Môi trường xã hội - nền tảng hình thành phát triển của lễ hội Hà Nội
Nhìn trong lịch sử, tất cả các thủ đô hay thành phố lớn là trung tâm văn hoá, kinh tế chính trị đều là sự hội tụ của người khắp các vùng miền về đây trong quá trình hội tụ và phát triển. Hà Nội cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó nhưng có một điểm khác đó là Hà Nội liên tục mở rộng địa giới hành chính và đặc biệt Hà Nội trải qua những biến động của lịch sử trong quá trình chiến đấu chống giặc ngoại xâm, đây chính là quá trình bồi đắp và hội tụ cho mảnh đất này ngày càng “dày” hơn về văn hoá. Kể từ xa xưa khi Hà Nội được chọn làm Kinh đô với tên gọi là thành Đại La, cho đến khi nhà Lý lên ngôi và chính thức chọn nơi đây là kinh đô thì mảnh đất này đã bồi tụ nên những lớp trầm tích văn hoá qua ngàn năm. Xuất phát từ vị trí là trung tâm của cả nước mà Hà Nội đã là nơi hội tụ của “bốn phương trời đất”. Sự phát triển của các triều đại phong kiến qua các thời kỳ lịch sử Thăng Long – Hà Nội càng khẳng định được vị trí trung tâm, đồng thời luôn tạo cho mình một vị thế vững chắc trong cả nước. Xuất phát từ những nhu cầu thực tế của quá trình xây dựng và phát triển của Kinh đô, nơi đây đã thu hút nhân tài, hiền sĩ, trí thức, các nhà buôn, các thợ thủ công tài hoa,… Chính họ là những người đóng góp tài năng và trí tuệ để tạo nên một Thăng Long đa dạng, phức hợp về văn hoá nhưng lại rất riêng về “cốt cách” về “chiều sâu”. Về sau khi việc buôn bán ở kinh thành phát triển thì thợ thủ công và “dân tứ chiếng” kéo về đây lập nghiệp ngày càng đông đúc, nhộn nhịp hơn. Cư dân các vùng lân cận đã đến Thăng Long làm ăn, sinh sống tạo nên một hệ thống các làng nghề, phố nghề đông đúc trong kinh thành. Chính điều đó đã tạo nên một bộ mặt xã hội thật phong phú với nhiều tầng lớp dân cư có trình độ, lối sống khác nhau. Khi nhập cư vào Thăng Long, những cư dân các vùng miền khác cũng đồng thời du nhập vào đây những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hoá, góp phần làm cho đời sống văn hoá tinh thần của Thăng Long ngày càng phong phú, đa dạng hơn.
Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua sự hình thành và phát triển của phố phường Hà Nội. Mỗi phố phường Hà Nội khi xưa đều là một phường nghề thủ công, chính vì thế tên phường thường mang tên của nghề thủ công đó, các tên: Hàng Bạc, hàng Bồ, Hàng Mành, Hàng Mắm… đã trở thành những phố phường thân quen của Thăng Long xưa, Hà Nội nay. Câu ca xưa đã truyền tụng “Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ”. Không những thế bạn đọc sẽ nhận ra hình ảnh 36 phố phường Thăng Long được đặc trưng bởi những làng nghề truyền thống qua những câu ca dao đặc sắc:
Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai
Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay
Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giày
Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Ngang
Hàng Mã, hàng Mắm, Đình Ngang, hàng Đồng
Hàng Muối, hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè
Hàng Thùng, hàng Bút, hàng Tre
Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà…
Cùng với sự hình thành và phát triển của các phường nghề là sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ các vị tổ nghề. Cùng với đó, tín ngưỡng thờ thần bảo trợ cho làng đã tạo nên một hệ thống đình, đền, chùa dày đặc trong không gian văn hoá của kinh thành Thăng Long. Về mặt tín ngưỡng có khi người ta cũng thờ chung một vị tổ nghề, nhưng cũng có lúc lấy một vị thần làng của nhóm người đến trước để cùng thờ. Làng nghề cũng như phố nghề đều có những di tích văn hoá tín ngưỡng của mình là đình, đền, chùa, miếu. Sự hình thành các phường nghề cùng với những tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, thờ những vị thần bảo trợ cho dân cư, thờ thần linh, thổ địa, thờ tổ tiên đã tạo nên sự phong phú trong đời sống cư dân kinh thành. Dần dần, cùng với sự phát triển của đời sống vật chất thì người ta bắt đầu chú trọng đến những nghi lễ, những hình thức sinh hoạt văn hoá để tạ ơn các vị thần, tiên tổ. Khi điều kiện sống càng khấm khá thì những nghi lễ của họ càng long trọng, các lễ hội ngày càng mở rộng về cả quy mô và nghi thức lễ hội.
Có thể nói, môi trường xã hội đã đóng góp một cách tích cực vào sự hình thành và phát triển của lễ hội ở Hà Nội. Chính vì thế, lễ hội ở Hà Nội mang dấu ấn đặc sắc của mảnh đất Kinh đô ngàn năm hoà với những nét rất riêng được chọn lọc và lựa chọn từ những đặc sắc rất riêng làng quê các vùng lân cận. Tất cả tạo nên một bức tranh lễ hội Thăng Long – Hà Nội rực rỡ sắc màu, mang âm hưởng riêng của mảnh đất “thần kinh” và mang hồn chung của dân tộc Việt Nam.
Hoàng Tâm
Nhà xuất bản Hà Nội