Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 11/05/2015 10:33
Giá trị văn hoá tinh thần quý báu từ một số lễ hội và trò chơi dân gian thời Lý

Cùng với sự phát triển thịnh trị về chính trị, kinh tế, thì vương triều Lý được coi là người khai mở cho sự phát triển của nền văn hoá Đại Việt. Những hoạt động văn hoá tinh thần dưới thời thịnh trị nhà Lý không chỉ làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân mà còn góp phần nâng tầm văn hoá Đại Việt trong bối cảnh cụ thể là không gian văn hoá Thăng Long. Cùng tìm về với lịch sử để hiểu hơn những giá trị văn hoá tinh thần đó trong các sinh hoạt lễ hội cung đình và trò chơi dân gian triều đình nhà Lý.

 
Sự giao lưu và tiếp xúc với văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ, Miến Điện, Chămpa… đã chắp cánh cho những giá trị văn hoá truyền thống của người Việt cổ thời Lý. Điều đó tạo nên những lễ hội đặc sắc, những trò chơi dân gian thú vị trong đời sống tinh thần của vua quan và dân chúng nhà Lý. Những lễ hội tiêu biểu mà chúng ta có thể kể đến đó là: lễ hội mừng sinh nhật nhà vua, lễ hội thề ở đền Đồng Cổ, hội đèn Quảng Chiếu…
 
Thực ra, lễ hội mừng sinh nhật nhà vua không phải đến thời Lý mới có mà đã có từ thời vua Lê Đại Hành. Tuy nhiên đến thời nhà Lý mà cụ thể là từ năm 1028, lễ hội này được tổ chức thường xuyên và quy mô hơn. Từ năm 1021 lễ hội mừng sinh nhật nhà vua còn được gọi là Tiết Thiên Thành (thời Lý Thái Tổ) hay Tiết Thiên Thánh (thời vua Lý Thái Tông). Lễ hội mừng sinh nhật nhà vua thường được tổ chức ở quảng trường ở phía trước cửa Tây của thành Đại La. Lễ hội này thu hút rất đông người tham gia không chỉ trong hoàng gia mà cả nhân dân trong Kinh thành. Trong lễ hội này người ta lấy tre kết thành một ngọn núi gọi là núi Vạn Thọ Nam Sơn ở ngoài cửa Quảng Phúc, trên núi làm nhiều hình chim bay thú chạy, muôn vẻ kỳ lạ… để thể hiện lòng tôn kính với vị vua đứng đầu đất nước và mong nhà vua sống lâu, đất nước yên bình phồn thịnh.
 
Bên cạnh lễ hội mừng sinh nhật nhà vua thì lễ hội ở miếu thờ thần núi Đồng Cổ là một lễ hội lớn dưới thời nhà Lý. Thực ra đền Đồng Cổ vốn là ở Thanh Hoá, trên núi Đồng Cổ hay còn gọi là Khả Lao (Khả Lao tiếng Mường nghĩa là Trống Đồng). Tương truyền khi thời Hùng Vương khi vua đi đánh Chiêm Thành, khi nghỉ chân trên núi, thần báo mộng sẽ đánh trống đồng trợ chiến, sau quả đúng như thế, vua bèn phong thần Đồng Cổ làm đại vương. Đến năm 1020, Thái tử Lý Phật Mã (sau là vua Lý Thái Tông) vâng mệnh vua Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành, khi dừng chân ở nơi này, đêm mộng thấy thần núi hiện ra dưới dạng một võ tướng uy nghiêm, xin theo giúp đánh giặc lập công. Sau khi chiến thắng Thái tử Phật Mã lễ tạ ở đền Đồng Cổ, rồi rước thần về Thăng Long để giữ nước hộ dân. Lễ hội này chính thức có từ năm 1028, được tổ chức vào ngày 4 tháng 4 hàng năm. Trong ngày này sẽ tổ chức cúng tế và lễ thề ở đền Đồng Cổ, cờ xí được dựng trong miếu, treo gươm giáo trước các vị thần, các quan đến trước thần vị cùng uống máu ăn thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Ngày lễ hội người dân trong kinh thành đi xem lễ hội rất đông. Đây là một lễ hội lớn có tính chất tôn giáo toàn quốc đời Lý. Sở dĩ nhà Lý chọn thần Trống Đồng làm thiên hạ minh chủ và biến lễ thề tháng tư thành ngày hội có tính chất tôn giáo là bởi: Trống đồng là hiện vật tiêu biểu của thời đại Hùng Vương, văn minh Việt cổ thời dựng nước, trải qua thời gian, trống đồng trở thành vật linh tiêu biểu cho quyền uy xã hội của thủ lĩnh, của thần linh, tiếng trống là biểu tượng cho tiếng sấm của Lôi thần… Vì vậy, hội thề thần Đồng Cổ ở Thăng Long là do nhà Lý xây dựng và tổ chức trên cơ sở phục hồi, đổi mới, thời sự hoá và phong kiến hoá một nghi thức cổ truyền của nhân dân ta từ thuở vua Hùng dựng nước (Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán: Hà Nội nghìn xưa, trang 162). Đồng thời, hội thề ở miếu Đồng Cổ còn phản ánh tinh thần trung nghĩa trong ý thức hệ phong kiến cũng như trong quan niệm của vua nhà Lý.
 
