Vị thế của Đại Việt qua những chính sách ngoại giao của nhà Lý với vương triều Tống
Trong quan hệ với Trung Quốc, ngay từ đầu vương triều Lý đã sớm nhận thức được vai trò quan trọng của nhà Tống trong hệ thống quan hệ quốc tế và khu vực. Do đó ngay sau khi định đô ở Thăng Long, Lý Thái Tổ đã sai “viên ngoại lang Lương Nhậm Văn và Lê Tái Nghiêm sang nước Tống để kết hoà hảo” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, trang 241). Sau đó ông nhiều lần cử người sang Tống để thăm hỏi, kết mối giao hảo, đáp lễ hay xử lý những bất hoà nảy sinh. Nhờ đó, quan hệ nhà Lý với nhà Tống những thập niên đầu thế kỷ XI đã dần trở lại bình thường và ổn định. Bên cạnh đó, vua Lý Thái Tổ cũng chú trọng đến việc buôn bán giao thương với Trung Hoa. Triều đình đã tạo điều kiện thuận lợi cho các thương nhân Trung Quốc đến Đại Việt buôn bán, cũng như cho thương nhân Đại Việt sang Trung Quốc làm ăn.
Mối quan hệ bang giao giữa hai vương triều chủ yếu ở hoạt động triều cống và các vấn đề về vùng biên viễn. Hoạt động triều cống thời Lý được tiến hành đều đặn với nhiều lý do và mục đích khác nhau như khi vua Tống lên ngôi hay băng hà, khi vua Lý được phong hay Đại Việt có việc hỷ. Theo thống kê dựa trên các nguồn sử liệu Trung Quốc và Việt Nam thì từ năm 976 đến năm 1276 có tới 82 lần Đại Việt cử các đoàn ngoại giao đến Tống. Các sứ đoàn của Đại Việt khi đi sứ đều mang theo một số lượng cống lễ lớn, đồng thời nhà Tống cũng ban tặng cho sứ thần và nhà Lý nhiều vật phẩm có giá trị. Trong một chừng mực nào đó, hoạt động triều cống góp phần giảm bớt xung đột có thể xảy ra, giữ gìn hoà bình, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong nước. Phần lớn các hoạt động của sứ đoàn ngoại giao diễn ra trong bối cảnh hoà bình và thân thiện.
Có thể thấy việc thiết lập quan hệ bang giao với nhà Tống trong một chừng mực nhất định nào đó đã gián tiếp khẳng định sự tồn tại của Đại Việt và nhà Lý. Nhà Lý vẻ bề ngoài thể hiện sự thuần phục nhưng bên trong vẫn giữ vững tư tưởng độc lập, tự chủ, tự tôn dân tộc. Tuy nhiên, trước sự trỗi dậy của các chính quyền địa phương ở các vùng giáp biên đã làm quan hệ của hai bên trở nên phức tạp. Một số thủ lĩnh địa phương đã chủ động đem lực lượng xin phụ thuộc vào nhà Tống, nhà Tống cũng có nhiều chính sách thu phục các thủ lĩnh địa phương ở các vùng giáp biên giới chung của hai nước. Đặc biệt là sau cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao, quan hệ giữa Đại Việt và Tống đã có nhiều thay đổi bởi nhà Tống chủ trương can thiệp và giải quyết xung đột ở các vùng địa phương Đại Việt. Trước các chính sách can thiệp, củng cố và tăng cường phạm vi ảnh hưởng của nhà Tống đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở vùng giáp biên, chính quyền nhà Lý cũng có những phản ứng tương đối cứng rắn. Mặc dù vậy, trong một chừng mực nào đó, từ cả hai phía, chính quyền Trung ương nhà Tống cũng như triều Lý vẫn muốn duy trì quan hệ hoà bình ổn định đã có. Tuy nhiên đến những năm 60 của thế kỷ XI, nhà Tống đã có những thay đổi trong chính sách ngoại giao với Đại Việt đó là tăng cường sức mạnh nhà nước và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. Chính vì vậy, nhà Tống đã có những hành động và âm mưu bành trướng xuống Đại Việt.
Trước những âm mưu của nhà Tống, nhà Lý đã chủ động chuẩn bị cuộc kháng chiến. Lý Thường Kiệt là vị tướng được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc kháng chiến này. Với chủ trương “ngồi im đợi giặc, không bằng đem quân ra trước để chặn thế mạnh của giặc”, Lý Thường Kiệt đã hợp lý hoá cuộc tiến công vào lãnh thổ quân Tống, không gây oán thán trong lòng dân Tống và để dân Tống thấy được tính chất chính nghĩa trong hành động quân sự của Đại Việt bằng cách khi tiến vào nước Tống, ông cho dán bố cáo dọc đường để kể tội quan quân nhà Tống và chỉ trích những chính sách, âm mưu của nhà Tống nhằm xâm lược nước ta. Sau những cuộc chiến giằng co trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, cuộc chiến tranh giữa Đại Việt và nhà Tống kết thúc bằng hiệp định đình chiến giữa Quách Quỳ và Lý Nhân Tông, mở ra một quá trình đấu tranh quân sự - ngoại giao giữa hai bên. Sau đó, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Đại Việt và nhà Tống trở lại bình thường và ổn định.
Có thể nói, việc giải quyết vấn đền biên giới đối với nhà Tống được xem như là một thành tựu đặc biệt quan trọng trong các hoạt động đối ngoại dưới thời Lý. Lần đầu tiên sau sự sụp đổ của nhà Đường, ranh giới giữa Đại Việt và Trung Hoa được xác định một cách cụ thể. Cùng với sự thừa nhận của nhà Tống đối với các vị vua nhà Lý như là quốc vương của một quốc gia độc lập, hoạt động ngoại giao đã góp phần nâng cao vị thế và khẳng định tính chính thống của Đại Việt trong mối quan hệ với Trung Hoa.
Anh Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội