Diện mạo và kết cấu đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX
Khu thành đô Thăng Long - Hà Nội không định hình ngay từ ban đầu, mà nó phát triển trong một quá trình. Nó được cấu thành bởi một phức hợp bao gồm nhiều thành lũy, có sự thay đổi, biến chuyển qua những thời đoạn lịch sử khác nhau. Nó là những vòng thành thời Bắc thuộc, nổi tiếng nhất là thành Đại La của Cao Biền, tiếp đến là thành lũy Đại La thời Thăng Long - Hà Nội, có thời gian tên là Đại Đô (Đại Độ) rồi đến tòa thành Thăng Long chính thức xây dựng từ thời Lý trải qua Trần, đến thời Lê mang tên Hoàng thành. Đầu thế kỷ XIX, toàn bộ phức hợp thành Thăng Long đã bị phá hủy.
Trong phức hợp thành lũy Thăng Long - Hà Nội, thành Đại La - Đại Độ có một vị trí rất đặc biệt. Thành Đại La là một lũy đất bao quanh kinh thành Thăng Long, đã có từ lâu đời, xây đi đắp lại nhiều lần đến nay vẫn còn dấu tích. Cuộc mở rộng lớn nhất vòng thành Đại La được thưc hiện vào năm 1587 theo chủ trương của Mạc Mậu Hợp để phòng quân Trịnh tấn công. Đến năm 1749, Trịnh Doanh theo kiến nghị của Hoàng Ngũ Phúc đã sai dân phu 9 huyện xung quanh Kinh kỳ xây đắp một tòa thành mới, tức là thành Đại Độ và đã bị thu hẹp rất nhiều so với thành Đại La 1587, mang chức năng phòng thủ quân sự rất rõ nét, có tre gai rào kín bên ngoài, mở thông 8 cửa tả hữu (tức 16 cửa ô), có binh lính canh phòng nghiêm ngặt. Các cửa ô ban đầu mang tính chất phòng thủ về sau thành cửa ngõ từ Thăng Long - Hà Nội đi tới các địa phương khác. Sau này, một số đoạn của bức thành Đại Độ vẫn còn dấu vết, biến thành những tuyến đê - đường giao thông, mất hẳn chức năng phòng thủ của một thành bảo vệ Kinh thành xưa kia.
Trên bản đồ Hồng Đức, bên trong thành Thăng Long hình thước thợ còn có một tòa thành nhỏ hơn hình chữ nhật, bên trong có vẽ và chú tên các cung điện, bên ngoài là dãy hồ lớn, phía phải là khu Đông cung và thái miếu. Đó chính là hoàng cung, trái tim của thành Thăng Long. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, khu hoàng cung này đã mang nhiều tên gọi khác nhau (Long thành, Long Phượng thành, Phượng thành…) và diện tích cũng nhiều lần được mở rộng hoặc thu hẹp. Trong hai thế kỷ XVII, XVIII, thành Thăng Long với tư cách một hoàng thành đã có nhiều thay đổi: quy mô và vai trò chính trị bị giảm sút; khu hoàng cung nhìn chung vẫn có quy mô cũ nhưng cũng bị thu hẹp về phía đông; trọng tâm của kinh thành đã chuyển ra ngoài thành, mang tên Vương phủ (Phủ chúa Trịnh). Theo các bản đồ Hồng Đức (đã được bổ sung), khuôn viên Vương phủ đều được ghi chú xác định. Theo các thông tin chỉ dẫn, phủ chúa Trịnh có khả năng quãng giữa phố Thợ Nhuộm, hoặc trong tứ giác các phố Lý Thường Kiệt - Bà Triệu - Nguyễn Du - Quang Trung ngày nay.
Đến thời Nguyễn, thành Thăng Long - Hà Nội được xây theo kiểu mới Vauban (tên một kiến trúc sư quân sự người Pháp thế kỷ XVII). Đặc điểm của kiểu thành này là những đoạn tường thành không thẳng mà đã cho xây thêm những pháo đài ụ bắn lồi ra ở phía trước, để có thể quan sát và tiêu diệt những ai đến gần bờ tường thành.
Phía tây kinh thành là khu Thập tam trại - tổng Nội. Mười ba trại nông nghiệp này có một điểm chung là đều thờ thần Linh Lang, trong đó có 6 trại thờ riêng vị thần này. Với những tiềm năng và lợi thế của mình là nền nông nghiệp chuyên canh, Thập tam trại đã đóng góp một phần và giữ một vai trò nhất định trong kết cấu và đời sống kinh tế - xã hội Thăng Long - Hà Nội truyền thống.
Và về đại thể, không gian đô thị Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII, XVIII, XIX bao gồm hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức (sau đổi thành Vĩnh Thuận) thuộc phủ Phụng Thiên (đời Lê) trực thuộc triều đình, sau là phủ Hoài Đức (đời Nguyễn) trực thuộc Bắc thành tổng trấn, từ năm 1831 triều Minh Mệnh, thuộc tỉnh Hà Nội. Khi không còn là kinh đô, phố phường Hà Nội đông vui hơn nhưng cũng lộn xộn hơn. Hệ thống các cổng phố đến thế kỷ XIX đã trở nên phổ biến, là một biện pháp tự quản rất hữu hiệu để đảm bảo an ninh trật tự.
Một Thăng Long - Hà Nội với sự pha trộn, phối hợp giữa các yếu tố thành và thị, đô thành và dân gian trong suốt 3 thế kỷ đã được PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ tái hiện ngắn gọn nhưng đầy đủ và sâu sắc. Đây cũng là những gợi mở để mỗi người hình dung được một khía cạnh của bức tranh chân thực về lịch sử Thăng Long – Hà Nội suốt ba thế kỷ XVII, XVIII và XIX.
Nguyễn Dung
Nhà xuất bản Hà Nội