Di sản văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông với mục đích thờ Khổng Tử, chu Công, Tứ phối và thất thập nhị hiền, đồng thời là nơi học của các hoàng thái tử. Đến năm 1076 dưới vua Lý Nhân Tông cho xây dựng Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu làm trường học cho các con vua và các bậc quyền quý. Lúc này Quốc Tử Giám chỉ dành cho con em vương thất, hoàng gia đến học, tuy nhiên về sau, pham vi và đối tượng học đã mở rộng đến cả con em quan lại, những thành phần ưu tú bình dân, thậm chí là cả những nho sĩ nghèo. Vì thế, nơi đây đã “tạo nên” một di sản văn chương đồ sộ cho nền văn học nước nhà. Trên cơ sở một kho tàng tư liệu đồ sộ như vậy thì việc sưu tầm tuyển chọn đối với nhóm biên soạn là không hề đơn giản. Tuy nhiên với tinh thần làm việc khoa học, cần mẫn, nghiêm túc, nhóm biên soạn đã sưu tầm, lựa chọn và dịch thuật những tác phẩm văn chương của những người từng giữ những chức vụ quan trọng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và những tác phẩm lấy đề tài, cảm hứng về nơi này. Trên tinh thần như vậy, cuốn sách gồm bốn phần chính:
Trước hết là những trước tác trong khuôn khổ Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là những di văn còn lại thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám và di tích phụ trợ xung quanh di tích chính này. Những “di văn” này là những bức hoành phi, câu đối, chạm treo ở nhiều vị trí khác nhau trong khu di tích. Những câu đối, hoành phi này gần như không còn tên tác giả, nhưng một điều có thể khẳng định rằng những hoành phi, câu đối được chọn treo ở đây chắc chắn phải là những tuyệt bút của những tác giả có đức có tài, được nhà nước phong kiến đương thời trọng vọng.
Thứ hai là các văn bia đề danh tiến sĩ, tuy nhiên những danh bia này khá quen thuộc bởi có nhiều công trình đã nghiên cứu dịch thuật đầy đủ nên ở đây nhóm biên soạn giới thiệu 5 tác phẩm trong số các bi ký đề danh tiến sĩ (Bài kí bia Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ 3 (1442); Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Quang Thuận thứ 7 (1466); Bài kí đề danh Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 6 (1514); Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529); Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Quý Sửu niên hiệu Long Đức (1733). Đây không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh các giai đoạn lịch sử của dân tộc mà còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam được thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài của cha ông ta.
Thứ ba là 5 bài văn sách Đình đối có tính chất tiêu biểu ở các thời điểm lịch sử khác nhau trong cả một chặng đường dài của giáo dục khoa cử Thăng Long. Đó là bài thi của Nguyễn Trực, Vũ Tuấn Chiêu, Nguyễn Tuấn Ngạn, Phùng Thế Trung và Nguyễn Năng Thiệu. Đây là những tác phẩm được chấm đỗ trong các kỳ thì đại khoa, thể hiện một cách cao nhất, tiêu biểu nhất cho trình độ học vấn của người thi từ kinh điển, sử sách và những hiểu biết từ thực tế đời sống.
Thứ tư là những tác phẩm của các tác giả có từng có thời gian làm việc ở Quốc Tử Giám trên cương vị là tế tửu và tư nghiệp và những tác phẩm văn chương viết về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Phần này giới thiệu 45 tác giả cùng nhiều trước tác của họ. Một số tác giả tiêu biểu trong đó như Chu Văn An, Nguyễn Phi Khanh, Phan Phu Tiên, Nguyễn Trực, Thân Nhân Trung, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn… Qua đây độc giả sẽ hiểu hơn về giá trị văn chương cũng như nhân cách của các bậc hiền nho đã lưu danh sử sách.
Có thể nói, văn chương Văn Miếu - Quốc Tử Giám là những áng văn bất hủ trong tổng tập văn học Việt Nam. Đó thực sự là “di sản” văn hoá quý báu Thăng Long - Hà Nội nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Để tiếp cận được với những “di sản” này thật sự không dễ dàng với nhiều độc giả nhất là thế hệ độc giả trẻ hiện nay. Hy vọng, qua cuốn sách này những ai thực sự yêu quý và thiết tha với sự “sâu gốc bền rễ” của nền văn học nước nhà sẽ có những nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu để đến hiểu được những mạch huyết trong dòng văn chương của các thế hệ ông cha.
Hoàng Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội