Nho giáo và vị thế trong đời sống văn hóa tâm linh, giáo dục ở Thăng Long - Hà Nội
Trong việc nghiên cứu tôn giáo cũng như trong đời sống xã hội, Nho giáo là một trường hợp đặc biệt bởi lẽ áp vào những “định nghĩa” tôn giáo thường dùng, đây không phải là tôn giáo “chính danh”. Tuy vậy, nhiều học giả Trung Quốc cũng như ở nước ta đều ghi nhận trong Nho giáo có những phương diện của một “tôn giáo”, nhất là các nghi lễ liên quan đến thờ phụng, các yếu tố Nho giáo gắn với yếu tố tâm linh, tín ngưỡng truyền thống phương Đông. Với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội, Nho giáo có vai trò quan trọng đáng kể, nhất là trong lĩnh vực đời sống văn hóa tâm linh, giáo dục và đạo đức xã hội, và đặc biệt như một hệ tư tưởng cho hệ thống quyền lực của chế độ phong kiến.
Trong hàng nghìn năm bị lệ thuộc phong kiến phương Bắc, Nho giáo được đưa vào Việt Nam chủ yếu với tư cách là công cụ phục vụ cho chính sách cai trị và đồng hóa về văn hóa, nghĩa là người Việt Nam tiếp nhận Nho giáo vẫn với thái độ thụ động. Nho giáo chỉ được người Việt chủ động thừa nhận như là một văn hóa chủ thể và xác lập địa vị cao sang của nó khi nền độc lập dân tộc được hoàn toàn ổn định vững chắc và đi vào phục hưng dân tộc ở vương triều Lý bắt đầu từ năm 1010 - khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Thăng Long - Hà Nội.
Đạo Nho được tôn sùng tức là nền giáo dục, khoa cử Nho học được coi trọng và phát triển. Năm 1070, nhà Lý cho lập tại kinh thành Thăng Long một nhà Văn Miếu để thờ Khổng Tử, người sáng lập ra nho học và lấy đó làm nơi để thái tử tới học tập. Sự kiện này chứng tỏ Nho giáo đã cắm một cột mốc thành công vững chắc trong lòng nền văn minh Đại Việt. Đây cùng là cơ sở để sau đó việc học tập các sách kinh điển cho Nho giáo như Tứ thư, Ngũ kinh mở rộng ra khắp cả nước. Khoa cử cũng đặt ra đồng thời với việc tổ chức học tập. Năm 1075 bắt đầu thi nho học tại Thăng Long với hơn 10 người trúng tuyển, mở đầu cho truyền thống thi cử suốt mười thế kỷ. Chế độ thi cử thời Lê rộng rãi hơn thời Lý, Trần: quân lính cũng được đọc sách, được học, được thi. Khoảng thế kỷ XVII, XVIII con nhà hát xướng cũng được đi thi, được làm quan. Vị trí độc tôn và vai trò lịch sử của Nho giáo đối với chế độ khoa cử Việt Nam chỉ kết thúc khi triều đại phong kiến sụp đổ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Từ nửa cuối thế kỷ XV, Nho giáo thực sự trở thành ý thức hệ độc tôn, các khoa thi mở định kỳ ba năm một lần theo quy chuẩn nghiêm ngặt, những người thi đỗ được triều đình rất hậu đãi (được nhà vua ban cho trâm vàng, hốt bạc, áo bào thêu hoa, được ban yến ở trong triều và được võng lọng rước đi chơi phố trong Kinh thành, khi về quê vinh quy bái tổ được dân làng phục dịch cung đốn nhà cửa). Tầng lớp nho sĩ ngày một đông đảo trong xã hội và họ là chỗ dựa ý thức hệ, hành chính cho nhà nước quân chủ Việt Nam. Tuy vậy Đại Việt đã bước vào một giai đoạn lịch sử mới với nhiều biến động, nguy cơ đầu tiên là nạn phân liệt, trước hết là cục diện Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn, kéo theo cuộc nội chiến hàng thế kỷ như một hệ quả chính trị tất yếu. Nho sĩ phân hóa, người ra làm quan, kẻ đi ở ẩn, người bảo thủ học thuyết, kẻ quay sang tìm chỗ dựa trong các học thuyết Phật, Đạo. Song, Nho giáo vẫn là hệ ý thức, chỗ dựa tinh thần của triều đình, phủ Chúa và đông đảo giới nho sĩ vẫn đinh ninh rằng “Nho giáo là truyền thống bốn nghìn năm của tổ tiên”…
Nho giáo đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển văn hóa, giáo dục của Thăng Long cũng bởi nó tạo tiền đề để Kinh thành thực sự trở thành lò đào tạo nhân tài của đất nước. Nhà sử học Phan Huy Chú đã nhận định: “Con đường tìm người tài giỏi trước hết là khoa mục. Phàm muốn thu hút người tài năng tuấn kiệt vào trong phạm vi của mình thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử”. Chắc hẳn vì một định hướng như thế, các vua thời Lý - Trần - Lê đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng kinh thành Thăng Long thành trung tâm đào luyện nhân tài và biểu trưng cho điều đó chính là Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Qua thời gian, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhiều lần được mở mang về quy mô, trùng tu, tôn tạo, trở thành niềm tự hào của Thăng Long - Hà Nội. Đó không chỉ là một trong những điểm nhấn sắc nét của “không gian thiêng” nơi mảnh đất Kinh kỳ mà còn là nơi đào luyện nhân tài, vinh danh những bậc khoa bảng qua các triều đại, trong đó có không ít những người con của đất Hà thành, thực sự có thể coi là những “phần tử ưu tú” của đất nước.
Nho giáo đã gắn chặt với Thăng Long - Hà Nội suốt gần mười thế kỷ. Cùng với các tôn giáo khác, nhất là hệ tư tưởng Tam giáo, đã đóng góp to lớn cho việc xây dựng các mô hình nhà nước, cấu trúc và quản lý xã hội, xây dựng nền văn hiến Thăng Long - Hà Nội, góp phần không nhỏ trong việc đào tạo các thế hệ tri thức (Nho học), cũng như góp phần tạo nên lối sống của người Hà Nội.
Phong Kiều
Nhà xuất bản Hà Nội