Nhìn lại địa giới hành chính của Hà Nội trong bốn thập kỷ đầu thế kỷ XX
Theo các tư liệu lịch sử cho thấy, buổi ban đầu dưới ách cai trị của Pháp, trung tâm Thành phố bao gồm địa bàn bắc hồ Hoàn Kiếm đến khu Dinh Toàn quyền. Ngày 14/7/1899, Thống sứ Hà Nội quyết định lập khu vực ngoại thành gồm một số xã thuộc hai phủ Hoài Đức và Thường Tín. Vùng ngoại thành do một viên đồn trưởng trực tiếp cai trị.
Sang đầu thế kỷ XX, cơ sở hạ tầng của Hà Nội được hoàn chỉnh nhanh chóng. Có thể thấy các khu phố ở thời kỳ này được xây dựng theo mô hình hiện đại: công sở, biệt thự được quy hoạch, xây dựng theo kiểu ô bàn cờ. Cơ sở hạ tầng của Thành phố bao gồm điện, nước giao thông, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà thờ, rạp chiếu bóng, nhà hát… dần được khởi công và đưa vào hoạt động.
Năm 1902, thực dân Pháp lập Hà Nội làm thủ phủ của toàn Đông Dương. Kinh thành Thăng Long cũ đã trở thành Thủ đô của xứ Đông Dương thuộc Pháp. Vào thời điểm này, Hà Nội có khu vực nội thành với diện tích rộng trên 10km2 và vùng ngoại thành nằm ở phía đông nam Thành phố.
Cuối năm 1904, Pháp chia khu vực nội thành làm 8 tiểu khu và vùng nông thôn ngoại thành ở phía đông nam Hà Nội là huyện Hoàn Long được cắt sang tỉnh Hà Đông. Theo thống kê sơ lược của người Pháp thì đến năm 1921, thành phố Hà Nội có khoảng 4.000 dân người Âu, một số người Ấn, người Hoa và 100.000 người Việt.
Đến năm 1928, vùng nội thành của Hà Nội đã được mở rộng đáng kể. Khu Hoàn Kiếm đã trở thành trung tâm của thành phố. Đây là địa giới phân biệt giữa khu phố cổ cùng những con đường ngoằn ngoèo với khu phố mới mang lối kiến trúc hiện đại kiểu ô bàn cờ. Khu phố cổ với 36 phố phường mật độ dân cư dày đặc, trong khi khu phố mới dân cư, biệt thự còn thưa thớt. Phố chưa có tên và được đánh dấu bằng các ô số (Đến năm 1935, Hà Nội có tất cả khoảng 175 ô phố được tính từ ô số 1 đến 175). Chiều của thành phố lúc này từ bắc xuống nam, trải dài từ hồ Trúc Bạch đến điểm cuối là hồ Bảy Mẫu; phía đông bắc thành phố giáp sông Hồng, phía tây bao gồm vũng Xã Đàn, Thổ Quan.
Vùng ngoại thành ở phía nam, bao gồm các làng thuộc xứ Bạch Mai, Khương Thượng, Kim Liên, Phương Liệt… với khoảng 20 thôn, làng. Cư dân vùng này kiếm sống bằng nghề nông, thủ công; nhiều làng trồng rau thơm. Đến năm 1930, dân số thành phố khoảng 200.000 người.
Khi Nhật chiếm Hà Nội (tháng 10/1940), địa hành chính Hà Nội có thay đổi. Ngày 25/8/1942, Nhật – Pháp sáp nhập huyện Hoàn Long vào thành phố Hà Nội. Cuối năm 1942, Nhật – Pháp quyết định lập khu vực ngoại thành làm “Đại lý đặc biệt Hà Nội”, gồm huyện Hoàn Long cũ và 22 xã thuộc phủ Hoài Đức, Thanh Trì thuộc Hà Đông, trụ sở đặt tại ấp Thái Hà. Theo thống kê của thực dân Pháp năm 1943, diện tích của thành phố vào thời gian này tăng lên đến 130km2, dân số gần 30 vạn.
Sang năm 1943, Pháp mở rộng địa giới hành chính Hà Nội sang phía Thanh Trì. Tính đến năm 1945 diện tích thành phố rộng khoảng 150km2. Vào thời gian này Hà Nội phía bắc giáp huyện Đông Anh (Phúc Yên), phía đông giáp huyện Gia Lâm (Bắc Ninh), phía tây giáp Hoài Đức, Đan Phượng, thị xã Hà Đông và phía nam giáp huyện Thanh Oai, Thanh Trì (Hà Đông).
Cho đến trước Cách mạng tháng Tám (1945), thực dân Pháp chia Hà Nội làm hai vùng: nội thành và ngoại thành. Vùng trung tâm Hà Nội gồm 8 tiểu khu, vùng ngoại thành gồm 9 tổng, 36 xã (Có tài liệu cho rằng Hà Nội thời gian này có 30 xã thuộc Đại lý Hoàn Long, nhưng có tài liệu cho rằng Hà Nội có 60 xã ngoại thành). Lịch sử cuộc vận động Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội chủ yếu diễn ra trên địa giới nêu trên. Tuy nhiên bởi cuộc vận động Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội là một bộ phận của lịch sử xứ Bắc Kỳ và của cả nước thời đó, nên sự kiện này không bó hẹp trong không gian nêu trên. Dưới sự chỉ đạo của Trung ương và Xứ uỷ Bắc Kỳ, phong trào đấu tranh cách mạng ở Hà Nội với các tỉnh xung quanh luôn có quan hệ hữu cơ, tác động qua lại với nhau. Phong trào cách mạng càng phát triển, điều kiện phối hợp giữa cách mạng ở Hà Nội với bên ngoài càng tăng lên và mặt khác chính sự phối hợp này lại tạo thuận lợi cho phong trào đấu tranh của Thủ đô.
Sau khi xâm chiếm và bình định được Đông Dương, thực dân Pháp nhanh chóng tiến hành hai cuộc khai thác thuộc địa. Dù chủ trương cụ thể có khác nhau, nhưng ý đồ chung của thực dân Pháp qua hai lần khai thác này đều nhằm vơ vét nguồn nguyên liệu và nhân công rẻ mạt ở Đông Dương, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng công nghệ, vơ vét nông phẩm trong xứ để kiếm lợi nhuận.
Hà Nội - Bắc Kỳ cũng nằm trong toan tính trên của Pháp và nó có vị thế khác thời gian trước. Thực dân Pháp đã xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá của xứ Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Từng bước một Pháp chiếm lấy Hà Nội và biến nơi đây thành vị trí chiến lược quan trọng hàng đầu trong hệ thống phòng thủ và cai trị toàn Đông Dương. Đối với phát xít Nhật sau này Hà Nội cũng là vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc chiến tranh xâm lược của chúng ở Đông Nam Á.
Trong hơn sáu mươi năm thống trị, thực dân Pháp không ngừng củng cố, tăng cường bộ máy cai trị và phòng thủ ở Hà Nội. Chúng ra sức xây dựng cơ sở chính trị xã hội phản động, chủ yếu trong giai cấp địa chủ phong kiến và một số ít tư sản có quyền lợi dính chặt với đế quốc. Đa số tổ chức, đảng phái phản động do đế quốc lập ra đã ra đời và hoạt động chủ yếu ở Hà Nội.
Lê Nguyễn
Nhà xuất bản Hà Nội