Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ bảy, 16/05/2015 12:01
Thăng Long – Hà Nội với làng nghề, phố nghề thủ công truyền thống

Thăng Long là nơi hội tụ các làng nghề từ khắp mọi miền đất nước đổ về với 13 trại, 61 phường thời Lý - Trần, 36 phố phường thời Lê - Nguyễn. Những người thợ tài hoa đã mang theo cả gia đình, bạn bè họ hàng làng xóm lên mở nhà rồi lập phố. Bằng sức lao động cần cù và tài năng khéo léo đã làm ra được sản phẩm hàng hoá tinh xảo cung cấp cho dân chúng kinh kỳ và các vùng lân cận, làm cho phố phường ngày càng trở nên sầm uất.

 

 
Hơn đâu hết, đất Thăng Long xưa – Hà Nội nay là nơi tập trung đông đảo các làng nghề truyền thống. Sự phát triển của làng nghề không chỉ có vai trò nâng cao mức sống mà còn đóng góp quan trọng trong đời sống, là dấu ấn truyền thống văn hoá dân tộc tại mỗi thời kỳ dựng nước và giữ nước. Làng nghề thủ công ở Hà Nội có nhiều nguồn gốc khác nhau, những làng nghề có sẵn chiếm phần nhỏ trong tổng số làng nghề, còn lại phần lớn đều được du nhập từ nơi khác về…

Ngày nay, bộ mặt đô thị của khu phố cổ đã có nhiều thay đổi, nhưng những con phố nơi đây vẫn giữ nguyên cái tên thuở trước và không ít trong số đó vẫn là nơi buôn bán, kinh doanh những mặt hàng truyền thống cũ như Hàng Bạc với các mặt hàng, đồ trang sức được chế tác từ bạc rất đẹp và nổi tiếng. Hàng Thiếc với các mặt hàng sản phẩm của thiếc, Hàng Đồng với các hàng hoá được sản xuất từ nguyên liệu đồng, phố Thuốc Bắc bán các sản phẩm dược liệu… Sau khi Hà Tây được hợp nhất với Hà Nội, thành phố còn có thêm nhiều làng nghề danh tiếng khác và trở thành nơi tập trung làng nghề đông đúc bậc nhất Việt Nam. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2009, toàn Hà Nội có khoảng 1.270 làng có nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống với 47 nhóm nghề trên tổng số 52 nghề của cả nước. Có thể kể đến một số phố nghề, làng nghề truyền thống nổi tiếng hiện nay của Hà Nội như:

* Phố Hàng Bạc và nghề kim hoàn: Hàng Bạc là một phố nằm ở trung tâm Thành phố, thuộc khu phố cổ Hà Nội. Trước đây, phố Hàng Bạc có ba nghề khác nhau đó là nghề đúc bạc nén, nghề kim hoàn và nghề đổi tiền. Có thể coi Hàng Bạc là nơi tập trung những người thợ tinh xảo về kỹ thuật chế tác đồ vàng bạc của đất Kinh kỳ; phần đông họ xuất thân từ ba làng nghề vàng bạc nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam, đó là Châu Khê (tỉnh Hưng Yên), Định Công (huyện Thanh Trì – Hà Nội) và Đồng Sâm (tỉnh Thái Bình).

Với đồ nghề thủ công, người thợ kim hoàn ở phố Hàng Bạc đã làm ra nhiều sản phẩm vàng bạc tinh xảo, nhất là đồ trang sức. Người thợ kim hoàn ở Hàng bạc thường chạm khắc trên đồ vàng bạc theo các mẫu trang trí nhất định. Tứ linh (long, ly, quy, phượng) là loại mẫu phổ biến nhất. Riêng hình tượng con long (con rồng) đã được bàn tay khéo léo của nghệ nhân thể hiện với nhiều chủ đề khác nhau: Long hàm thọ (Long ngậm chữ thọ), Lưỡng Long tranh châu (hai con rồng tranh viên ngọc), Lưỡng Long chầu nguyệt (hai con rồng chầu mặt trăng) cùng với các mẫu trang trí khác như Bát vật (tám con vật), Bát bảo (tám vật quý), Bát quả (tám loại trái cây)… cũng được chạm khắc tinh xảo trên đĩa, mâm bằng vàng, bạc. Trên các đồ vàng, bạc, ta còn thấy người thợ kim hoàn chạm trổ hình ảnh con người, hoặc các loại hoa trái mà theo quan niệm phương Đông thì đó là tượng trưng cho những phẩm chất cao quý của người quân tử: tùng, trúc, cúc, mai…

