Đôi nét về chính quyền thành phố Hà Nội năm đầu sau Cách mạng tháng Tám (9/1945 – 12/1946)
Ngay sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, tối 19/8, Xứ ủy Bắc Kỳ đã họp tại Bắc Bộ phủ (Phủ Khâm sai cũ) quyết định thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Nội. Ông Nguyễn Huy Khôi (Trần Quang Huy) được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Nội, ông Nguyễn Quyết làm Chính ủy các lực lượng vũ trang thành phố. Trong không khí sôi sục và tưng bừng của ngày giành được chính quyền, Ban lãnh đạo thành phố của Hà Nội đã được thiết lập và ngày 20, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Hà Nội tổ chức lễ ra mắt tại Bắc Bộ phủ trước sự chứng kiến của đông đảo nhân dân.
Chỉ sau 2 ngày chính quyền cách mạng lâm thời thành phố được thiết lập, hầu hết các nhà máy ở nội thành đã tổ chức Ủy ban công nhân cách mạng. Đến ngày 25/8, toàn bộ các xã ngoại thành đã thành lập được Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối tháng 8, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời được cải tổ và đổi tên thành Ủy ban nhân dân, mở rộng thành phần để một số nhân sĩ trí thức tư sản có tinh thần yêu nước tham gia, làm cho chính quyền thực sự mang tính nhân dân rộng rãi. Ngày 30/8, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được Chính phủ lâm thời chỉ định làm lễ nhậm chức, do bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch. (Từ sau tháng 10 năm 1945, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội được đổi thành Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội).
Trong điều kiện hết sức khó khăn của những ngày đầu giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra một quyết sách táo bạo ngày 8/9/1945 ký Sắc lệnh số 14/SL cho mở cuộc tổng tuyển cử của toàn dân để bầu quốc dân đại hội (Quốc hội) ngay trong vòng hai tháng. Tuy nhiên, do sự phá hoại của các đảng phái phản động nên cuộc tổng tuyển cử phải trì hoãn đến ngày 6/1/1946. Trong khoảng thời gian này để phù hợp với địa vị pháp lý, tổ chức bộ máy và thể thức vận hành của Hà Nội chưa được chế định hóa bằng các đạo luật, Chích phủ đã ban hành một số sắc lệnh, nghị định quy định về việc thiết lập, cách thức tổ chức, cơ chế vận hành của chính quyền Hà Nội. Trong đó kể đến Sắc lệnh số 63/SL, ngày 22/11 về cơ cấu tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của hội đồng nhân dân và ủy ban hành chính các cấp; ngày 21/12, Chính phủ ban hành Sắc lệnh số 77/SL về việc tổ chức chính quyền nhân đân ở các thị xã và thành phố…
Đối với thành phố Hà Nội, Điều 3 của Sắc lệnh số 77/SL quy định: Thành phố Hà Nội được đặt trực tiếp dưới chính quyền Chính phủ Trung ương (các thành phố khác đều thuộc quyền của các kỳ). Theo đó, mô hình tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội là mô hình tổ chức một cấp chính quyền, hai cấp hành chính với chế định “cách tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã cũng y như cách tổ chức ở các xã” và ở mỗi thành phố đặt ba cơ quan: Hội đồng nhân dân, Ủy ban hành chính thành phố và Ủy ban hành chính khu phố.
Về quyền hạn, Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội có quyền hạn thi hành mệnh lệnh của Chính phủ, các bộ/nha và các quyết nghị của Hội đồng nhân dân thành phố; kiểm soát các Ủy ban hành chính khu phố; triệu tập Hội đồng nhân dân thành phố;… Ủy ban hành chính thành phố hoạt động theo cơ chế của cơ quan thường trực khác với Hội đồng nhân dân hoạt động theo kỳ họp.
Theo dự định, tháng 3 năm 1946 sẽ tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân, nhưng do tình hình căng thẳng nên phải hoãn lại. Trong khoảng thời gian chưa bầu cử được Hội đồng nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố từ ngày 16 đến 30/6/1946, Ủy ban hành chính các khu phố và khu hành chính (ngoại thành) được bầu cử. Sau bầu cử, Hà Nội có 118 vị chủ tịch các ủy ban hành chính xã, 17 chủ tịch ủy ban hành chính khu phố. Hệ thống chuyên chính dân chủ nhân dân được thiết lập đã tạo điều kiện để tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân lao động, các giai cấp đứng lên xây dựng và bảo vệ chế độ mới.
Sau một năm phấn đấu, cách mạng Việt Nam nói chung, nhân dân và chính quyền thành phố Hà Nội nói riêng đã vượt qua nhiều khó khăn. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, gày 11/10/1946, đại hội chính quyền các cấp, các ngành của Hà Nội lần đầu tiên được tiến hành. Sự kiện này đánh dấu sự trưởng thành của chính quyền nhân dân thành phố. Đây là cuộc vận động lớn của thành phố làm cơ sở chính trị vững chắc cho cuộc kháng chiến lâu dài của Thủ đô.
Cùng với thiết lập và xây dựng hệ thống chính quyền, lực lượng vũ trang cách mạng tập trung, lực lượng dân quân tự vệ được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố. Tháng 10/1946, thực hiện sự chỉ đạo của Khu ủy Chiến khu XI, Ủy ban Bảo vệ thành phố Hà Nội được thành lập do Nguyễn Văn Trân là Chủ tịch. Ủy ban này có chức năng hành chính – quân sự. Như vậy, đến cuối năm 1946, bên cạnh Ủy ban Hành chính vẫn được duy trì và vận hành theo cơ chế dân chủ, có chức năng quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn thành phố, thành lập thêm Ủy ban Bảo vệ có tính chất quân sự, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên theo cơ chế chỉ huy – phục tùng.
Trong tiến trình lịch sử, dưới các triều đại phong kiến dù trung tâm quyền lực Thăng Long – Hà Nội bị phân tán đến Tây Đô – Thanh Hóa (thời nhà Hồ), đến Phú Xuân – Huế (thời Tây Sơn và nhà Nguyễn) thậm chí có thời kỳ bị biến thành một “tỉnh” (thời vua Minh Mệnh), nhưng sức lan tỏa, ảnh hưởng của Hà Nội với cả nước vẫn luôn mạnh mẽ. Cũng vì lẽ đó việc xây dựng, thiết lập, kiện toàn bộ máy chính quyền thành phố Hà Nội trong năm đầu đất nước độc lập là điều kiện cần thiết để quân và dân Hà Nội bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước.
Ly Đàm
Nhà xuất bản Hà Nội