Những lời căn dặn của Người cho thủ đô Hà Nội sau ngày giải phóng
Sau ngày giải phóng, Hà Nội bắt tay vào công cuộc cải cách ruộng đất, ra sức khai phá ruộng đất bỏ hoang, đào mương đắp đập lấy nước chống hạn; phục hồi nghề thủ công và nghề phụ gia đình; phát triển chăn nuôi. Ngày 1-3-1956, Người về thăm bà con nông dân xã Trung Kính, Từ Liêm, Bác ân cần căn dặn: “Từ nay ruộng đất đã về tay nông dân, vậy ta phải làm ăn cho thật tốt. Muốn thế, mọi người phải luôn đoàn kết, có đoàn kết mới giữ vững được thắng lợi và đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Bà con ta lại phải cố gắng học văn hóa. Phải xây dựng thôn xã cho giài đẹp, mọi người đều có đủ áo ấm cơm no”. Trong buổi nói chuyện tại Hội nghị sơ kết công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất ở ngoại thành Hà Nội ngày 29-5-1957, Người nhấn mạnh: Cải cách ruộng đất thắng lợi đem lại ruộng đất cho nông dân, nhưng có sai lầm; có sai thì có sửa, mà sửa thì nhất định phải sửa được. Đến giữa năm 1957, công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất ở Hà Nội về cơ bản hoàn thành, đưa nông nghiệp và nông thôn miền Bắc nói chung và nông thôn ngoại thành Hà Nội nói riêng bước vào thời kỳ phát triển mới. Ngày 31-10-1959, Người về thăm Hội nghị rút kinh nghiệm công tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp toàn miền Bắc tổ chức tại Thanh Oai, Người nói: “Trước hết ta cần nhận rõ mục đích của việc tổ chức hợp tác xã là gì? Là để cải thiện đời sống nông dân, làm cho nông dân được ấm no, mạnh khỏe, được học tập, làm cho dân giàu nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Đó là mục đích riêng và mục đích chung của việc xây dựng hợp tác xã” Người nói tiếp: “Muốn ăn quả thì phải trồng cây. Muốn ăn no, mặc ấm, đời sống cải thiện, cần phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Muốn tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải tổ chức, quản lý hợp tác xã cho tốt”.
Ngành giáo dục Thủ đô sau giải phóng đã nhanh chóng ổn định trường, lớp, duy trì việc giảng dạy và học tập một cách bình thường. Ngày 18-12-1954, Bác tới thăm và nói chuyện với nam nữ thanh niên học sinh các trường trung học Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trưng Vương. Đến từng trường, Người ân cần chuyện trò với các thầy cô giáo và các em học sinh. Người nêu bật vai trò quan trọng và nhiệm vụ của thanh niên Việt Nam trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội mới. Trong bài viết “Bình dân học vụ” đăng trên báo “Nhân dân” ngày 16-2-1955, Người biểu dương công tác bình dân học vụ ở Hà Nội, đồng thời nhắc nhở: “Bình dân học vụ là phong trào của quần chúng, nhưng các ngành và đoàn thể như: Bộ Giáo dục, các nhà trường, đoàn thanh niên, công đoàn, nông hội… nên có kế hoạch đầy đủ và thiết thực để khuyến khích và lãnh đạo phong trào”. Và để nắm bắt tình hình công tác bình dân học vụ trên địa bàn Hà Nội, Bác còn xuống tận các ngõ xóm, khu phố thăm các lớp học bình dân, các trường học của thành phố. Nói chuyện với giáo viên, học sinh trường Trung cấp kỹ thuật Hà Nội vào ngày 26-1-1957, Bác căn dặn: “Các cháu cần ra sức học tập để sau này phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Vì trong việc xây dựng kinh tế hiện đang cần nhiều cán bộ kỹ thuật”. Cũng trong ngày này, Bác ân cần đến hỏi thăm tình hình sức khỏe, giảng dạy và học tập của giáo viên học sinh trường Trung học Hoa kiều (nay là Trường phổ thông trung học Phạm Hồng Thái), người khuyên nhủ: “Các em cần ra sức học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt và hãy ra sức thắt chặt hơn nữa mối tình đoàn kết Việt – Hoa”. Người cũng đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn nét đẹp văn hóa của Thủ đô. Trong thư gửi Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, ngày 24-1-1958 Người nhấn mạnh: “Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục làm cho Thủ đô ta ngày thêm tươi đẹp, phồn thịnh và trở nên một thành phố gương mẫu cho cả nước”.
Lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe của nhân dân thủ đô Hà Nội sau ngày giải phóng cũng dược Thành ủy Hà Nội, Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt trú trọng. Ngày 15-12-1954, vào lúc 17 giờ, Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội vinh dự được đón Bác Hồ tới thăm. Tới bệnh viện, Người không qua chỗ họp – nơi mọi người tập trung để đón Người, mà Bác tới ngay nhà bếp. Người hỏi tỉ mỉ số bệnh nhân, số anh chị em cấp dưỡng, việc nấu cơm, việc củi nước, Người khuyên anh chị em ra sức tiết kiệm của công, nấu cơm ngon, canh ngọt cho bệnh nhân. Qua phòng thí nghiệm vi trùng, Người khuyên ngoài việc nghiên cứu còn tìm thêm các thứ thuốc chữa bệnh. Qua phòng bệnh nhân, người ân cần thăm hỏi, chúc mọi người yên tâm chữa bệnh cho mau khỏi. Sau chuyến thăm này, Bác gửi tặng cho Bệnh viện Bạch Mai 5 thùng đường và 5 chai mật ong. Trên báo Nhân dân ngày 11-6-1955, đăng bài viết của Bác “Phong trào thi đua ở các nhà thương”, Người đề cao nhiệm vụ vẻ vang của người thầy thuốc nhân dân: “Đối với nhân dân, cán bộ nhà thương là những chiến sĩ chống giặc bệnh tật. Với tinh thần đoàn kết chặt chẽ và thi đua bền bỉ giữa các nhà thương với nhau, chắc rằng chiến sĩ y tế sẽ làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang”. Đến ngày 2-6-1956, nhân dịp Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô được khánh thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở lại thăm và nói chuyện với các thầy thuốc, cán bộ, công nhân viên bệnh viện và các chuyên gia Liên Xô đang công tác tại đây. Người căn dặn: “Các thầy thuốc Việt Nam phải học tập chuyên môn kỹ thuật và tinh thần lao động của các chuyên gia Liên Xô, phải thực hiện tốt khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu””. Rời Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô, Bác đến thăm lại Bệnh viện Phủ Doãn. Người nhắc nhở: “Các cô, các chú phải hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh; phải đoàn kết giúp đỡ nhau trong công tác và phải hăng hái thi đua làm tốt mọi việc để nghành y tế của ta ngày càng tiến bộ”.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự nhiệt tình, cố gắng của nhân dân Hà Nội, sự giúp đỡ tích cực của các ngành, các địa phương… công tác tiếp quản Thủ đô đã hoàn thành nhanh gọn; an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững, cuộc sống của Thủ đô nhanh chóng trở lại bình thường. Hà Nội bước sang một giai đoạn mới – giai đoạn khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, cùng với toàn miền Bắc quá độ lên Chủ nghĩa xã hội.
Trần Thọ
Nhà xuất bản Hà Nội