“Nhân tố Hoa kiều” - một nét đặc trưng của kinh tế, xã hội Thăng Long - Hà Nội
Một đợt nhập cư hàng loạt của Hoa kiều vào Thăng Long - Hà Nội đã diễn ra vào thế kỷ XVII. Tuy nhiên, trước tình hình ra tăng đáng kể những thương nhân ngoại quốc có mặt tại Thăng Long, nhà cầm quyền Lê - Trịnh đã cho thi hành một số biện pháp nhằm ngăn chặn sự nhập cư của Hoa thương vào kinh thành. Bước sang thế kỷ XIX nhà Nguyễn, đặc biệt là vua Gia Long đã có một số chính sác đối ngoại nhượng bộ nhà Thanh, ưu đãi giới Hoa kiều. Thêm vào đó, do không còn là kinh đô nên Thăng Long như một “đô thị bỏ ngỏ” và trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX, “mỗi năm có hàng ngàn người Trung Quốc tới Việt Nam và khoảng 30% đến 40% số người đó đã lập nghiệp ở đất nước này”.
Năm 1814, Gia Long chính thức ban chỉ dụ lập thành các “bang” cho Hoa kiều theo tỉnh quê gốc hoặc theo tiếng nói thổ ngữ. Ở Hà Nội, Hoa kiều tập hợp thành 4 bang chính: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam. Trong đó, hai bang Phúc Kiến và Quảng Đông bao gồm phần lớn các phú thương và cũng là hai bang chủ yếu sinh sống và lập nghiệp ở Hà Nội. Bang Phúc Kiến đến định cư và lập hội quán ở phố Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông). Bang Quảng Đông người đông hơn, quá nửa ở phố Việt Đông hay Quảng Đông (nay là phố Hàng Ngang) một số lớn ở phố Hàng Buồm, lan sang các ngõ xung quanh như Ngõ Gạch, Sầm Công.
Các Hoa kiều sang Việt Nam theo làn sóng nhập cư ồ ạt vào Hà Nội trong thế kỷ XIX gồm đủ mọi loại người, tầng lớp, làm những nghề rất khác nhau. Khi đã định cư ở Thăng Long - Hà Nội, hoạt động chủ yếu của người Hoa là kinh doanh buôn bán. Hoa kiều cần và có điều kiện để mở mang xây dựng nhà hàng, cửa hiệu. Họ góp phần mạnh mẽ vào hoạt động kinh tế của Thăng Long - Hà Nội và cũng thúc đẩy những thay đổi diện mạo của các khu phố cổ, lõi đô thị của đất Kinh kỳ, cả ở dáng vẻ bề ngoài cũng như ở chiều sâu tổ chức các hoạt động kinh tế và sinh hoạt văn hóa.
Đa số Hoa kiều ở Hà Nội có quê gốc ở Quảng Đông, Phúc Kiến gia cảnh tương đối khá giả, thường là hoạt động buôn bán hàng tạp hóa (các mặt hàng nhập từ Quảng Châu sang) như gấm vóc, thuốc bắc, đường và bánh ngọt hoặc mở tiệm ăn loại cao cấp: “Hai phố Hàng Buồm và Quảng Phúc (tức Quảng Đông - Phúc Kiến) ở huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội, phần nhiều là người Thanh, hiện đã gây thành cơ sở, nên các thương nhân nhà Thanh thường tới đây để buôn bán”. Mặt khác một số phú thương Hoa kiều đã tập trung vào mấy ngành xuất nhập khẩu chính, thứ thì hợp pháp, thứ thì ẩn lậu như gạo, thuộc phiện, muối, tơ lụa, thiếc, giấy... Ở đây đã xuất hiện quy ô của một nền buôn bán lớn với các tuyến giao thông đường dài (liên vùng và xuyên biên giới), hàng hóa bán buôn và hình thức bao mua đối với nông dân và thợ thủ công. Trong việc mua bán, phú thương Hoa kiều cũng thường áp dụng kết hợp các thủ đoạn cho vay nặng lãi và bắt bí mua rẻ.
Ngoài ra, hoạt động kinh tế của tầng lớp phú thương Hoa kiều còn lũng đoạn trong nhiều mặt khác. Có khi họ “mang tiền kẽm từ Trung Quốc sang Việt Nam tung vào thị trường để phá giá hàng hóa”, có khi họ lại “đem bạc và tiền kẽm về Trung Quốc” hoặc chở tiền đồng cổ ra khỏi cửa biển. Tóm lại, dựa vào ưu thế vốn lớn và những thủ đoạn buôn bán khôn khéo, xảo quyệt của mình, lợi dụng chính sách ưu đãi Hoa kiều và bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn, các Hoa thương ở Hà Nội đã tìm cách nắm lấy độc quyền trong mọi ngành xuất nhập khẩu. Mặt khác, họ cũng tìm cách lũng đoạn các ngành công thương trong nước, khống chế các nông dân và thợ thủ công bằng hình thức cho vay vốn và bao mua. Trong kết cấu kinh tế - xã hội đô thị Thăng Long - Hà Nội, họ chính là tầng lớp đại phú thương thành thị, một tầng lớp tài phiệt như thuật ngữ được dùng của Woodside đang trên đà phát triển thành tầng lớp tư sản, tức như là một tầng lớp “tiền tư sản”.
Một trong những đặc tính của Hoa kiều đó chính là tính cố kết cộng đồng, từ đó tạo dựng nên những khu phố người Hoa trên vùng đất mới. Các khu phố Hàng Ngang, Hàng Buồm, Lãn Ông, Mã Mây có thể coi là khu vực người Hoa một thời của phố cổ. “Nhân tố Hoa kiều” là một thực thể lịch sử mang tính hai mặt. Một mặt, nó góp phần kích thích sự phồn vinh và mở rộng diện trường giao thương của nền kinh tế hàng hóa đô thị. Nhưng mặt khác, cũng chính nó cũng đã lũng đoạn, khống chế, làng thui chột đi sự phát triển của những yếu tố Việt bản địa trong kết cấu kinh tế đó.
Phong Kiều
Nhà xuất bản Hà Nội