Ngày nay, có thể thấy nghề buôn bán trao đổi vàng bạc không chỉ còn tập trung ở phố Hàng Bạc mà trên nhiều phố khác, cũng rải rác có các cửa hiệu buôn bán vàng; nhưng Hàng Bạc vẫn là nơi tập trung những người thợ kim hoàn tinh xảo với truyền thống chế tác đồ vàng bạc lâu đời.

* Làng đúc đồng Ngũ Xã: Có thể thấy từ lâu người dân đã biết đến câu vè: “Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Định Công, thợ đồng Ngũ Xã”. Ngũ Xã vốn là một làng nằm bên bờ hồ Trúc Bạch, phía tây Hà Nội. Ngũ Xã nghĩa là có 5 làng. Khoảng thời nhà Lê, dân 5 làng Đông Mai, Châu Mỹ, Long Tượng, Diên Tiên và Dao Niên thuộc huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) và Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) có nghề đúc thủ công, được triều đình trưng tập về kinh thành để lập xưởng đúc tiền và đồ thờ. Để ghi nhớ 5 làng quê gốc của mình, họ đặt nơi đây là Ngũ Xã.

Trình độ đúc đồng của thợ Ngũ Xã đã đạt được đỉnh cao. Ngoài sự thông minh sáng tạo, cái nhìn chuẩn xác, bàn tay khéo léo, người thợ thủ công Ngũ Xã còn có bí quyết nghề nghiệp và kinh nghiệm lâu đời. Sản phẩm đồ đồng Ngũ Xã nổi tiếng khắp nơi, trong đó nổi bật là pho tượng Phật Di Đà ở chùa Thần Quang tại làng Ngũ Xã. Đây là một tác phẩm nghệ thuật bằng đồng độc đáo và tinh tế. Thợ đúc đồng Ngũ Xã còn tạo ra nhiều tác phẩm khác cũng rất nổi tiếng như tượng Trấn Vũ bằng đồng đen ở chùa Quán Thánh (Hà Nội), chuông chùa Một Cột (Hà Nội). Ngoài ra, những đồ thờ bằng đồng như lư hương, chân đèn… cũng được cả nước đánh giá rất cao. Ngày nay, làng đúc đồng Ngũ Xã đã mai một, những gia đình còn theo nghề đúc đồng hiện cũng chỉ làm những mặt hàng thủ công mỹ nghệ như lư đồng, mâm đồng, chuông đồng… nhưng tất cả đều có kích thước nhỏ, trong đó một phần phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài.

* Làng giấy Yên Thái: Nằm ở phía Tây Hà Nội, làng Yên Thái còn có tên là làng Bưởi. Trong sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi viết vào năm 1435 đã nói đến nghề làm giấy của làng này. Ngay từ hồi ấy, người thợ thủ công ở đây đã làm ra những loại giấy đặc biệt cho triều đình phong kiến như giấy thị (để viết chỉ thị), giấy lệnh (để ghi mệnh lệnh). Những sản phẩm chủ yếu của Yên Thái là giấy bản để in sách hoặc để viết chữ Nho (bằng bút lông, mực tầu) và giấy dó (để in tranh dân gian).

