Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ bảy, 16/05/2015 12:03
Mậu dịch đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội thế kỷ XVII - XVIII

Kể từ sau cuộc Đại phát kiến địa lý, nền thương mại hàng hải xuyên đại dương quốc tế phát triển. Các quốc gia có nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển ven bờ Đại Tây Dương (Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp) mở những tuyến đường thám hiểm, buôn bán và truyền giáo sang phương Đông, trong đó có các nước châu Á. Việt Nam, Đàng Ngoài đã trở thành ngã tư, nơi gặp gỡ, trung chuyển giữa các nước và khu vực trong hệ thống mậu dịch châu Á với hai tuyến hải thương quốc tế Tây - Đông. Cùng với tiền cảng Phố Hiến, Thăng Long - Kẻ Chợ đã đóng một vai trò đáng kể trong các hoạt động mậu dịch đối ngoại Âu - Á trong vùng biển Thái Bình Dương này.

 
Đề cập tới mậu dịch đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội không thể không nhắc đến hoạt động của giới thương nhân Hoa kiều ở đất Kinh kỳ và việc buôn bán xuyên biên giới với Trung Quốc. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, Hoa kiều đã có mặt và sinh sống tại kinh thành Thăng Long từ khá sớm, số lượng ra tăng nhiều dưới thời thuộc Minh và Lê sơ trong thế kỷ XV. Một số Hoa thương Kẻ Chợ đã liên kết với những Hoa thương Phố Hiến, chuyển vận hàng hóa cho các tàu buôn ngoại quốc, cùng giao dịch với những chủ thuyền Hoa kiều chở hàng thuê cho các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh trên các tuyến giao thương từ Đàng Ngoài đến Nhật Bản hoặc Indonesia. Với tiềm lực về kinh tế, các thương nhân Hoa kiều ở Thăng Long - Hà Nội đã sớm định hình và phát triển các tuyến giao thương đường dài, hàng hóa bán buôn và hình thức bao mua trọn gói với nông dân và thợ thủ công để đưa hàng về giao dịch tại Trung Quốc. Hoa kiều vừa góp phần kích thích sự phồn vinh và mở rộng diện giao thương của nền kinh tế hàng hóa đô thị Thăng Long - Hà Nội nhưng đồng thời cũng lũng đoạn, làm thui chột đi sự phát triển của những yếu tố Việt bản địa trong kết cấu kinh tế đó.
 
Ngoài việc giao lưu mậu dịch với Hoa kiều, việc giao thương với Nhật Bản và các nước châu Á khác cũng khá phát triển tại Thăng Long - Hà Nội. Quan hệ giao thương Nhật - Việt tại Kinh thành xuất hiện khá sớm, vào khoảng đầu thế kỷ XVI. Thời Châu Ấn Thuyền (Shuinsen) (1592-1635) là giai đoạn nở rộ của mối quan hệ giao thương Nhật - Việt trong bối cảnh chính trị thuận lợi với tình hòa hảo giữa chính quyền Lê - Trịnh ở Thăng Long với nhà cầm quyền Nhật Bản. Những thuyền buôn của Nhật Bản đa phần là cỡ lớn, đem bạc, loại tiền Nhật Schuitjes, vũ khí mua đổi lấy tơ, mỗi chuyến có thể chở được tới 5.000kg tơ sống. Khoảng những năm 1636-1639, Nhật Bản thi hành chính sách đóng cửa, cấm xuất dương, xử tử những người Nhật vượt biên trái phép và những kiều dân Nhật ở nước ngoài trở về nước… nên việc buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa Nhật Bản và Đàng Ngoài, Kẻ Chợ phải gián tiếp qua những thuyền buôn của Công ty Đông Ấn Hà Lan..
 
