Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 13/05/2015 06:50
Lễ hội “tứ trấn thần” trong không gian lễ hội Hà Nội

Lễ hội “tứ trấn thần” là đặc trưng nổi bật của văn hoá lễ hội Thăng Long – Hà Nội. Theo truyền thống phương Đông, các thành thị, nhất là kinh đô đều có những vị thần trấn giữ các phương và phù trợ cho kinh thành. Thăng Long – Hà Nội cũng nằm trong quỹ đạo chung đó của lịch sử, văn hoá phương Đông. Bốn vị thần trấn giữ cho Thăng Long trường tồn bền vững đã đi vào lịch sử, văn hoá dân tộc. Bởi vậy, nơi đây lưu giữ những nét văn hoá tâm linh cùng với những lễ hội văn hoá đặc sắc để ghi nhớ công lao của bốn vị thần ấy.

 
“Tứ trấn” là đơn vị hành chính bao quanh kinh đô, gắn liền với sự ra đời của kinh đô Thăng Long từ những năm 1010 dưới triều vua nhà Lý. Gắn với “tứ trấn” là “tứ trấn thần” là bốn vị thần bảo trợ bốn phương của kinh đô. Thần Long Đỗ (Bạch Mã) trấn phương Đông, được phong là Quốc đô Thăng Long Thành hoàng đại vương, thờ ở đền Bạch Mã. Thần Linh Lang, được phong là Linh lang đại vương, trấn giữ phía Tây kinh thành, được thờ ở đền Voi Phục. Thần Cao Sơn được phong là Cao Sơn đại vương, trấn phía nam Kinh thành, được thờ ở đền Kim Liên, quận Đống Đa. Thần Huyền Thiên Trấn Vũ, được thờ ở đền Quán Thánh nay thuộc phường Quán Thánh quận Ba Đình.
 
Đây là bốn vị thần được người dân Thăng Long tôn thờ như các vị thần bảo trợ cho sự trường tồn và phát triển của Kinh đô. Bởi vậy, các ngôi đền thờ các vị thần này cũng luôn được nhân dân gìn giữ như là nơi linh thiêng, nơi chứa đựng những nét văn hoá của dân tộc. Cùng với việc gìn giữ và bảo vệ các ngôi đền, hàng năm nhân dân Thủ đô luôn tổ chức lễ hội đền để tưởng nhớ công ơn của các vị thần, đồng thời cầu mong các vị thần luôn phù trợ cho Thăng Long – Hà Nội mãi trường tồn. Cùng với thời gian, các ngôi đền này và các hoạt động lễ hội trong đền đã trở thành những hoạt động văn hoá tinh thần, tín ngưỡng đặc sắc trong tổng thể không gian văn hoá và lễ hội Hà Nội.
 
 Lễ hội đền Bạch Mã thường tổ chức vào ngày 13 tháng 2 âm lịch hàng năm. Trong lễ hội thường có đoàn rước kiệu truyền thống. Ðoàn rước gồm những người tiêu biểu nhất đại diện cho các ngành, các giới trong trang phục truyền thống đẹp, nhiều màu sắc lộng lẫy, vui tươi phấn khởi tham gia lễ hội. Cũng có năm lễ hội mô phỏng lễ tiến Xuân Ngưu (tiến trâu vào tiết Lập Xuân). Vua sai Bộ Công cho đắp một trâu thần Xuân Ngưu, một thần Nông Câu Mang to bằng thật rồi tổ chức rước long trọng từ đền Bạch Mã ra đàn tế ở cửa Ðông Hà (Ô Quan Chưởng ngày nay), tế xong rước vào cung tiến vua. Lễ tiến Xuân Ngưu gồm hai ý nghĩa tách biệt là tống tiễn mùa đông và đón nhận mùa xuân, cầu mong cho mùa màng bội thu, đời sống nhân dân ấm no hạnh phúc; đây là một phong tục vừa có tính nghi thức cung đình lại vừa có tính tín ngưỡng dân gian của kinh thành Thăng Long một thuở. Đây chính là sự hỗn dung văn hoá của tín ngưỡng dân gian với những ảnh hưởng của Đạo giáo, giữa văn hoá cung đình và văn hoá dân gian. Nét đặc sắc này không phải lễ hội nào của Hà Nội cũng có.
 
