Bước thăng trầm của Phật giáo trên đất Thăng Long - Hà Nội
Giai đoạn cực thịnh của Phật giáo ở Thăng Long - Hà Nội chính là thời kỳ Lý - Trần. “Triều Lý được coi là triều đại từ bi nhất trong lịch sử dân tộc ta. Chính do ảnh hưởng của đạo Phật”. Dưới triều Lý, từ vua quan đến thần dân đều tôn sùng đạo Phật, thậm chí các vua Lý còn tu Phật, các tăng quan có phẩm hạnh đạo đức và tài năng uyên bác luôn được triều đình trọng dụng. Đặc điểm Phật giáo thời Lý ở Thăng Long là Phật giáo không chỉ có vị trí chính trị - xã hội to lớn mà còn là một thế lực kinh tế mạnh mẽ. Thêm một điều nữa, sinh hoạt Phật giáo trước hết nhất là các lễ hội Phật giáo đã trở thành thành gương mặt của văn hóa nhà Lý. Vào thời Trần, tuy trung tâm Phật giáo chuyển về Yên Tử nhưng ở Thăng Long, Phật giáo vẫn có những bước phát triển mới. Sự suy thoái của Phật giáo thời Trần bắt đầu từ khoảng giữa thế kỷ XIV, khi tầng lớp quý tộc nhà Trần mất dần uy lực chính trị và kinh tế, những nhà nho học tên tuổi đã bắt đầu lên tiếng công kích đạo Phật. Cho đến cuối thế kỷ này, năm 1396, Hồ Quý Ly đã ra lệnh sa thải tăng đồ, bắt những người dưới 40 tuổi hoàn tục… Phật giáo thời Trần đã phải nhận đòn quyết định, kết thúc thời hoàng kim của nó.
Do những yếu tố trên, đạo Phật từ thời Lê có sự thay đổi căn bản và phải nhường bước trước sự thống trị của Nho giáo. Kinh thành Thăng Long từ thế kỷ XV dường như chuyển trọng tâm xây cất đình chùa trước đây vào việc xây dựng Văn Miếu, nhà bia Tiến sĩ, nhà Thái học… biểu tượng cho uy quyền tinh thần của Nho giáo. Sang thời Hậu Lê, Phật giáo có những nét phục hồi nhất định: Nếu Phật giáo bác học đang trong cơn khủng hoảng thì Phật giáo dân gian phát triển mạnh do hoàn cảnh xã hội loạn lạc trở thành “đất dụng võ” cho tư tưởng nhân quả nghiệp báo, từ bi hỷ xả, thế gian vô thường… của đạo Phật; Thiền phái Trúc Lâm có sự phục hưng nhất định thể hiện ở việc một số quý tộc xuất gia, tiểu biểu là Trịnh Thị Ngọc Trúc, con gái Trịnh Tráng, Lê Thị Ngọc Duyên, con gái Lê Thần Tông và nổi tiếng bậc nhất là trường hợp em ruột của chúa Trịnh Cương là Trịnh Thập (1696-1733), trở thành Tổ sơn môn Liên tông với nhiều chùa nổi tiếng ở Hà Nội và sau này có công mang về từ Trung Quốc hàng trăm bộ kinh Phật…
Phật giáo Hà Nội dưới triều Nguyễn và Pháp thuộc cũng không củng cố được vị thế và ánh hào quang như trước. Nguyễn Ánh lên ngôi (1802), nhu cầu xây dựng nhà nước chuyên chế tập quyền càng khiến Phật giáo mất chỗ đứng. Chiếu chỉ năm 1804 có ghi rõ những điều khoản hạn chế Phật giáo: “chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới và tô tượng đúc chuông, đàn chay hội chùa, hết thảy đều cấm. Sư đã có kẻ chân tu thì lý trưởng sở tại phải khai rõ tính danh, quán chỉ đem nộp ở quan trấn để biết rõ số”. Nhìn chung có thể thấy, khi Nho giáo chiếm vị thế độc tôn thì Phật giáo tại Hà Nội phải chịu nhiều thiệt thòi và cấm đoán. Mặc dù vậy, Phật giáo Hà Nội vẫn giữ được vị thế của nó trong việc in ấn kinh sách, góp phần vào kho tàng kinh sách của Phật giáo Việt Nam và phổ biến ra cả nước. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Phật giáo Hà Nội có những biểu hiện dấn thân vào đấu tranh chính trị với phong trào kháng Pháp của các nhà sư yêu nước như Vương Quốc Chính, Hoàng Văn Đồng. Đặc biệt Phật giáo Hà Nội trong giai đoạn này, nhất là ở chùa Quán Sứ, đã tập hợp được nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới tu hành, các nhà hoạt động Phật giáo, xã hội, quan lại, các trí thức Tây học và Nho học tên tuổi.
Trải qua quá trình định hình, phát triển cực thịnh và suy biến theo thế sự, Phật giáo Thăng Long - Hà Nội có bốn đặc điểm chính: Thăng Long là nơi Phật giáo Bắc tông, bộ phận quan trọng nhất của Phật giáo Việt Nam xuất hiện và phát triển rực rỡ với nhiều lĩnh vực và có ý nghĩa tiêu biểu nhất; Phật giáo Thăng Long - Hà Nội được xem như cái nôi, nơi trải nghiệm và đúc kết, nhất là những thế kỷ đầu của nền độc lập; Phật giáo Lý - Trần là triều đại đã giải quyết mẫu mực mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị, tạo nên một truyền thống Phật giáo nhập thế tiêu biểu nhất, và kinh thành Thăng Long, Phật giáo Thăng Long chính là nơi nuôi dưỡng và phát triển truyền thống đó; Thăng Long cũng là nơi mà Phật giáo Việt Nam có khả năng bộc lộ những thành tựu về Phật học, Phật pháp cũng như về kinh điển, tu viện, tăng sĩ…
Trải qua suốt một nghìn năm quân chủ chuyên chế, với nhiều dâu bể, động loạn của xã hội, Phật giáo ở Thăng Long - Hà Nội thịnh suy có lúc khác nhau nhưng thảy đều đóng vai trò đặc biệt, như một cái nôi, như một “gốc bồ đề” của Phật giáo Việt Nam.
Trà Giang
Nhà xuất bản Hà Nội