Trong suốt hai thế kỷ XVII, XVIII, Thăng Long - Kẻ Chợ còn mở rộng việc giao thương kinh tế, trao đổi buôn bán hàng hóa (tơ lụa, đồ gốm, đồ đồng, trầm hương…) với một số các nước châu Á khác như Ấn Độ, Xiêm, Indonesia, Miến Điện,…
 
Việc giao thương với phương Tây được hình thành khá sớm, ngay đầu thế kỷ XVI các thương nhân Bồ Đào Nha đã đến chính thức đặt quan hệ với Đại Việt. Theo tác giả Frédéric Mantienne, từ 1626 đến 1660, hàng năm đều có một chuyến tàu buôn Bồ Đào Nha từ Macao nhổ neo đi tới Đàng Ngoài (Phố Hiến và Kẻ Chợ), mang theo hàng hóa và chở các giáo sĩ. Nửa sau thế kỷ XVII, vì nhiều lý do (quan hệ giữa Bồ Đào Nha và triều đình Thăng Long có phần xấu đi, sự cạnh tranh gay gắt của người Hà Lan và thị trường Trung Quốc), các tàu buôn Bồ Đào Nha đến Kẻ Chợ có phần thưa thớt và sang đến thế kỷ XVIII thì hầu như không còn lui tới nữa.
 
Thế kỷ XVII, Hà Lan trội vượt lên như một cường quốc thực dân Tây Âu và với hoạt động giao thương đường biển mạnh mẽ, họ được mệnh danh là “những người chở xe hàng trên biển”. Chuyến đi mở đầu cho quan hệ giao thương của người Hà Lan thuộc Công ty VOC với Đàng Ngoài và Kẻ Chợ là cuộc hành trình của phái bộ tàu Grol xuất phát từ thương điếm Hirado, Nhật Bản tới kinh thành Thăng Long năm 1637. Lái buôn Hà Lan rất có tài nghệ trong ứng xử kinh doanh như không quản ngại hàng đêm xuống từng hộ gia đình thợ dệt trong dân chúng để tìm cách thu mua tơ, đặt hàng dệt. Nhưng cuối thế kỷ XVII, tình hình buôn bán của thương điếm Hà Lan ở Kẻ Chợ gặp nhiều trục trặc, khó khăn và đầu năm 1700, Công ty VOC đã đóng cửa vĩnh viên thương điếm Kẻ Chợ và Phố Hiến về Batavia.
 
Cũng giống như Hà Lan, việc giao thương với khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng được người Anh tiến hành qua Công ty Đông Ấn Anh. Cũng như thương điếm Hà Lan, trong những năm đầu, thương điếm Anh ở Kẻ Chợ làm ăn khá suôn sẻ. Sau đó, do gặp các vấn đề khó khăn trong quan hệ giao tiếp với quan chức Đại Việt nên thương điếm Anh ở Kẻ Chợ chính thức đóng cửa năm 1679.
 
Dù có mặt ở Việt Nam sớm nhưng quan hệ giao thương của Pháp với Thăng Long - Kẻ Chợ lại diễn ra khá muộn, dưới triều vua Louis XIV nổi tiếng. Song do các hoạt động kinh tế song hành cùng hoạt động truyền giáo nên cuối cùng việc giao thương của Công ty Đông Ấn Pháp với Thăng Long dần đi vào suy thoái, thương nhân Pháp đã vắng bóng ở Thăng Long - Kẻ Chợ.
 
Những thế kỷ XVII, XVIII là thời kỳ phồn thịnh nhất của hoạt động mậu dịch Thăng Long - Hà Nội cả với phương Đông và phương Tây. Quan hệ mậu địch đối ngoại này đã có những tác động tích cực đối với kinh tế, xã hội đô thị, góp phần thay đổi bộ mặt phố phường, kích thích các hoạt động sản xuất thủ công nghiệp và thương mại nơi đây song do việc nhà nước nắm độc quyền, kiểm soát ngoại thương, những tác động đó không đủ mạnh để tạo được chuyển biến trong mô hình cấu trúc truyền thống của đô thị Thăng Long - Hà Nội.
 
 
Đỗ Giang
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)