Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 15/05/2015 06:51
Đôi nét về các thôn làng chuyên nghề ven đô Thăng Long - Hà Nội xưa

Thăng Long - Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi tụ hội bốn phương và là mảnh đất thượng đô cho muôn đời, vừa là trung tâm đô thị tiêu biểu nhất cả nước, vừa là đô thành được vây bọc bởi vành đai các làng nghề truyền thống, làm nền tảng cho sự phát triển của nơi đây. Tìm hiểu về những thôn làng ven đô ấy, ta có thể hình dung rõ hơn về bức tranh làng nghề tiêu biểu của Thăng Long xưa.

 
Các thôn làng chuyên nghề dệt vải lụa. Dệt vải lụa là nghề thủ công truyền thống lâu đời của Thăng Long - Hà Nội. Các cơ sở dệt chủ yếu ở trong các thôn làng ven đô và phụ cận. Triều đình nhà Nguyễn đã xếp Hà Nội làm một trong 6 tỉnh “có thổ ngơi chăn tằm” (Thực lục, XXX) của cả nước với các thôn làng Nghi Tàm, làng Dâu (Nghĩa Đô), Thanh Trì, Thúy Ái, Phú Xá, Phú Gia. Người ta cũng còn trồng nhiều bông ở khắp các địa phương chung quanh Hà Nội. Truyền thống và kinh nghiệm dệt vải lụa Thăng Long - Hà Nội đã có từ lâu đời:
 
Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ
Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ
(Thức dậy không còn nghe thấy tiếng chày nện vải
Chỉ thấy trăng mới mọc trên hoa mộc tê)
                                                 (Trần Nhân Tông)
 
Qua các truyền thuyết và sự tích, có thể thấy, kinh nghiệm về nghề dệt vải lụa của Thăng Long - Hà Nội đã được tích lũy qua nhiều thế hệ, càng ngày càng được cải tiến, hoặc do tài nghệ sáng chế của những người thợ giỏi, hoặc được du nhập kỹ thuật từ bên ngoài (Trung Quốc, Chiêm Thành…). Cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, khi giáo sĩ Bissachère đến Thăng Long và các tỉnh Bắc Kỳ thì kỹ thuật của nghề dệt ở đây có thể đã đạt tới mức cực thịnh. Cho đến cuối thế kỷ XIX, mặc dù không còn là kinh đô nhưng Hà Nội vẫn nổi tiếng trong nghề dệt vải lụa. Và những đặc sản nổi tiếng về vải lụa của vùng ven đô Hà Nội là các loại:
 
The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng
Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên
 
thì không những đã là một truyền thống của ngày xưa mà còn kéo qua suốt thế kỷ XX.
 
Về cơ bản những người thợ dệt của các phường thôn chuyên nghề ở Hà Nội là những thợ thủ công nửa tự do, nghĩa là xét về một mặt, họ là những thành viên của một làng nghề, mặt khác họ là thần dân chịu sự cai quản của đức vua và triều đình, phải nộp thuế cùng các nghĩa vụ khác. Trong các làng dệt, các hộ chuyên thủ công được miễn thuế thân, binh dịch và lao dịch, đổi lại phải nộp thuế thổ sản hay biệt nạp bằng hiện vật hoặc chiết nạp (nộp thay) bằng tiền, với mức nặng hơn gấp nhiều lần thuế thân.
 
Các thôn làng nghề làm giấy. Làm giấy là ngành thủ công lâu đời của Thăng Long - Hà Nội. Có thể ngay từ thế kỷ XIII, nghề làm giấy đã có tại thôn Dịch Vọng, phía tây kinh thành, có sông Tô Lịch chảy qua với một cây cầu bắc ngang là Cầu Giấy. Sau đó nghề làm giấy lan truyền dần ra các làng thuộc huyện Quảng Đức như Yên Hòa (làm giấy thô), Hồ Khẩu (làm giấy moi), Đông Xã (làm giấy quỳ), Yên Thái (Bưởi) (làm giấy lệnh) và Nghĩa Đô (sản xuất giấy đặc biệt tốt là giấy sắc hay giấy nghè).
 