Lễ hội đền Voi Phục là một cuộc sinh hoạt văn hoá thường niên, mang tính chất mở, vượt ra ngoài không gian đất Thủ Lệ, ít nhất là vùng Thuỵ Khuê, Thủ Lệ, Vạn Phúc rồi vùng Thập tam trại và cả Bồng Lai (Đan Phượng - Hà Tây). Lễ hội chính của đền Voi Phục diễn ra vào ngày 10 tháng hai âm lịch. Tuỳ theo từng năm có thể kéo dài từ 3 tới 10 ngày tuỳ theo sự đóng góp của dân, đáng kể nhất là việc rước kiệu và một vài tục lệ khác. Trong lịch sử, đền Voi Phục như một trấn thiêng ở phía Tây của thành Thăng Long, đền không chỉ liên quan trực tiếp với Kinh đô mà nó đã hội vào bản thân rất nhiều dòng chảy của tín ngưỡng dân gian để tồn tại với thời gian.
 
 Lễ hội đình Kim Liên thường diễn ra từ ngày 11/3 đến 16/3 âm lịch nhưng nay chỉ gói gọn trong hai ngày 15 - 16/3 và lễ hội chính là ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ngoài lễ chính còn các lễ Sóc Vọng hàng tháng, lễ Kỳ An và lễ hoá vào ngày 12 tháng 8. Những ngày này lễ hội diễn ra cũng rất tưng bừng. Trong lễ hội có hội thi cắt tóc, bởi làng Kim Liên này xưa nay vẫn nổi tiếng với những người  thợ vừa cắt tóc, vừa múa kéo như một thứ nghệ thuật với những tiếng lách cách đều đặn và vui tai, vừa thể hiện phong cách diệu nghệ và cũng để quảng bá và phát triển một làng nghề truyền thống của người Hà Nội. Trong lễ hội có nhiều trò chơi dân gian: đẩy gậy, đập niêu, liên hoan ca múa nhạc, chọi chim, cờ người, bóng bàn, thi đấu võ thuật… thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài vùng tham gia.
 
Trải qua hơn 300 năm, ngôi đền Quán Thánh thờ vị thần trấn giữ phía Bắc kinh thành Thăng Long - Huyền Thiên Trấn Vũ vẫn là một di tích lịch sử - văn hoá nổi tiếng mà khách du lịch và người hành hương khắp nơi vẫn về chiêm ngưỡng, dâng hương rất đông. Và trong tâm linh người Việt, thánh vẫn là đấng thiêng liêng vô hình vừa có công tích diệt trừ yêu quái - hồ tinh chín đuôi – như huyền thoại, vừa là biểu tượng của sự trấn an - bảo vệ phía Bắc kinh thành cho đời sống nhân dân được yên vui, thái bình. Bởi vậy lễ hội đền ngày 3 tháng 3 hàng năm vẫn là nơi để người dân Hà Nội trở về với tâm linh để nhớ ơn vị thần đã phù trợ cho nhân dân.
 
Có thể nói, trong những di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng ở Hà Nội “Thăng Long tứ trấn” là bốn trụ cột tâm linh của Thăng Long xưa, Hà Nội nay. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, các sinh hoạt lễ hội truyền thống tưởng nhớ công ơn các vị thần đã được lưu truyền và tiếp nối cho tới tận ngày nay. Đó là những giá trị văn hoá tinh thần đặc sắc và quý báu góp phần tạo nên giá trị văn hoá ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội.
 
Minh Vũ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)