Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ bảy, 16/05/2015 12:05
Múa Phật giáo Thăng Long - Hà Nội

Múa Phật giáo chủ yếu là loại múa nghi lễ, với những đặc trưng riêng biệt, độc đáo, tính nghệ thuật điêu luyện và là biểu hiện, ấn tượng văn hóa Phật giáo. Qua số liệu thống kê thì hiện ở Thăng Long – Hà Nội có tới hơn 500 ngôi chùa còn tồn tại, và đó cũng là cơ sở để loại hình nghệ thuật múa Phật giáo phát triển.

 
Chùa là biểu tượng quan trọng của Phật giáo, là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân Việt ở Thăng Long – Hà Nội. Dưới thời Lý, nghệ thuật kiến trúc chùa đình và Phật giáo nơi đây phát triển mạnh mẽ và Phật giáo trở thành quốc giáo có ý nghĩa văn hóa, xã hội nhân văn của toàn cư dân Thăng Long – Hà Nội. Tục xưa truyền rằng, Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) người sáng lập kinh thành Thăng Long, là một nhân tài được nuôi dưỡng từ cửa Phật. Ông thông minh tài giỏi, mới sáu, bảy tuổi đã lầu thông kinh sử, là học trò xuất sắc của sư Vạn Hạnh bên chùa Lục Tổ và được sư Vạn Hạnh, Lý Khánh Vân đỡ đầu, dạy bảo. Có lẽ bởi thế mà khi ông được triều đình suy tôn lên ngôi vua vào năm 1009, sau đó dời đô về thành Đại La năm 1010, đặt tên cho kinh đô là Thăng Long, ông đã rất chú trọng tới việc phát triển Phật giáo và chùa, tháp ở Thăng Long. Hệ thống chùa thời Lý đã là một trong những dấu ấn lịch sử văn hóa Phật giáo của người Hà Nội, và chính nơi đây là cội nguồn, là môi trường phát triển múa Phật giáo đặc sắc của người Việt.
 
Nghệ thuật múa Phật giáo là một thành tố, là một sản phẩm trí tuệ, sáng tạo văn hóa của Phật giáo, tồn tại trong sinh hoạt văn hóa Phật giáo, văn hóa cung đình và văn hóa dân gian. Nó là kết quả của hệ giá trị văn hóa, nghệ thuật, xã hội, giá trị thẩm mỹ, giá trị nhân văn, mang yếu tố bác học. Nghệ thuật múa Phật giáo rất phong phú, đa dạng, có tính thẩm mỹ, kỹ thuật cao, có quy ước khá chặt chẽ, ổn định và đặc trưng riêng biệt. Được thể hiện qua những động tác múa uốn, lượn, cuộn của đôi bài tay, cổ tay, cánh tay, đặc biệt là sự vận động của các ngón tay và chân đi lướt rất tuyệt mỹ. Theo tư liệu sử sách và thực thể tồn tại hiện có bốn điệu múa nghi lễ đó là: múa Lục cúng, múa Chạy đàn, múa Cầu siêu và múa Thiên Long bát bộ.
 
Các hình thái múa đó đều có chung mục đích là thờ cúng thần, thánh, giải thoát khổ đau, khát vọng hạnh phúc, ấm no, an lành ban cho muôn dân. Múa có yếu tố thiêng, trang nghiêm, có bài bản, luật lệ, có đối tượng, môi trường, không gian, thời gian trình diễn khác nhau, cách thức, quy mô khác nhau. Như điệu múa Lục cúng có nghĩa là sáu lần cúng với sáu vật phẩm khác nhau cùng với sáu bài hát (Phật giáo gọi là Tán) gồm: Tán đăng hoa, Tán hương phù, Tán đăng quả, Tán tri đăng, Tán phật điện và Tán khể thủ. Điệu múa này do hai sư thầy mặc áo cà sa, đội mũ thất phật thực hiện theo thứ tự: Hương – múa dâng bình hương, chân đi theo hình chữ nhật; Hoa – múa dâng bình hoa, chân đi theo hình chữ Hoa Hồi; Đăng – múa dâng đèn, chân đi theo hình chữ Á; Trà – múa dâng nước, chân đi theo hình chữ Thủy; Quả - múa dâng quả, chân đi theo hình chữ Vạn; Thực – múa dâng oản, chân đi theo hình chữ Điền. Động tác chủ đạo là đi lướt, tay uốn lượn, bắt ấn quyết còn gọi là Chân đàn – Tay ấn. Điệu múa này có giá trị về nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội và có ảnh hưởng sâu đậm trong tâm thức của tăng ni, phật tử, nó thường được trình diễn trong nghi lễ, hội chùa của người Việt đó là lễ Phật đản, mồng một, ngày rằm. Đặc biệt là ngày rằm tháng giêng, rằm tháng bảy. Chính bởi những giá trị của múa Lục cúng, nên các vương triều Việt Nam đã sử dụng nó trong các nghi lễ, chúc tụng trong sinh hoạt văn hóa cung đình, sử dụng để chúc tụng, ca ngợi, tạ ơn thánh, thần và gửi gắm ước vọng, nỗi niềm tâm linh của dân chúng.
 
Người Hà Nội cùng các vương triều ở Long Biên, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội đã tiếp nhận, phát triển văn hóa tín ngưỡng nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng và trong sinh hoạt văn hóa cung đình. Chúng đã trở thành những loại hình văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần, đời sống tâm linh của người Thăng Long – Hà Nội. Nghệ thuật múa Phật giáo mang dấu ấn lịch sử, được ngưng tụ ở Thăng Long – Hà Nội, nơi hội tụ hồn thiêng núi sông và lan tỏa văn hóa, nó được ví như viên ngọc quý long lanh trong kho tàng nghệ thuật múa Thăng Long – Hà Nội và kho tàng nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam.
 
Quý độc giả có thể tìm hiểu sâu hơn những điệu múa truyền thống của Thăng Long – Hà Nội, đặc biệt là các điệu múa trong loại hình múa Phật giáo qua cuốn Nghệ thuật múa Hà Nội – Truyền thống và hiện đại do PGS.TS.NGND Lê Ngọc Canh chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010.
 
 
Trần Thọ
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)