Sự phát triển và tập trung của nghề làm giấy Thăng Long - Hà Nội ở một số thôn làng ven sông Tô Lịch và nhất là ở Yên Thái ven hồ Tây không phải là ngẫu nhiên mà có những nguyên nhân nhất định. Trước hết là điều kiện giao thông vận tải (nguyên liệu làm giấy từ Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ được chuyên chở theo đường sông về Hà Nội). Thứ hai là do điều kiện kỹ thuật của nghề (nghề làm giấy cần một khối lượng nước rất lớn để ngâm rửa, đãi vỏ dó). Chính vì vậy đây là vùng nghề giấy phát triển cao hơn nơi khác.
 
Những người thợ thủ công làm nghề giấy vùng Bưởi cho đến đầu thế kỷ XX, cơ bản vẫn là những người sản xuất nhỏ, vừa sản xuất vừa bán sản phẩm. Ngoài hình thức bán lẻ trực tiếp họ còn bán buôn cho phú thương Hoa kiều.
 
Các thôn phường đúc đồng. Từ nhiều thế kỷ trước nghề đúc đồng đã có mặt ở kinh thành Thăng Long và phát triển mạnh mẽ trong những thế kỷ XVII, XVIII, tiếp tục qua thế kỷ XIX. Theo truyền thuyết, nghề đúc đồng ở Kinh thành được bắt nguồn từ các làng bên Kinh Bắc di cư sang định cư tại bán đảo Ngũ Xã bên bờ Trúc Bạch. Cuối thế kỷ XVIII, các lò đúc đồng Ngũ Xã hoạt động khá tấp nập “Lửa đóm ghen năm xã gây lò” (Nguyễn Huy Lượng). Trong những năm đầu triều Gia Long, ngoài việc đúc các đồ dùng bằng đồng như nồi, mâm, chậu, lư hương, các đồ thờ như chuông, tượng, còn có thể có cả việc nhà nước giao cho việc đúc tiền nữa. Trong thế kỷ XVII, đã có một số đồ đồng đúc ở Kẻ Chợ được bán cho người ngoại quốc.
 
Kỹ thuật đúc đồng ở khu Ngũ Xã là một kỹ thuật truyền thống. Người ta mua quặng đồng của các thuyền chở quặng từ các mỏ trên thượng du xuôi theo sông Hồng, sông Lô, mua một số đồng nát từ các làng bên xứ Bắc và ở phố Hàng Đồng. Quy mô sản xuất trong các lò đồng Ngũ Xã chủ yếu là lao động gia đình, bước đầu đã có sự chuyên môn hóa.
 
Làng chuyên nghề gốm sứ. Cũng như vải lụa, đồ gốm là một trong những mặt hàng thủ công thiết yếu nhất trong đời sống của người dân Việt. Vì vậy, từ rất sớm đã xuất hiện một trung tâm chuyên nghiệp thủ công làm đồ gốm sứ nổi tiếng trong nhiều thế kỷ: làng gồm Bát Tràng. Thế kỷ XVI, thời Mạc, Bát Tràng cùng với Chu Đậu (Hải Dương) đã trở thành hai trung tâm gốm sứ nổi tiếng của cả nước. Thế kỷ XVII, XVIII, trung tâm gốm Bát Tràng càng phát triển phồn thịnh. Cho đến thế kỷ XIX, gạch Bát Tràng đã được dùng để xây lát nhiều công trình kiến trúc quan trọng của nhà nước cũng như nhân dân.
 
Bát Tràng là một làng gốm chuyên nghiệp, trước hết ở chỗ nó là một làng phi nông nghiệp. Như vậy, sản xuất gốm gạch ở Bát Tràng rõ rệt là mang tính chất làng, là công việc của tập thể dân làng, về số lượng thành viên cũng như trong quan hệ hợp tác.
 
Ven đô là vành đai biên giới mờ giữa thành thị và nông thôn của kinh thành Thăng Long truyền thống. Với những thôn làng nghề, khu vực này gắn kết rất chặt chẽ với kết cấu kinh tế đô thị, sản xuất những mặt hàng thiết yếu cung ứng cho các cửa hiệu khu phố phường Thăng Long. Và bởi vậy, nó góp phần tạo nên một “36 phố phường” sầm uất, náo nhiệt, nét tiêu biểu của mảnh đất ngàn năm văn hiến.
 
 
Đỗ Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)