Giấy dó Yên Thái có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ. Nó ít bị mối mọt hoặc giòn, gẫy, ẩm, nát. Giấy dó Yên Thái và nói chung giấy dó Việt Nam đã được xuất khẩu sang nhiều nước. Các hoạ sĩ Pháp đã sử dụng giấy dó khổ lớn để vẽ tranh bằng mực tầu theo phương pháp tranh cổ điển phương Đông. Một vài bảo tàng châu Âu cũng đã dùng giấy dó để lót bồi phía sau tranh vẽ. Với đặc tính chống ẩm rất cao, giấy dó giúp cho tác phẩm nghệ thuật không bị ẩm mốc. Nghề làm giấy ở Yên Thái hiện nay đang được phục hồi.

* Tranh Hàng Trống một trong những dòng tranh dân gian Việt nam được làm chủ yếu tại phố Hàng Nón, Hàng Trống của Hà Nội xưa.

Dòng tranh này cũng như các dòng tranh phổ biến khác đều có hai dòng chính là tranh thờ và tranh Tết, nhưng chủ yếu vẫn là tranh thờ dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng phục vụ đền, phủ của Đạo giáo như tranh thờ của Đạo Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giầy, Nam Định), tranh Tứ Phủ cộng đồng, Bà Chúa Thượng ngàn, Mẫu Thoải, Ngũ Hổ, Ông Hoàng cưỡi cá, cưỡi ngựa, cưỡi rắn, Ông Hoàng Mười, Bà Chúa Ba, Đức Thánh Trần… Loại tranh này thường được chạm bằng vàng hay bạc thật dát mỏng. Tranh Tết thì có Chúc phúc, Tứ quý,… Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, dòng tranh Hàng Trống xuất hiện từ khoảng 400 năm trước đây và chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hoá, tôn giáo của các vùng miền, cư dân, là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo, Nho giáo; giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình, chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá hàng ngày.

* Làng gốm Bát Tràng: Đây là ngôi làng cổ khoảng 500 tuổi, nằm bên tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm, thủ đô Hà Nội khoảng 10km, trước đây thuộc tỉnh Bắc Ninh nay thuộc huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Làng gốm Bát Tràng từ lâu đã nổi tiếng với sản phẩm gốm mang tên chính ngôi làng này. Từ khi những sản phẩm của làng gốm Bát Tràng ra đời đã được các bậc vương giả quyền quý ở kinh thành Thăng Long cho đến nông phu chân lấm tay bùn ở thôn quê đều ưa chuộng. Không những thế, nhiều đồ gia dụng thường ngày ở Bát Tràng còn vượt ra biên giới đất Việt. Từ thế kỷ XV, đồ gốm Bát Tràng có mặt trong lễ vật triều cống cho các hoàng đế Trung Hoa – nơi có truyền thống làm gốm sứ từ hàng ngàn năm trước và nổi tiếng khắp thế giới. Từ đó về sau, thời đại nào, dù suy hay thịnh, thì làng gốm Bát Tràng vẫn khẳng định giá trị hàng hoá của mình, nghề gốm vẫn trụ vững và vượt qua mọi thử thách. Sản phẩm gốm sứ Bát Tràng được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Nhật bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước trong khối EU. Nhiều sản phẩm gốm cổ Bát Tràng đang được lưu trữ tại một số viện bảo tàng lớn trên thế giới. Bát Tràng hiện nay không chỉ là một làng nghề sản xuất thuần tuý, với nhiều công trình tín ngưỡng, văn hoá cùng sản phẩm gốm nổi tiếng, ngôi làng trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn của thành phố Hà Nội.

* Làng lụa Vạn Phúc: Làng thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10km. Trải qua bao thăng trầm đổi thay, làng Vạn Phúc vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cổ truyền trên từng vân lụa, thớ vải. Nghề dệt vẫn được truyền từ đời này sang đời khác, góp phần tạo nên một nét văn hoá trang phục của người dân Việt Nam. Lụa tơ tằm của Vạn Phúc nổi tiếng với tên gọi lụa Hà Đông, có nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất Việt Nam. Có thể thấy, trong quá khứ lụa Vạn Phúc đã được lựa chọn là một trong những vật phẩm cao cấp dành cho vua chúa và quan lại. Trong thời kỳ thuộc Pháp, lụa Vạn Phúc còn theo chân những nghệ nhân tới tham dự các cuộc đấu xảo ở Pháp… và từ đó, lụa Vạn Phúc bắt đầu được biết đến trên toàn thế giới. Các phố Hàng Gai, Hàng Đào của Hà Nội là nơi tập trung nhiều của hàng bán sản phẩm lụa Vạn Phúc.

