Dấu ấn văn hoá Chămpa tại Thăng Long thời nhà Lý
Sau thắng lợi của công cuộc chinh phạt Chiêm Thành năm 1069 không chỉ làm uy thế của Đại Việt trở nên lớn mạnh trong khu vực, mở rộng lãnh thổ quốc gia mà còn là một cầu nối cho sự tiếp xúc của văn hoá Đại Việt - Chămpa. Cầu nối trực tiếp cho sự tiếp xúc này chính là lực lượng những tù binh Chiêm Thành do vua Lý Thánh Tông chiến thắng mang về. Trong số tù binh đó có rất đông là thợ khéo tay, những thợ thủ công lành nghề và những vũ công khéo léo… họ là những người đóng góp đáng kể cho công cuộc xây dựng và phát triển của Đại Việt, làm phong phú hơn những nét văn hoá của Đại Việt nói chung và Thăng Long nói riêng.
Dấu ấn văn hoá Chămpa được thể hiện nhiều ở nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Công trình đầu tiên phải nói tới là ở Tháp Báo Thiên. Đây là công trình có sự tham gia của không ít các thợ lành nghề người Chiêm, vật liệu xây dựng cũng được xác định là vật liệu Chăm, được mang về từ sau chiến thắng của vua Lý Thánh Tông. Sau khi hoàn thành công trình tháp Báo Thiên, những cư dân và thợ người Chăm đã sinh sống ở các làng Báo Thiên, Tự Tháp; những người khác sinh sống ở khu vực phía Tây Kinh thành thuộc thôn Bà Già (nay là Phú Gia và Phú Xá, thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Các nhà khảo cổ học đã khai quật thấy giếng nước ở số 42 Nhà Chung, Hà Nội ngày nay có miệng bằng đá, có phong cách kỹ thuật Chăm. Đây chính là khu vực của làng Báo Thiên xưa kia - nơi ở của những người thợ xây tháp Báo Thiên xưa.
Bên cạnh đó, những công trình và di vật của nhà Lý hiện còn và được nghiên cứu khai quật khảo cổ học tại khu vực Hà Nội cũng đã cho thấy có nhiều dấu ấn của văn hoá Chăm trong lòng Thăng Long. Đó là những viên gạch có dòng chữ Chăm ở Hoàng thành Thăng Long; tượng thần Shiva và Thiên Yana; hình tượng chim thần Garuda ở chùa Phật Tích. Đặc biệt khi khai quật ở Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy những viên ngói úp nóc thời Lý ở Hoàng thành Thăng Long có khắc hình ảnh về chim uyên ương được thể hiện hao hao với ngỗng thần Hamsa (vật cưỡi của thần Brahma) trong điêu khắc Chăm. Trên đó dấu ấn Chăm còn xuất hiện ở hình dáng, bố cục của toàn bộ bức phù điêu trang trí của viên ngói. Chúng chính là những biến thể, cách điệu của chiếc lá nhĩ gắn trên các cạnh góc đỉnh, mái tháp Chăm. Khi so sánh tư thế của phượng thời Lý với các Garuda bằng sa thạch hoặc đất nung của người Chăm, thì không có khác nhau là mấy về mặt bố cục. Đặc điểm giống nhau dễ nhận thấy nhất giữa Garuda và phượng thời Lý ở Hoàng thành Thăng Long chính là đôi cánh được tạo trong tư thế dang rộng, cử động của cánh xoè hết cỡ giống với hình thức quạt lượn hình vòng cung; tại đây, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy mảnh tháp sứ trắng thời Lý trang trí hình tiên nữ (Apsara) là hiện vật rõ ràng và dễ nhận diện nhất về dấu ấn văn hoá Chăm ở Hoàng thành Thăng Long. Có thể nói, những binh lính, thợ thủ công Chăm pa khi đến Đại Việt đã mang đến đây những đặc trưng văn hoá của họ, những yếu tố này nhanh chóng hoà vào văn hoá Đại Việt trên cơ sở những kiến trúc và điêu khắc thời Lý.
Cùng với nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc, âm nhạc Chăm cũng nhanh chóng được các vị vua nhà Lý tiếp nhận một cách chủ động. Ngoài những điệu nhạc cổ truyền của dân tộc, những khúc nhạc Chăm được phổ biến rộng trong cung đình. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi chép lại rằng “tháng 8, năm 1060, Lý Thánh Tông cho phiên dịch nhạc khúc và điệu đánh trống của Chiêm Thành rồi cho nhạc công ca hát”. Như vậy, không chỉ là sự tiếp xúc một cách ngẫu nhiên về văn hoá mà các vị vua, quan lại nhà Lý đã chủ động tìm đến những nét văn hoá và những giá trị văn hoá của Chămpa để bồi tụ thêm cho văn hoá Đại Việt.
Mặc dù những dấu ấn văn hóa Chămpa ở Thăng Long thời Lý xuất hiện không nổi trội, rõ nét và dễ nhận diện như văn hóa Trung Hoa nhưng nó cũng đã đặt được một khuôn diện nhất định trong lòng văn hoá Đại Việt. Trên bình diện chung của toàn Đại Việt, các yếu tố văn hoá Chămpa đã có cơ hội len lỏi vào hầu hết các vùng miền nơi cư dân Việt cư trú và trong trung tâm Thăng Long; từ những dấu ấn vật chất đến những dấu ấn phi vật chất... Thăng Long - Hà Nội được coi như là một điển hình cho quá trình giao thoa - tiếp biến văn hóa Chămpa - Đại Việt.
Anh Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội