Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 15/05/2015 12:11
Vài nét về du lịch làng nghề Hà Nội

Làng nghề giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch văn hoá giới thiệu với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế những đặc trưng văn hoá, phong tục tập quán của mỗi dân tộc, mỗi làng nghề, làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch. Du lịch làng nghề truyền thống ngày càng hấp dẫn du khách và đang là một hướng phát triển du lịch ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của từng vùng miền, địa phương. Phát triển du lịch làng nghề là phát triển loại hình du lịch văn hoá chất lượng cao, là loại hình du lịch khai thác các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do lao động làng nghề làm ra, như là một đối tượng tài nguyên du lịch phục vụ cho việc tìm hiểu văn hoá, tham quan, vui chơi, giải trí, nhất là qua đó, khách du lịch có thể trực tiếp xem và tham gia vào một số công đoạn sản xuất sản phẩm đặc trưng của làng nghề.

 
Ngày nay, trên quy mô toàn cầu, dòng khách du lịch văn hoá có xu thé ngày càng tăng, chiếm trên 60% tổng số hành khách du lịch, nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực châu Á, như Trung quốc, Thái Lan, Malaysia đã có những chính sách rất sáng tạo để thu hút khách du lịch vào nước mình, không chỉ tạo ra một nguồn thu đáng kể mà quan trọng hơn nữa là qua du lịch văn hoá mà giới thiệu tinh hoa văn hoá dân tộc họ đến với khắp nơi trên thế giới. Với Việt Nam, hồn dân tộc, tinh hoa của dân tộc, lịch sử và truyền thống của mỗi dân tộc … đều thông qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân mà thổi vào từng sản phẩm, làm nên những đặc sắc trong sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Nếp sống, tình người, tính cách Á Đông thuần Việt từ những thế kỷ trước được thể hiện qua mỗi hoạ tiết, hoa văn, mỗi đường kim, mũi chỉ.
 
Du lịch làng nghề được khai thác một cách bài bản, chuyên nghiệp là phương tiện giao lưu, quảng bá văn hoá, đất nước, con người Việt Nam một cách sâu rộng và có hiệu quả, góp phần tôn vinh, bảo tồn và giới thiệu rỗng rãi các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc. Du lịch làng nghề góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống kết cấu hạ tầng các làng nghề kể cả đường giao thông, cấp thoát nước, bến cảng các công trình công cộng như viễn thông, y tế. Du lịch làng nghề được quảng bá và thị trường các sản phẩm của làng nghề được mở rộng sẽ nâng cao thu nhập của cư dân làng nghề, mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho làng nghề và cho địa phương có làng nghề.
 
Hà Nội có nhiều làng nghề hình thành từ lâu đời, trở thành những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế như: Lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, thêu Quất Động, sơn mài Duyên Thái, mộc Chàng Sơn, rèn Đa Sỹ, đúc đồng Ngũ Xã... Làng nghề Hà Nội nằm dọc các trục giao thông và gắn liền với những di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, nên thuận lợi cho các công ty du lịch lữ hành đầu tư, xây dựng những tour, tuyến du lịch phục vụ du khách. Hơn nữa, Hà Nội đang có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch làng nghề. Đó là những nghề truyền thống mà thương hiệu đã nổi tiếng trong nước cũng như nước ngoài phải kể đến Lụa Vạn Phúc, Gốm sứ Bát Tràng, Đồ sừng Thuỵ Ứng, Tò he Xuân La, Nón Chuông… Bên cạnh những sản phẩm làng nghề nổi tiếng, Hà Tây (cũ) còn có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn có thể kết nối thành tour du lịch phong phú về văn hoá, lịch sử như các đền, chùa, miếu mạo, cảnh quan sinh thái. Chẳng hạn như Làng nghề Bát Tràng, ở đây không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm gốm độc đáo mà còn có cả một quần thể kiến trúc có giá trị như Đình Bát Tràng – nơi còn lưu giữ được 44 đạo sắc phong của các đời Lê, Tây Sơn và Nguyễn, Văn chỉ Bát Tràng, chùa Kim Trúc… Còn làng nghề Vạn Phúc cũng có một quần thể kiến trúc độc đáo, một hệ thống đình, đền, chùa, miếu có những nét tiêu biểu cho kiến trúc, điêu khắc truyền thống; lại là nơi gắn với những sự kiện lịch sử trong cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc ta – đây là nơi Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng đã từng làm việc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1946. Thuận lợi hơn nữa là giao thông thuận tiện: các làng nghề du lịch nổi tiếng đều liền kề với trung tâm thủ đô Hà Nội, trung tâm phân phối khách du lịch của cả nước.
 
