Diện mạo lễ hội cung đình Thăng Long – Hà Nội
Lễ hội cung đình là những lễ hội có liên quan đến nhà vua, hay đúng hơn đó là những nghi lễ hội hè do nhà vua đứng ra thực hiện hoặc để phục vụ cho vua như các lễ cầu đảo, khánh thành chùa chiền, cung điện, sinh nhật vua… Do những nghi thức này được tổ chức quy mô và cùng với việc phục vụ vua thì sự góp mặt của quan lại và dân chúng là rất lớn. Hơn nữa, vua là người đứng đầu cả nước nên những gì liên quan đến vua đều rất quan trọng. Bởi vậy, những lễ nghi, hội hè có sự tham gia của vua hay vì vua đều mang tính chất thiêng liêng đều được dân chúng tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm chỉnh.
Các lễ hội cung đình đều được sử sách ghi chép lại một cách cụ thể thời gian và nội dung các nghi lễ. Theo ghi chép của Đại Việt sử ký toàn thư thì từ thời vua Lê Đại Hành năm 985 đã tổ chức các lễ hội nhân dịp sinh nhật vua (mùa thu, tháng bảy ngày Đinh Tỵ) như lễ đua thuyền; mùa xuân năm 992 thì mở hội đèn ở lầu Càn Nguyên. Từ khi nhà Lý thành lập, lễ hội được tổ chức nhiều hơn, càng về các thời vua Lý về sau thì các lễ hội được tổ chức nhiều hơn với mật độ thường xuyên hơn, quy mô tổ chức cũng lớn hơn. Đến nhà Trần thì các lễ hội này không nhiều bằng thời nhà Lý nhưng đến thời thịnh trị của nhà Lê thì các lễ hội lại được tổ chức nhiều hơn cho đến khi nhà Lê bắt đầu suy thoái… Các vua chúa cũng luôn trông mong vào sự phù trợ của trời đất, thần linh, cầu cho mưa thuận gió hoà, đất nước yên vui phồn thịnh nên các lễ hội cầu đảo rất được chú trọng (cầu cho mưa thuận gió hoà). Bên cạnh các nghi lễ có nguồn gốc dân gian còn có các nghi lễ có tính vui chơi, giải trí trong cung đình như: đua thuyền, đánh vật, cày ruộng tịch điền… Ngoài ra còn có các nghi lễ liên quan đến Phật giáo như lễ tắm phật, lễ khánh thành các chùa, tượng phật, lễ Vu lan…
Có thể thấy những lễ hội sinh hoạt cung đình diễn ra rất ít lễ hội lớn. Các lễ hội chủ yếu trên cơ sở những lễ hội dân gian, bởi các vua chúa vẫn chưa thoát khỏi những niềm tin dân gian mà họ được nuôi dưỡng từ khi còn bé. Tuy nhiên trong số các lễ hội đó cũng có một số lễ hội được chuyển hoá thành lễ hội lớn như lễ hội thề ở đền Đồng Cổ và Hội đèn Quảng Chiếu. Đây là hai lễ hội lớn có từ thời Lý và được các triều đại sau tiếp tục mở rộng và phát triển. Hội thề ở đền Đồng Cổ chính thức được tổ chức quy mô lớn từ thời vua Lý Thái Tông. Thực ra đền Đồng Cổ vốn là ở Thanh Hoá, trên núi Đồng Cổ, năm 1020, Thái tử Lý Phật Mã (sau là vua Lý Thái Tông) vâng mệnh vua Lý Thái Tổ đi đánh Chiêm Thành, khi dừng chân ở nơi này, đêm mộng thấy thần núi hiện ra dưới dạng một võ tướng uy nghiêm, xin theo giúp đánh giặc lập công. Sau khi chiến thắng Thái tử Phật Mã lễ tạ ở đền Đồng Cổ, rồi rước thần về Thăng Long để giữ nước hộ dân. Sau đó chính thần núi Đồng Cổ đã báo mộng cho vua về việc ba vương là Vũ Đức, Đông Chinh và Dực Thánh làm loạn. Khi tỉnh dậy vua đã cho đề phòng, quả nhiên là đúng như mộng. Để nhớ ơn thần, nhà vua đã xuống chiếu dựng miếu thờ bên thành Đại La, sau cho đắp đàn, cắm cờ xí, treo gươm giáo và thề rằng “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Từ năm 1028 lễ hội này trở thành một ngày hội lớn của nhân dân Thăng Long.
Một hội lớn khác trong cung đình xưa đó là hội đèn Quảng Chiếu. Hội này được tổ chức đầu tiên vào năm Hội trường Đại Khánh nguyên viên (1110) đời vua Lý Nhân Tông, hội diễn ra vào ngày rằm tháng giêng. Đèn quảng chiếu là một loại đèn kéo quân, trong đêm hội còn kết hợp đốt pháo bông, múa rối. Lễ hội đèn Quảng Chiếu với mục đích là cầu cho vua vua khoẻ mạnh sống lâu nhưng nó đã trở thành một lễ hội lớn của cung đình, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
Như vậy, từ một niềm tin dân gian, khi đem vào triều đình đã được nâng nó lên thành lễ hội với quy mô bề thế, bài bản và hoành tráng. Đến lượt nó lại tác động lại trở thành một lễ hội của cung đình thu hút hàng vạn lượt người dân Thăng Long tham gia với tư cách là người phục vụ, người xem nhưng đó cũng là lễ hội của họ. Sự tham gia của họ làm cho quy mô của lễ hội có tầm vóc hơn.
Rõ ràng, với vị thế là kinh đô của cả nước, Thăng Long đã mang trong mình một hệ thống các lễ hội cung đình phong phú và đa dạng về cả lễ và hội. Những truyền thống lễ hội cung đình được gìn giữa và phát triển thêm vào các triều đại sau. Một mặt đó là sự tiếp nối của các vua chúa theo tín ngưỡng của tổ tiên, mặt khác làm cơ sở cho các thế hệ sau tiếp tục giữ gìn và vun đắp nó, đồng thời có những bồi đắp thêm để những nghi lễ, phong tục đó phù hợp với những điều kiện mới của thời đại.
Anh Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội