Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 06/05/2015 03:40
Diện mạo Văn Miếu - Quốc Tử Giám qua các thời kỳ lịch sử

Nằm ở phía nam kinh thành Thăng Long, ngay từ khi ra đời, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã là trung tâm văn hóa, giáo dục của Đại Việt. Qua các thời kỳ lịch sử, diện mạo và hình ảnh của nơi đây không ngừng có sự thay đổi theo biến động của các triều đại lịch sử. Với sự quan tâm khảo cứu công phu về Văn bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long, PGS.TS. Ngô Đức Thọ không chỉ nêu đầy đủ, toàn diện về giá trị văn bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà còn phục dựng được diện mạo của trung tâm giáo dục, văn hóa này qua các triều đại, cung cấp cho người đọc cái nhìn toàn diện về một di tích lịch sử văn hóa của đất Kinh kỳ.

 
Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời Lý chính là khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội hiện nay. Cương mục chú: “Văn Miếu, ở phía nam thành Thăng Long tức là Văn Miếu Hà Nội bây giờ”. Dưới các thời Nhân Tông, Thần Tông, Văn Miếu Thăng Long vẫn là nơi thờ cúng Khổng Tử và là khu nhà học của hoàng gia. Nhưng đến đời Lý Anh Tông có một sự thay đổi: năm Đại Định thứ 17 (1156), theo lời tâu của Thái úy Tô Hiến Thành, Lý Anh Tông cho dựng miếu riêng để thờ Khổng Tử. Từ đây trở về sau, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tách riêng làm 2 nơi: Quốc Tử Giám (nhà Thái học) vẫn ở chỗ cũ từ hồi đầu mới xây dựng, còn Văn Miếu (tức Văn Tuyên vương miếu) thờ Khổng Tử được dựng mới ở một điểm khác nhưng cùng phía nam thành Thăng Long.
 
Vào thời Trần, từ tháng 7-1253 về sau Quốc Tử Giám đổi gọi là Quốc Học viện và trong dịp đổi tên này đã cho đắp tượng và vẽ tranh thờ. Lần này, ngoài tượng Khổng Tử, Chu Công, lần đầu tiên tượng Mạnh Tử được đặt thờ ở Quốc Học viện. Như thế từ đây Văn Miếu lại chuyển về địa điểm cũ từ khi khởi tạo ở đời Lý, tức là cùng trong khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám hiện nay. Cuối Trần có sự kiện Trần Nghệ Tông cho Chu Văn An, Trương Hán Siêu và Đỗ Tử Bình được tòng tự ở Văn Miếu.
 
Liên quan đến đối tượng được thờ cúng ở Văn Miếu, cuối đời Trần còn nổi lên vấn đề thờ Chu Công. Đối tượng phụng thờ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Khổng Tử, bậc đại tông sư của nhà nho, được coi là Tiên thánh. Vì vậy, ngay khi mới thành lập năm 1070 dưới triều Lý, Văn Miếu đã được quy định là nơi thờ Khổng Tử, tiếp sau mới là Chu Công và Thất thập nhị hiền như Toàn thư đã ghi rõ. Nhưng đến cuối đời Trần, Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) đã đặt lại vấn đề này, đề ra việc thờ Chu Công là nhân vật chính, còn Khổng Tử chỉ là nhân vật thứ yếu (do Quý Ly lúc này đã nắm trọn quyền lực trong triều, chỉ giữ chức Thái thượng hoàng Nghệ Tông làm vì, giết Trang Định vương Ngạc, lập Chiêu Định vương Ngung làm vua, lại gả con gái trưởng cho Ngung làm hoàng hậu, vị thế còn cao hơn cả Chu Công đời xưa, chỉ là chưa được ca ngợi như Chu Công mà thôi). Nhưng đến đầu thời Lê, ngày Đinh Mùi tháng 2 năm Thiệu Bình 2 (1435), vua Lê Thái Tông lần đầu tiên cho làm lễ tế Văn Miếu theo nghi thức quốc lễ đã xác lập lại việc thờ Khổng Tử làm chính và Chu Công không còn được thờ ở Văn Miếu nữa.
 