Tại Hà Tây (trước đây) đã có 10 làng nghề được quy hoạch làm thí điểm kết hợp với du lịch, đó là lụa Vạn Phúc (Hà Đông); mây tre đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ); khảm trai Thôn Ngọ, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên); may Trạch Xá, Hoà Lâm (huyện Ứng Hoà); dệt Phùng Xá (huyện Mỹ Đức), may thú nhồi bông Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), thêu Đại Đồng (huyện Phú Xuyên), điêu khắc Dư Dụ (huyện Thanh Oai).
 
Đến với mỗi làng nghề Hà Nội, du khách sẽ tìm thấy những giá trị văn hoá truyền thống ẩn chứa trong cảnh quan quen thuộc của đồng bằng Bắc Bộ: cổng làng, đền thờ tổ nghề, nhà cổ hàng trăm năm tuổi, mái đình cổ kính, giếng nước hay trong từng sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo được lưu truyền qua bao thế hệ.
 
Trong nhiều năm qua, tại những làng nghề này và nhiều điểm du lịch khác đã hình thành những làng nghề du lịch, những điểm và các tuyến du lịch làng nghề, tạo ra những sản phẩm du lịch ngày càng hấp dẫn. Khác du lịch được tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm tiểu thủ công nghiệp thể hiện bản sắc của từng dân tộc. Chúng ta đang cố gắng kết hợp việc bán hàng thủ công mỹ nghệ làm hàng lưu niệm cho du khách - với những mặt hàng thường xuyên cải tiến, kết hợp với giới thiệu công nghệ chế tác tại chỗ, để du khách có thể hiểu được quy trình sản xuất cũng như tay nghề khéo léo của nghệ nhân; du khách cũng có thể được hướng dẫn để tự mình chế tác một sản phẩm làm kỷ niệm. Nhiều làng nghề cũng đang xúc tiến xây dựng các phòng trưng bày, nhà truyền thống giới thiệu với du khách lịch sử hình thành làng nghề và phát triển của các sản phẩm mang đặc sắc địa phương. Nhiều vấn đề về bảo tồn không gian làng nghề, kết hợp du lịch làng nghề với quần thể kiến trúc địa phương (đền, chùa, miếu, nơi thờ các vị tổ nghề), mở mang đường giao thông, khắc phục ô nhiễm môi trường… cũng đang được các làng nghề chú trọng xử lý.
 
Hiện nay, đã có nhiều lễ hội kết hợp du lịch làng nghề được tổ chức khá thành công. Tỉnh Hà Tây – “đất trăm nghề” đã nhiều năm tổ chức thành công Lễ hội du lịch làng nghề truyền thống từ năm 2001, đồng thời đầu tư 124 tỷ đồng thực hiện Dự án Đường du lịch làng nghề, đưa khách du lịch và làng nghề xích lại gần nhau.
 
Hơn nữa, một hướng đi mới có tính thực tế cao đối với việc phát triển du lịch làng nghề cũng đã được Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Nội thông qua là khuyến khích phát triển hình thức lưu trú homestay tại các làng nghề. Đây là hình thức khách du lịch có thể lựa chọn những nhà dân có điều kiện, thậm chí chính quyền đầu tư một số trang thiết bị thiết yếu để gua đình đs có thể đón khách lưu trú. Khách sẽ được hưởng trọn vẹn không gian của làng nghề, lại có điều kiện tìm hiểu nét văn hoá lịch sử, phong tục tập quán, nếp sống lao động của người dân.
 
Trong tương lai, với những định hướng và cách thức thực hiện bài bản, đồng bộ của Thành phố cùng với tâm huyết và trách nhiệm của chính quyền địa phương mỗi làng nghề và cơ quan quản lý du lịch, phát triển của làng nghề kết hợp du lịch ở Hà Nội sẽ có những bước tiến xa hơn để góp phần thúc đẩy du lịch Hà Nội phát triển.
 
 
Như Ngọc
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)