* Làng nghề mây tre đan Ninh Sở, nằm bên dòng sông Hồng lộng gió, Ninh Sở có khung cảnh đông vui nhộn nhịp hiếm thấy ở một làng quê vì nơi đây luôn có những đoàn khách nước ngoài đến thăm quan, đặt hàng và không ngớt trầm trồ khen ngợi trước bàn tay khéo léo, tài hoa của những người dân nơi khởi thuỷ của nghề tre đan nổi tiếng. Nghề tre đan Ninh Sở phát triển tinh vi đến mức các nghệ nhân có thể nhìn vào ảnh, nghĩ ra cách đan để tạo thành những bức tranh chân dung hoặc tranh phong cảnh. Đây không còn là hàng tre đan với nghĩa bình thường nữa mà là những tác phẩm nghệ thuật. Có lẽ cũng chính vì vậy, khách nước ngoài rất chuộng hàng tre đan ở đây và nghề đan lát Ninh Sở đang hứa hẹn một tương lại vô cùng tươi sáng.
* Làng nghề thêu Quất Động: Nghề thêu có ở nhiều địa phương, nhưng đạt đến trình độ tinh xảo và kỹ thuật điêu luyện thì không đâu bằng người làng Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Thợ thêu nói chung là những người thợ khéo tay có con mắt thẩm mỹ và hết sức cần cù, tỷ mỷ. Những đức tính ấy, năng khiếu ấy là yêu cầu cơ bản đối với mỗi người thợ thêu để có thể tạo ra các sản phẩm tinh tế, hoà hợp màu sắc và hoa văn trên nền lụa, vải. bàn tay thợ thêu Quất Động rất khéo, chỉ cần vẽ phác những đường mẫu trên vải bằng phấn mở, người thợ cầm kim thêu từng mũi, từng mũi dần dần hiện lên sinh động những hình tượng hoa lá, chim muông, mây nước với màu sắc tinh tế như một bức tranh vậy. Những sản phẩm của làng Quất Động rất tinh vi và hiện đại, thu hút rất nhiều khách hàng gần xa, nhất là thị trường các nước ở châu Âu.

* Làng nón Chuông: Đối với Việt Nam, tà áo dài, chiếc nón lá từ lâu đã là một biểu tượng tạo nên phong cách riêng, bản sắc văn hoá riêng. Khi nhắc đến nón lá, không thể không nhắc đến làng Chuông, cái nôi nghề làm nón lá Việt Nam, tồn tại và phát triển gần 400 năm. Làng Chuông thuộc huyện Thanh Oai (Hà Nội), bên dòng sông Đáy hiền hoà, có nghề truyền thống làm nón. Cách đây vài thế kỷ, nón làng Chuông nổi tiếng khắp Kinh Bắc với dáng đẹp và bền, mang đặc điểm riêng không ở đâu có. Nón làng Chuông xưa kia nổi tiếng còn bởi đã trở thành vật tiến cống vào Hoàng cung cho các bậc hoàng hậu, công chúa, các mệnh phụ phu nhân… Có thể khẳng định, nghề làm nón ở đây có từ lâu đời, nó tồn tại và phát triển để từng ngày, từng ngày tạo ra những chiếc nón đẹp trở thành vật biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam cùng với tà áo dài duyên dáng.

Bằng những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng, những năm gần đây, các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Và hiện nay, du lịch làng nghề đang được các cơ quan, ban ngành Thành phố quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất và ngày càng phát triển. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của các làng nghề truyền thống Hà Nội.

 
Khánh Thy

Nhà xuất bản Hà Nội