Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ bảy, 16/05/2015 12:16
Truyền thuyết – Dấu ấn riêng truyện dân gian Hà Nội

Là trung tâm chính trị - văn hóa lớn của cả nước, Thăng Long - Hà Nội luôn mang trong mình những giá trị văn hóa tinh thần vô giá của mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, thủ đô vẫn luôn là nơi hội tụ và kết tinh của văn hóa dân tộc. Đã có rất nhiều tài liệu nghiên cứu, nhiều sách viết về mảnh đất rồng bay năm xưa, trong bài viết này, người viết tiếp cận lịch sử ngàn năm của nơi đây dưới góc nhìn của các câu chuyện truyền thuyết. Thông qua những câu chuyện truyền thuyết bản sắc văn hóa của mảnh đất Kinh kỳ càng thêm phần lung linh và huyền ảo.

 
Nói về thể loại truyền thuyết có lẽ không một định nghĩa, ý kiến nào sâu sắc và xác đáng như ý kiến của Thủ tướng Phạm Văn Đồng được đăng trên Báo Nhân dân ngày 29-4-1969 nhân ngày giỗ Tổ vua Hùng: “Những truyền thuyết dân gian thường có một cái lõi là sự thật lịch sử mà nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó là tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng, chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian, làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời con người yêu thích”.
 
Có thể nói, truyền thuyết về Hà Nội khá phong phú ngoài nguồn truyền miệng lưu truyền trong dân gian nguồn chủ yếu vẫn là các truyền thuyết được lưu giữ trong các sách Hán Nôm và các văn bản thần tích. Tiêu biểu trong số đó là hai cuốn truyền thuyết thời cổ được biên soạn sớm nhất trong đó có nhiều truyện cổ Hà Nội đó là: Việt điện U LinhLĩnh Nam chích quái.
 
Sách Việt điện U Linh được soạn thời Lý – Trần với những truyền thuyết cổ đại được thu thập từ các bộ sưu tập của những tác giả thời Bắc thuộc tiêu biểu như: Giao Chỉ ký của Triệu Xương và Tăng Cổn đời Đường, thế kỷ thứ IX có Giao Chỉ ký, Báo cực truyện…
 
Còn ở trong cuốn sách Lĩnh Nam chích quái được biên soạn khoảng thời Trần – Lê thì số lượng truyện viết về Hà Nội cổ chiếm tới hai phần ba cuốn sách có nhiều truyện rất hay và tiêu biểu cả về mặt tư tưởng và nghệ thuật.
 
Ở thể loại thần tích thì hầu như đình, chùa, đền, sông, hồ… của Hà Nội đều có truyền thuyết, thần tích, thần phả. Đây là một nguồn truyền thuyết khá dồi dào của trung tâm văn hóa này.
 
Khi tìm hiểu về các câu truyện truyền thuyết Hà Nội, chúng ta sẽ nhận thấy các truyền thuyết ở đây cũng có một hệ thống sự tích các nhân vật từ thời Hùng Vương cho đến thời Đại Việt. Đó là truyện Bảy cây gạo với truyền thuyết từ thời cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, dấu tích về bảy cây gạo hiện không còn nhưng vẫn để lại dấu ấn trong bài phú ca ngợi cảnh đẹp của hồ Tây được Nguyễn Huy Lượng làm theo lệnh vua Quang Toản vào tháng 6 năm Tân Dậu (1801). Sau này truyền thuyết Bảy cây gạo đã được dân gian truyền thuyết hóa nhưng đây vẫn được coi là dấu tích của thời kì Việt cổ. Đó là những truyền thuyết: Lý Thái Tổ, Truyện Chu Văn An, Sự tích chùa Một Cột, Lê Quý Đôn, Chùa Trấn Quốc… mang đậm dấu ấn của thời kì Đại Việt được lưu truyền cho đến tận ngày nay.
 
Nói về truyền thuyết của Hà Nội sẽ thật thiếu xót nếu không đề cập đến hai truyền thuyết xứng đáng được coi như truyền thuyết có giá trị tiêu biểu của vùng đất này là Truyện sông Tô Lịch và Thần chính khí Long Đỗ. Hai truyện không đơn thuần là xảy ra trên mảnh đất Hà Nội cổ mà nó còn có ý nghĩa quan trọng về mặt tư tưởng phản ánh ý thức dân tộc mạnh mẽ trong việc chống quân xâm lược, không cho ngoại bang được phép xây thành, đắp lũy trên đất đai của nước Việt, không đồng tình với việc đặt đô hộ lâu dài của quân phương Bắc lên vùng đất dân tộc.
 
Khác với các vùng truyền thuyết có tính chuyên biệt như vùng truyền thuyết Hùng Vương với các truyện liên quan chủ yếu đến các vị vua Hùng và vùng đất Phong Châu – Phú Thọ, hay vùng thể loại truyền thuyết Lam Sơn với các đời vua Lê và vùng đất Lam Sơn lịch sử…Vùng truyền thuyết Hà Nội do phụ thuộc chặt chẽ vào hoàn cảnh địa lý – lịch sử đã mang tính đa dạng, phức hợp mà không chuyên biệt. Sau khi vua Lý Công Uẩn rời cố đô Hoa Lư về mảnh đất Thăng Long, việc định đô về đây có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hưng văn hóa, quy tụ nhiều hiền tài, nhân dân khắp nước về làm ăn và sinh sống đã tạo nên một thủ đô tráng lệ, huy hoàng trong lịch sử với 36 phố nghề. Mỗi nghề lại có một ông tổ để thờ phụng và mỗi tổ nghề, lại là có một truyền thuyết. Vì thế, kho tàng truyền thuyết dân gian Hà Nội phong phú hơn và các nhân vật truyền thuyết theo đó lại càng đông đảo hơn.
 
Một truyện truyền thuyết có thể kể về nhiều nhân vật khác nhau và ngược lại một nhân vật có thể kể bằng nhiều truyền thuyết với nhiều dị bản khác nhau tùy theo từng giai đoạn lịch sử. Quý độc giả có thể tìm đọc những truyện truyền thuyết trong cuốn sách Truyện kể dân gian Hà Nội do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành để có thêm một cách tiếp cận nữa, để hiểu hơn về bản sắc văn hóa riêng, hiếm có của Hà Nội – thủ đô ngàn năm văn hiến.
 
 
Bảo Hà
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)