Vẻ vang những trang sử Thăng Long – Hà Nội
Thăng Long – Hà Nội là nơi hình thành và phát đi các tư tưởng chỉ đạo công cuộc dựng nước và giữa nước, các chủ trương, kế sách trong thời bình và thời chiến, các mệnh lệnh và lời kêu gọi về xây dựng và chiến đấu, là nơi có vị trí địa lý thuận lợi để nắm tình hình trong cả nước, để chỉ đạo việc chuẩn bị và thực hành chiến tranh. Vì thế, Thăng Long – Hà Nội luôn là mục tiêu chiến lược chủ yếu mà kẻ xâm lược quan tâm bậc nhất và muốn chiếm đóng hoặc đánh phá. Các đạo quân xâm lược của các đế chế Mông – Nguyên, Minh, Thanh cũng như của thực dân Pháp, phát xít Nhật đều đã chiếm đóng Thăng Long – Hà Nội. Và cũng lúc đó Thăng Long – Hà Nội là nơi đọ sức quyết liệt giữa hai bên, nơi cả ta và địch thực hiện trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.
Trong 1000 năm tồn tại và phát triển Thăng Long – Hà Nội, quân và dân Thủ đô đã trải qua 10 cuộc chiến tranh và một cuộc tổng khởi nghĩa chống quân xâm lược: Cuộc kháng chiến chống Tống dưới triều Lý (1075-1077), ba lần kháng chiến chống Mông – Nguyên (1257-1258), 1284-1285, 1287-1288), kháng chiến chống Minh thời Hồ (1406-1407), khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng chống Minh đầu thế kỷ XV (1418-1427), kháng chiến chống Thanh đời Tây Sơn (1788-1789), kháng chiến chống Pháp dưới triều Nguyễn thế kỷ XIX (1858- 1884), kháng chiến chống Pháp (1945-1954) và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Trong 10 cuộc chiến tranh đó, có 9 cuộc là chiến tranh giữ nước bảo vệ Tổ quốc và 1 cuộc là chiến tranh giải phóng dân tộc do Lê Lợi và Nguyễn Trãi lãnh đạo.
Có thể thấy, qua các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh nói trên, quân và dân Thăng Long – Hà Nội đã có những hoạt động quân sự với nhiều tình huống chiến lược: chặn địch trước cửa ngõ Kinh thành với những yêu cầu khác nhau, khi thì tham gia cuộc rút lui chiến lược của triều đình và đại quân, yểm hộ cho cuộc rút lui chiến lược đó, khi thì chiến đấu trong lòng địch, vây hãm, tiến công địch giải phóng Kinh thành. Từ đó có thể thấy, quân và dân kinh thành có khi độc lập tác chiến, khi thì phối hợp, hiệp đồng với đại quân dưới sự chỉ huy chung của triều đình, trung ương, của bộ thống soái kháng chiến. Nhìn chung ở mọi hoàn cảnh, quân dân Thăng Long đều làm nên những chiến công, viết lên những trang sử sáng chói của mình. Vượt trên mọi khói lửa, bom đạn của quân thù, người Thăng Long – Hà Nội luôn luôn phát huy truyền thống yêu quê hương đất nước, luôn sẵn sàng xả thân để bảo vệ và giải phóng Kinh thành.
Với 1000 năm xây dựng và phát triển, trước hoạ ngoại xâm, quân và dân Thủ đô đã vượt qua bao thử thách. Qua tiến trình lịch sử của Thủ đô, chúng ta có thể thấy ông cha ta thường kết hợp xây dựng Thủ đô thời bình để chuẩn bị bảo vệ Thủ đô thời chiến, lại kết hợp xây dựng Thủ đô với bảo vệ Thủ đô ngay cả trong chiến tranh. Kinh nghiệm phong phú đó tạo nên sức mạnh và trí tuệ sáng tạo lớn trong quân, dân Thủ đô khi tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ và giải phóng Kinh đô - Thủ đô.
Để có cái nhìn cụ thể, sâu sắc về vùng đất Thăng Long – Hà Nội với những trang sử vẻ vang của từng giai đoạn, từng thời kỳ trong suốt 1000 năm lịch sử, bạn đọc có thể tìm đọc cuốn sách “Thăng Long – Hà Nội, những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm” do PGS.TS. Lê Đình Sỹ chủ biên. Cuốn sách thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được ấn hành năm 2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, là một phác hoạ quá trình lịch sử đấu tranh chống xâm lược của quân và dân Thủ đô. Đây là một đề tài tập trung nghiên cứu, thể hiện truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm trên địa bàn Thăng Long – Hà Nội và những hoạt động quân sự ngoài Thăng Long – Hà Nội có liên quan trực tiếp đến công cuộc chiến đấu bảo vệ, giải phóng Thủ đô. Trong cuốn sách này, giới thiệu các cuộc khởi nghĩa và kháng chiến, những hoạt động quân sự chủ yếu của quân và dân Thủ đô trong 1000 năm từ khi định đô, từ đời nhà Lý đến thời đại Hồ Chí Minh, khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cuốn sách có thể nói là tập hợp được tương đối hệ thống, đầy đủ những tranh sử vẻ vang chống ngoại xâm của quân và dân Thăng Long – Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng quốc phòng, chiến đấu bảo vệ và giải phóng Thủ đô trong lịch sử, qua đó rút ra những vấn đề có tính quy luật, những bài học lịch sử về xây dựng nền quốc phòng, tổ chức lãnh đạo, chỉ huy kháng chiến, bảo vệ và giải phóng Thủ đô; góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô; vận dụng các bài học lịch sử trong công cuộc xây dựng khu vực phòng thủ Hà Nội.
Quang Trần
Nhà xuất bản Hà Nội