thành lũy quanh Thăng Long cũng là đê ngăn lũ. Các sông hồ không chỉ bồi phủ tạo nên các bờ bãi tốt tươi, mà còn là hệ thống giao thông, hệ thống trữ nước, cấp nước và tiêu nước cho Hà Nội.
Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội có 111 hồ, bao gồm cả các hồ ở thành phố và nội thành, với tổng diện tích mặt nước khoảng 2180 ha. Có 24 hồ lớn trong nội thành với diện tích khoảng 765 ha, trong đó Hồ Tây có diện tích lớn nhất (516ha) và tiếp là hồ Linh Đàm. Độ sâu trung bình của các hồ từ 1,5 đến 3,5m (P.N.Dang and T.H.Hue, 1995). Một số hồ được liên kết với nhau qua hệ thống kênh, mương hình thành nên cảnh quan đặc biệt của đô thị.
Nghiên cứu xác lập cơ sở khoa học để phát triển bền vững hệ thống sông ngòi, hồ, đầm lầy Hà Nội trong là một vấn đề khó, bởi vì Hà Nội có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, đặc biệt là từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay. Mỗi hồ nước ở Hà Nội đều có nguồn gốc và quá trình phát triển khác nhau, và do vậy xu hướng biến động về quy mô cũng như chất lượng môi trường cũng khác nhau. Đó là cơ sở khoa học cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường các hồ nước. Các hồ nước có nguồn gốc sông thường được liên hệ với nhau theo tuyến, là các lòng sông cổ. Nghiên cứu mối liên hệ này sẽ là cơ sở cho việc quy hoạch phát triển đô thị, trên cơ sở phát hiện quy luật phân bố các tầng đất yếu, phòng tránh nguy cơ ngập lụt liên quan với các dải đất trũng lòng sông cổ. Nghiên cứu sự hình thành, phát triển và đề xuất giải pháp sử dụng hợp lý để Hồ Hà Nội còn là điểm nóng về môi trường, góp phần tôn tạo cảnh quan, giảm thiểu tai biến ngập lụt đô thị để Thủ đô ngày càng phát triển một cách bền vững.
Điểm qua một vài nét cho thấy chính sông, hồ đã tạo nên vị thế và diện mạo của Hà Nội. Tuy nhiên, đứng trước xu hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa thì hàng loạt vấn đề đang đặt ra giữa kiến trúc đô thị và môi trường. Hà Nội mở rộng và sẽ hiện đại hơn, nhưng sông hồ thì ngày càng bị san lấp, thu hẹp và ô nhiễm hơn. Hà Nội có còn giữ được sự hài hòa giữa kiến trúc hiện đại với sự hiền hòa, trong trẻo của các dòng sông, mặt hồ? Nói một cách tổng quát hơn: Hà Nội có còn là đô thị của sông hồ?(Ngô Đức Thịnh, 2010).
Qua các kết quả nghiên cứu và thực tế cho thấy, những hồ nước và các sông suối nhỏ ở thành phố Hà Nội có mức độ ô nhiễm chưa cao; đã có sự đầu tư tôn tạo cảnh quan, môi trường, song hầu hết còn mang tính nhỏ lẻ, thực hiện cho từng khu vực, từng hồ, từng sông suối. Trước khi quá trình đô thị hóa làm biến đổi sâu sắc các sông hồ này thì công tác điều tra, nghiên cứu một cách đầy đủ, đồng bộ nhằm đưa ra những giải pháp tổng thể cho việc bảo vệ và phát triển một dạng tài nguyên thiên nhiên có giá trị lớn lao này của Hà Nội là vấn đề cấp thiết.
Ngọc Linh (tổng hợp)
Nhà xuất bản Hà Nội