Điểm qua một vài sự tích, truyền thuyết về các phố nghề Thăng Long - Kẻ Chợ
Ở xã hội Việt Nam truyền thống, thêu thùa không chỉ là một nghề mà nó còn “thực hiện một chức năng xã hội (tôn vinh một bậc bề trên, một vị thần linh)”. Nghề thêu ở Thăng Long - Hà Nội có quê gốc ở làng Quất Động, huyện Thường Tín. Theo sự tích, ông tổ nghề là Lê Công Hành, người làng này, làm quan ở Kinh đô trong thế kỷ XVI (hoặc XVII) trong một chuyến đi sứ sang Trung Quốc, nhờ trí thông minh và mưu mẹo, ông đã học được nghề thêu và nghề làm lọng, sau đó đem về truyền bá cho dân làng Quất Động và một số làng lân cận như Đào Xá, Tầm Xá, Hướng Dương… Nhiều người ở những làng thêu thuộc huyện Thường Tín đã ra Hà Nội hành nghề, lập phường ở các phố Hàng Trống, Hàng Chỉ, Hàng Nón, Hàng Mành.
Còn các cửa hiệu chế tạo và buôn bán đồ trang sức vàng, bạc của Thăng Long - Hà Nội lại được tập trung ở phố Hàng Bạc, có công tạo dựng của những người thợ vàng Định Công. Truyền thuyết dân gian kể lại ông tổ nghề kim hoàn chế tác các đồ vàng bạc ở Định Công là ba anh em họ Trần (Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền) quê ở làng này, sống vào cuối thế kỷ thứ VI, đã học được nghề kim hoàn trong một cuộc lưu lạc tại một nước láng giềng, khi trở về quê đã đem nghề khéo đó truyền dạy cho dân làng. Từ đó làng Định Công có nghề làm vàng bạc truyền thống, sau này di cư lên Kẻ Chợ hành nghề tại phố Hàng Bạc.
Các cửa hiệu ở phố Hàng Bạc còn có nghề đúc bạc nén, có từ khoảng thế kỷ XV. Truyền thuyết kể lại rằng năm 1461 thời Lê Thánh Tông, có ông Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê, đã được vua cho phép lập một tràng đúc bạc và tiền (?) ở phường Đông Các, Thăng Long. Ông sinh thời làm đến chức Thượng thư Bộ Lại và được tôn lên làm ông tổ nghề đúc bạc. Sau đó, người làng quê ông ở Châu Khê thuộc 5 giáp đã di cư ngày càng nhiều lên phố Hàng Bạc làm nghề đúc bạc nén.
Đối với nghề xử lý và chế tác đồ da ở Thăng Long - Hà Nội, các chủ hiệu sản xuất và bán giày hài ở Thăng Long - Hà Nội (thôn Hài Tượng, nay là phố Hàng Giày) lại có quê gốc ở ba cụm làng Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm (Tam Lâm) thuộc huyện Tứ Kỳ, Hải Dương, tục goi là 3 làng Trắm (Chắm). Theo sự tích được kể lại, trong sắc phong của địa phương, thì vào đầu thời Mạc, tiến sĩ trẻ tuổi Nguyễn Thời Trung, người làng Trúc Lâm, đi sứ Minh đã mang theo ba người thợ giỏi của làng là Phạm Thuần Chính, Phạm Đức Chính và Nguyễn Sĩ Bân (có tài liệu ghi là Phạm Sĩ Bân). Ở Hàng Châu, thầy trò ông đã dùng mưu mẹo học được bí quyết của nghề thuộc da và đóng giày, đem về truyền dạy cho dân làng. Các thợ giày ở các làng Trắm này lại mang kỹ thuật đó lên hành nghề cư trú tại Kẻ Chợ.
Các cửa hàng tiện đồ gỗ của Thăng Long - Hà Nội thì tập trung ở thôn Khánh Thụy, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, nay thuộc Hàng Hành và một phần các phố Tố Tịch, Hàng Gai, ngày trước còn có tên là Hàng Tiện. Truyền thuyết ông tổ nghề tiện Đoàn Tài, quê ở làng Khánh Vân, nhưng đã đem nghề dạy cho dân làng Nhị Khê bên cạnh.
Cũng thuộc về các nghề chế tác và trang trí gỗ, nghề thủ công sơn thếp cũng đã có từ lâu đời ở Thăng Long - Kẻ Chợ. Dùng các đồ gỗ sơn son thếp vàng là một thị hiếu thời thượng của các tầng lớp thị dân Kinh thành. Các thợ sơn quê gốc làng Hà Vĩ, Thường Tín cư trú tại phố Hàng Hòm chính là những người mở đầu lịch sử phát triển nhiều thế kỷ của kỹ thuật sơn đồ gỗ của đất Thượng đô. Theo truyền thuyết, ông tổ nghề sơn là Trần Tướng Công, tức Trần Lư, người làng Bình Vọng, huyện Thường Tín, khi đi sứ qua Trung Quốc, đã học được nghề sơn son thếp vàng ở tỉnh Hồ Nam, đem về truyền dạy cho dân làng cùng các xã chung quanh như Hà Vĩ, Hạ Thái, Duyên Trường… Ngoài ra người ta còn nói đến một ông tổ nghề khác là Đình Vinh, làm quan dưới triều Lê Huyền Thông (thế kỷ XVII) tại Hòa tất tượng cục, phụ trách trông coi việc sơn thếp cửa và sửa sang các cung điện ở Thăng Long. Gia phả họ Đào làng Thọ Vực (Văn Giang, Hưng Yên) cũng kể đến câu chuyện về một thợ sơn tài nghệ là Đào Thúc Kiên, người quê làng này, đã di cư ra phường Nam Ngư rồi được triệu tuyển vào trang trí trong nội điện phủ Chúa Trịnh.
Trong khi hầu hết các nghề thủ công cổ truyền của Thăng Long - Hà Nội đều có một lịch sử lâu đời thì nghề khảm xà cử và các cửa hiệu khảm ở Hà Nội lại xuất hiện tương đối muộn vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, khi những người thợ khảm từ Chuyên Mỹ (Phú Xuyên) di cư lên Hà Nội, tập trung trong các cửa hiệu khảm ở một đường phố thuộc các thôn Cựu Lâu, Tô Mộc, Vũ Thạnh thuộc tổng Tiền Túc, nay là các phố Tràng Tiền, Hàng Khay. Có nhiều truyền thuyết về lai lịch nghề khảm xà cừ khi du nhập vào Chuyên Mỹ. Sự tích được nhiều người công nhận hơn cả kể về ông tổ nghề là Nguyễn Kim quê ở Thanh Hóa sống vào thời Lê Hiển Tông (1740 - 1787), vốn có kỹ thuật khảm xà cừ, vì bị sách nhiễu đã lánh nạn ra làng Chuyên Mỹ và dạy dân ở làng này. Một vài truyền thuyết khác nói về các vị tổ nghề của mình là Vũ Văn Kim hoặc Trương Công Thành sống vào thời Lý.
Từ những sự tích, truyền thuyết trên ta có hiểu rằng sự phong phú của các phố nghề Thăng Long chính là kết quả của hiện tượng di cư tập thể hành nghề từ một làng quê gốc ra một địa vực tại Kẻ Chợ. Cũng từ đây ta có thể thấy bề dày lịch sử của các phố phường đất Thăng Long - Hà Nội cũng như hình dung được phần nào sự sầm uất, náo nhiệt, “phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ” của “36 phố phường” đất Kinh kỳ xưa.
Trà Giang
Nhà xuất bản Hà Nội