Nếu như hội đền Đồng Cổ có liên quan đến văn minh Việt cổ thì hội đèn Quảng Chiếu được tổ chức vào ngày rằm tháng tám hàng năm lại là sinh hoạt văn hoá tinh thần gắn liền với Phật giáo. Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì lễ hội đèn Quảng Chiếu bắt đầu từ năm 1120, còn Việt sử lược thì ghi chép về lễ hội này có sớm hơn là từ năm 1116. Theo những mô tả trên văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh cho biết: Hội đèn Quảng Chiếu ở Thăng Long, có 7 ngôi tháp, xếp thành một hàng, trên mỗi tháp đặt một pho tượng Phật, những nghi lễ của hội này thực chất là một nghi lễ Mật giáo thời Lý. Bên cạnh những nghi lễ Mật giáo, hội đèn Quảng Chiếu là một lễ hội lớn, thu hút người xem bởi sự kết hợp giữa các hoạt động nghi lễ và sức hấp dẫn của cách trang trí và các trò biểu diễn trong lễ hội.
 
Cùng với các lễ hội triều đình và những lễ hội mang tính tôn giáo, các vua nhà Lý còn tổ chức những hoạt động mang tính lễ nghi gắn với tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước như lễ cày tịch điền, làm lễ cầu ở đàn Xã Tắc, đàn Nam Giao để cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Năm 1038 vua Lý Thái Tông đã cho khôi phục lễ cổ; đích thân vua tự mình cày ruộng tịch điền để thiên hạ noi theo với ý nghĩa: trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân. Trong các lễ cày tịch điền hàng năm vua đều cày ruộng tịch điền. Ngoài việc tự mình cày ruộng tịch điền, những năm hạn hán, mất mùa nhà vua còn tự mình cầu đảo ở đàn Xã Tắc để cầu mưa thuận gió hoà cho nhân dân. Theo sử sách thì đàn Xã Tắc được xây năm 1048 ở ngoài cửa Trường Quảng (nay là khu vực thuộc Ô Chợ Dừa, đường Kim Liên).
 
Nhìn chung, thời Lý ngoài các lễ hội cung đình, các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng, nhiều hoạt đồng sinh hoạt văn hoá, vui chơi giải trí cũng được tổ chức rộng rãi ở trong hoàng cung và các khu vực dân chúng cư trú trong kinh thành Thăng Long như: hội La Hán, khánh thành tượng Phật, tổ chức chơi đá cầu, đua thuyền, đấu vật, chọi gà, chọi trâu, bơi trải… Ngày nay nhiều lễ hội và trò chơi dân gian đó vẫn được truyền lưu và phổ biến trong các lễ hội không chỉ ở Hà Nội mà ở nhiều địa phương trong cả nước. Đó chính là những giá trị văn hoá tinh thần quý báu mà thế hệ ngày nay cần phải giữ gìn và phát huy để không bị mai một trong một không gian văn hoá đa dạng, phức hợp như hiện nay.
 
 
Hoàng Anh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)