Chủ nghĩa yêu nước qua các lễ hội tưởng nhớ các anh hùng chống ngoại xâm của Thăng Long – Hà Nội
Trong hệ thống các lễ hội này chúng ta có thể kể đến các lễ hội như: hội Gióng, Hội đền Cổ Loa, hội đền Đồng Nhân thờ Hai Bà Trưng, Hội Đống Đa… Đây là những lễ hội có quy mô rộng lớn, có tầm ảnh hưởng và giá trị lan toả sâu rộng trong xã hội. Trong số đó nổi bật nhất phải kể đến hội Gióng. Hội Gióng là một lễ hội mang tính chất quốc gia, có sức hút kỳ lạ các thế hệ người Việt Nam đến mức dân gian đã có câu “Mùng chín tháng tư, không đi hội Gióng thì hư một đời”. Thực ra hội Gióng là một hệ thống các lễ hội diễn ra trọn vẹn trên địa bàn Hà Nội. Đó là hội Gióng làng Phù Đổng huyện Sóc Sơn – nơi người anh hùng sinh ra và lớn lên rồi đi đánh giặc cứu nước; hội Gióng đền Sóc Xuân Đỉnh là nơi người anh hùng trên đường đi đánh giặc dừng chân uống nước hồ Tây; hội Gióng Chi Nam - nơi trên đường về trời Thánh Gióng thấy thuỷ quái nên quay lại đánh để cứu dân. Như vậy, xoay quanh câu chuyện về người anh hùng vì dân vì nước Thánh Gióng đã tạo nên một vùng huyền thoại, tín ngưỡng và lễ hội ở các huyện ngoại thành phía bắc Hà Nội và phụ cận. Có thể nói đây là hệ thống nghi lễ và lễ hội được tạo nên không phải trên cơ sở của một hiện tượng lịch sử mà là một huyền thoại mang tính hoang đường, nhưng nó lại khái quát một thực tế lịch sử chân thật của dân tộc, từ đó dựng nên một hình tượng đẹp đẽ và độc đáo nhất về chủ nghĩa yêu nước của con người Việt Nam.
Giống như hội Gióng, Hà Nội còn có lễ hội tưởng niệm Hai Bà Trưng - một trong những vị nữ tướng được ghi danh trong sử sách, biểu hiện cho khí phách của người phụ nữ Việt Nam. Lễ hội Hai Bà Trưng ở đền Đồng Nhân là một trong những lễ hội nằm trong hệ thống các lễ hội tưởng niệm Hai Bà Trưng ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, trong đó lễ hội ở Hát Môn, Hạ Lôi và Đồng Nhân tạo nên một trục lễ hội ở Hà Nội theo trục nơi sinh, nơi hoá và nơi tượng hai bà trôi dạt vào ven bờ sông Hồng. Các lễ hội Hai Bà Trưng thể hiện sự ghi nhớ và tôn vinh hai bà như là tấm gương sáng về lòng thuỷ chung, tinh thần kiên trung, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam xưa và nay.
Nếu như lễ hội Gióng và lễ hội Hai Bà Trưng là những lễ hội tôn vinh những người anh hùng chống giặc ngoại xâm đã được thần thánh hoá, biểu tượng hoá thì lễ hội Gò Đống Đa lại là lễ hội tôn vinh người anh hùng của dân tộc, một con người hiện thực bằng xương bằng thịt đã đánh thắng 20 vạn quân Thanh cách đây hơn 200 năm. Đó là một sự kiện lịch sử có thật, một chiến thắng vĩ đại trên đất Thăng Long. Lễ hội ban đầu diễn ra trong phạm vi làng Khương Thượng, sau nghi thức thắp hương cúng lễ tưởng nhớ công ơn của người anh hùng Quang Trung sẽ là lễ rước từ Khương Thượng ra gò Đống Đa. Trong lễ hội này còn có lễ cầu hồn cho những nghĩa quân đã hy sinh và những quân giặc đã chết, coi đó như là hành động nhân nghĩa của nhân dân ta và cũng là để những âm hồn không quấy nhiễu dân lành. Hội gò Đống Đa đã được mở rộng thành lễ hội mang tính chất quốc gia. Đây không còn là lễ hội đơn thuần mang tính chất thờ cúng những kẻ bại trận mà nó còn có một ý nghĩa cao hơn đó là tưởng niệm, nhớ ơn người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, cùng những nghĩa quân đã đánh đuổi quân Thanh năm xưa.
Ngoài những lễ hội trên, ở Hà Nội còn có nhiều lễ hội thờ cúng các vị anh hùng trong lịch sử đã có công đánh đuổi quân giặc, cứu giúp dân lành như lễ hội đền Bà Chúa Kho ở đình Giảng Võ; lễ hội làng Triều Khúc thờ Phùng Hưng; lễ hội làng Chèm thờ Lý Ông Trọng; lễ hội làng Vẽ (Đông Ngạc) thờ Đông Xuyên Hầu…
Có thể nói, đi khắp các làng xã, phố phường Hà Nội vào những tháng đầu năm sau tết Nguyên đán, đặc biệt vào tháng trọng xuân, đâu đâu chúng ta cũng thấy không khí náo nức của lễ hội. Đó chính là những thời điểm thiêng liêng để tất cả mọi người cùng hướng về cội nguồn, để tưởng nhớ tới những vị anh hùng, những vị thành hoàng làng đã cứu giúp và phù trợ cho nhân dân được an lành, ấm no và hạnh phúc. Đó chính là nét đẹp trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ta. Đồng thời cũng là những truyền thống văn hoá tốt đẹp lắng đọng thành những tinh hoa văn hoá ngàn năm của mảnh đất Kinh kỳ mà nổi bật lên là truyền thống yêu nước ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Hoàng Tâm
Nhà xuất bản Hà Nội