Kháng chiến chống quân Minh xâm lược thắng lợi, vua Lê Thái Tổ lập lại trị bình, coi trọng việc học, ngay năm đầu lên ngôi đã xuống chiếu cho trong nước “dựng nhà học, dạy dỗ nhân tài, trong kinh có Quốc Tử Giám, bên ngoài có nhà học các phủ”. Thời thịnh trị đời Lê Thánh Tông, vua tôn sùng Nho học, bản thân học rộng, đọc nhiều, văn trị vũ công đều có thành tích rực rỡ. Năm Quý Mão niên hiệu Hồng Đức thứ 14 (1483), triều đình theo sắc chỉ của vua đã thực hiện một đợt đại trùng tu Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “Lại đặt thêm kho bí thư để chứa ván đỗ đã khắc thành sách; bên đông, bên tây nhà Thái học làm nhà cho học sinh 3 xá, mỗi bên 3 dãy, mỗi dãy 25 gian làm chỗ nghỉ ngơi cho học sinh”.
 
Triều Mạc, việc trùng tu Quốc Tử Giám cũng được thực hiện vào năm 1536. Mạc Đăng Doanh giao cho Tả đô đốc Khiêm quận công Mạc Đình Khoa trông nom công việc trùng tu. Đến mùa xuân năm sau thì công việc hoàn tất.
 
Thời Lê Trung hưng, do buổi đầu chưa thực sự yên ổn, đến năm 1662 vua Lê Thần Tông giao cho Tham tụng, Lễ bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Yên quận công Phạm Công Trứ lo liệu toàn bộ công việc trùng tu. Cách đúng 100 năm sau, đến đời Cảnh Hưng (10-1762) chúa Trịnh Doanh lại có một lần tu sửa lớn ở Quốc Tử Giám.
 
Từ xuân Kỷ Dậu (1789) đất Bắc Hà đã thuộc về nhà Tây Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Thăng Long trở thành Văn Miếu Bắc Thành. Trong các cuộc biến loạn cuối thời Lê - Trịnh và có thể cả trong trận chiến lịch sử đánh tan quân xâm lược nhà Thanh, khu vực Văn Miếu đã ít nhiều bị hư hỏng. Đến đời Cảnh Thịnh có chiếu vua truyền cho tu sửa Văn Miếu Bắc Thành: “Năm Nhâm Tuất (1802) tháng 5 Tây Sơn Nguyễn Quang Toản lệnh cho các trấn trùng tu Văn Miếu Bắc Thành” (theo Quốc sử di biên của Phan Dưỡng Hạo).
 
Đầu triều Nguyễn, kinh đô chuyển vào Phú Xuân, Văn Miếu Thăng Long đổi thành Văn Miếu Bắc Thành. Các quan chức Bắc Thành và Hà Nội phần nhiều có lòng kính ngưỡng hiếu cố gắng trùng tu tôn tạo hầu gìn giữ di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long xưa. Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cho xây dựng Khuê Văn Các bằng gỗ, quy cách thanh thoát, rộng đẹp, xứng đáng là nét điểm tô cho di tích nghìn năm văn hiến.
 
Từ năm 1919, khi chế độ khoa cử bằng chữ Hán bị bãi bỏ, việc thờ cúng Khổng Tử theo lễ nghi cũng hoàn toàn chấm dứt. Nhà cầm quyền Pháp có thể phần nào nhìn thấy trách nhiệm của họ nên Toàn quyền Đông Dương đã ký nghị định xếp hạng khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là di tích lịch sử văn hóa.
 
Sau khi Thủ đô được giải phóng, ngày 10-10-1954, toàn bộ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được bảo vệ an toàn. Từ năm 1987 đến nay, khu di tích này thường xuyên được tu bổ  để ngày càng khang trang, khởi sắc.
 
Trải qua các triều đại lịch sử, diện mạo trường đại học đầu tiên của nước ta có nhiều biến đổi theo hưng phế của các thời đoạn lịch sử cũng như các cuộc trùng tu. Song quần thể Văn Miếu - Quốc Tử Giám, công trình được xây dựng dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Phật Giáo, Nho giáo và văn hóa dân gian Việt Nam, vẫn luôn giữ được vị trí là một trung tâm văn hóa, giáo dục, nơi thể hiện truyền thống hiếu học, trọng học của dân tộc ta.
 
 
Trà Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)