Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 11/05/2015 10:22
Thăng Long – Hà Nội: vùng đất giàu có tài nguyên văn hoá vật thể và phi vật thể

Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, Thăng Long – Hà Nội luôn là trái tim, là đầu não của cả nước. Hà Nội được xây dựng và phát triển trên một nền tảng vững chắc của quá khứ với Cổ Loa – Thăng Long – Hà Nội - điạ danh tiêu biểu cho lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc ta, nơi các tầng văn hoá, các di tích lịch sử - văn hoá có mật độ dày đặc. Tinh hoa văn hoá, sự giàu có tài nguyên văn hoá là một trong những nguồn lực đặc biệt quý giá của Kinh đô - Thủ đô.

 
Sự sáng tạo văn hoá của mỗi cộng đồng người, của nhân loại là cội nguồn của mọi giá trị. Nhờ sự sáng tạo văn hoá của con người để tồn tại và phát triển trên một môi trường thiên nhiên nhất định mà hình thành nên hệ thống giá trị văn hoá của cộng đồng, và cũng có thể gọi là hình thành nguồn tài nguyên văn hoá hay nguồn lực văn hoá nội sinh của cộng đồng đó. Tinh hoa văn hoá là phần tinh tuý, những giá trị cao quý, tốt đẹp nhất của văn hoá dân tộc hay một địa phương.
 
Nguồn lực văn hoá, tài nguyên văn hoá ở đất Thăng Long – Hà Nội chủ yếu và trước hết là Vốn Con người: Các bậc minh quân, tôi hiền, tướng giỏi, nông dân, thợ thủ công tinh xảo, các bậc thày đạo cao đức trọng, đặc biệt là các lớp thị dân Thăng Long tài hoa, thanh lịch hàng nghìn năm qua đã hội tụ về đất Kinh kỳ. Đây là nhân tố quyết định sự phát triển kinh tế, xã hội trong quá trình đô thị hoá đất Thăng Long – Hà Nội.
 
Trong suốt 1000 năm xây dựng, bảo vệ Kinh đô - Thủ đô, các thế hệ người Thăng Long – Hà Nội đã sáng tạo các giá trị văn hoá vô cùng phong phú, quý giá. Qua sự sàng lọc, thử thách của thời gian, các giá trị đó kết tinh thành di sản văn hoá vật thể và phi vật thể.
 
Di sản văn hoá vật thể ở Thăng Long – Hà Nội phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của mỗi giai đoạn lịch sử phát triển Thăng Long, Hà Nội và của cả nước. Đó là các đình, đền, chùa, phủ, miếu, mà trong nội thất thờ cúng còn lưu giữ được nhiều tác phẩm mỹ thuật, điêu khắc có giá trị cao, ngày nay đã trở thành cổ vật quý hiếm. Bên ngoài các di tích là môi trường cảnh quan độc đáo với hồ nước hoà hợp với cây quả quý hiếm xanh tươi bốn mùa; với các lễ hội cổ truyền đề cao Thiện Tâm, lòng yêu nước thương nòi và văn hoá thụ lộc (ẩm thực) tinh tế, có lễ nghĩa, kính trên nhường dưới. Đó là vốn tài sản vật chất và tinh thần vô giá trong kho tàng di sản văn hoá dân tộc được lưu giữ trên đất Kinh kỳ, mà các thế hệ ông bà ta đã nhiều đời chắt chiu, tạo dựng trong trường kỳ lao động, sáng tạo.
 
Hơn 20 năm đổi mới, di sản văn hoá vật thể của Thăng Long – Hà Nội đã bước đầu được đánh giá, lập Hồ sơ khoa học để bảo vệ theo pháp luật: là di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh. Nhà nước đã cấp bằng xếp hạng là di tích cấp thành phố, di tích cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt.
 
Và đặc biệt quan trọng là khu Di tích khảo cổ học ở 18 Hoàng Diệu và Thành cổ Hà Nội hợp thành “Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội”. Nơi đây, lưu giữ nhiều nền móng các kiến trúc, các di vật quý hiếm từ thời Bắc thuộc, trải qua các thời Đại Việt đến thời đại Hồ Chí Minh. Đầu năm 2009, Khu di tích trung tâm (Cấm Thành) của Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã được Chính phủ trình lên UNESCO xét để xếp hạng là Di sản văn hoá thế giới. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một ngàn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự tiến hoá của nền văn minh dân tộc Việt Nam trong lịch sử phát triển của nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là nơi ghi đậm dấu ấn những giá trị biểu đạt văn hoá và những sự kiện mang tầm vóc ý nghĩa toàn cầu.
 
Năm 2010 Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Trở thành di sản văn hoá thế giới, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là niềm tự hào của nhân dân thủ đô Hà Nội và cả nước, là sự vinh danh những giá trị văn hoá, truyền thống ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Hà Nội, đồng thời mở ra những cơ hội mới trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu, bảo tồn phát huy giá trị cho di sản.
 
Thủ đô Hà Nội còn giữ gìn được nhiều di tích của các sĩ phu yêu nước kháng Pháp đô hộ thời cận đại, các di tích gắn với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám 1945 và hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và đặc biệt là những di tích gắn liền với cuộc đời, hoạt động ở Thủ đô Hà Nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Di sản văn hoá phi vật thể ở Thăng Long – Hà Nội gồm văn học dân gian, lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, nghệ thuật cổ truyền, phong tục tập quán, văn hoá ẩm thực, nghệ thuật và tri thức dân gian. Đây là những nguồn lực rất đa dạng và phong phú góp phần vào đời sống văn hoá tinh thần, thể hiện bản sắc độc đáo của văn hoá Thủ đô.
Thăng Long – Hà Nội là một trong những địa phương có số di tích lịch sử văn hoá phong phú vào loại nhất trên cả nước. Theo kết quả kiểm kê di tích, trên địa bàn Hà Nội cũ có gần 2.000 di tích các loại: từ 1/8/2008 Hà Nội mở rộng có đến 5.200 di tích, trong đó gần 1.000 di tích xếp hạng quốc gia (chiếm 40% di tích cả nước); có 1.270 làng nghề thủ công truyền thống. Nguồn lực di sản văn hoá vật thể và phi vật thể ở Thủ đô Hà Nội chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, được coi là trọng tâm của các tài nguyên văn hoá, nguồn lực văn hoá của Thủ đô. Văn hoá Thăng Long – Hà Nội gắn với địa vực Thăng Long – Hà Nội, với những địa danh Nhị Hà, Dâm Đàm, Núi Nùng, Giảng Võ, Ba Đình… Đó chính là cái nôi sinh thành tính độc đáo văn hoá, chính là nguồn dinh dưỡng, bồi đắp các giá trị văn hoá Thăng Long – Hà Nội.
 
Nghiên cứu giá trị của di sản văn hoá và văn hoá đương đại của Thăng Long – Hà Nội, có thể khái quát một số đặc trưng nổi bật.
 
Văn hoá Thăng Long – Hà Nội hội tụ, kết tinh tinh hoa, trí tuệ, truyền thống văn hoá, giá trị nhân văn của Tứ trấn (Nam, Bắc, Đông, Đoài) và tiếp thu chọn lọc, sáng tạo giá trị văn hoá ngoại lai. Hệ giá trị văn hoá Thăng Long – Hà Nội phát triền, trưởng thành trong gần nghìn năm có sức sống vượt lên giới hạn địa phương, giới hạn thời gian và trở thành biểu tượng tâm linh của quốc gia, dân tộc. Sức hội tụ, kết tinh văn hoá của Thăng Long – Hà Nội vì lẽ đó trở thành một hằng số lịch sử - văn hoá của đất Kinh kỳ.
 
Văn hoá Thăng Long – Hà Nội lan xa, toả sáng. Đây là hệ quả của tính hội tụ, kết tinh văn hoá. Hội tụ, kết tinh là nền, là cơ sở của tính lan xa, toả sáng. Sức lan toả văn hoá đánh dấu sự trưởng thành của hội tụ, kết tinh văn hoá. Hội tụ - lan toả là biểu hiện của quy luật giao lưu và tiếp biến văn hoá rất phổ biến trong đời sống văn hoá nói chung. Song, mối quan hệ hội tụ, kết tinh, toả sáng của văn hoá Thăng Long – Hà Nội mang đặc trưng quốc gia, đa diện, nhiều tầng, liên địa phương và xuyên vùng miền, mang đậm bản sắc dân tộc.
 
Văn hoá Thăng Long – Hà Nội phát triển trên cơ sở kinh tế thị dân, thương mại sầm uất, nhân tài bách nghệ bốn phương tụ về. Và văn hoá Thăng Long – Hà Nội có tính mẫu mực, tính đại diện. Nhiều giá trị văn hoá Thăng Long – Hà Nội được coi như chuẩn mực chung của cả nước, nhất là các chuẩn mực xác định bản sắc dân tộc của văn hoá và con người Việt Nam so với các tính chất, diện mạo của các nền văn hoá khác. Các chuẩn giá trị kết tinh, hội tụ, tinh hoa văn hoá bốn phương tại Kinh kỳ được người Việt Nam ở mọi miền tổ quốc xem đó là giá trị chuẩn, giá trị tiêu biểu có ý nghĩa đại diện cho chính mình.
 
Nói tóm lại, các giá trị văn hoá đặc trưng của Thăng Long – Hà Nội vô cùng phong phú, đa dạng. Từ cách tiếp cận địa văn hoá, lịch sử, khoa học nhân văn, giá trị học, xã hội học… các giá trị lịch sử - văn hoá Thăng Long – Hà Nội hiện lên vô cùng giàu có, nhiều tầng nấc, nhiều di sản, nhiều chiều cạnh gắn với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Di sản văn hoá Thăng Long – Hà Nội có sức sống tiềm ẩn trong tâm linh của những con người thuộc các thời đại khác nhau. Mỗi lần xã hội có những chuyển động thì các giá trị văn hoá ấy hiện diện như một sức sống, động viên và mách bảo cho phương thức sống mới. Giá trị văn hoá Thăng Long – Hà Nội không phải “nhất thành bất biến” mà gắn liền với nhiều thời đại, theo cách thức đánh giá và hệ chuẩn giá trị của mỗi thời đại.
 
 
Vĩnh Quý
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)