Thăng Long – Đông Đô đầu thế kỷ XV – thời nhà Hồ và âm mưu xâm lược của nhà Minh
Nhà Hồ nắm quyền cai quản trong điều kiện không mấy thuận lợi: đất nước đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Sự phát triển mạnh của chế độ điền trang thái ấp cuối thời Trần khiến diện tích đất công làng xã ngày càng bị thu hẹp. Ruộng đất thuộc sở hữu tư nhân mở rộng cùng với sự phát triển của chế độ nông nô, nô tỳ đe doạ sự tồn tại của nhà nước trung ương tập quyền. Sản xuất nông nghiệp sau nhiều năm không được nhà nước quan tâm đầy đủ cùng thiên tai hạn hán liên tiếp xảy ra khiến nền kinh tế chủ đạo của đất nước bị sa sút, đời sống của đông đảo cư dân khốn khó. Nông dân nghèo, nông nô, nô tỳ là những người bị bóc lột nặng nề và khổ cực nhất. Bị dồn đến đường cùng, họ vùng lên đấu tranh. Các cuộc nổi dậy khởi nghĩa diễn ra ở nhiều nơi. Tình trạng xã hội mất ổn định ngày càng trầm trọng. Trong khi đó, độc lập và chủ quyền quốc gia bị đe doạ cả ở hai đầu đất nước – phía Bắc và phía Nam.
Trước những bất ổn về kinh tế, chính trị xã hội của đất nước cùng sự chống đối quyết liệt của quý tộc nhà Trần và hiểm hoạ ngoại xâm đang đến gần, Hồ Quý Ly, từ trước khi lên ngôi vua đã có ý định dời đô khỏi đất Thăng Long. Năm 1397, ông cho xây dựng một đô thành mới ở An Tôn (nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hoá). Sau ba tháng công việc hoàn thành, Hồ Quý Ly đưa vua Trần Thuận Tông về đóng đô ở đây. Đô thành mới được gọi là Tây Đô (thường gọi là thành nhà Hồ), trở thành kinh đô Đại Việt trong những năm cuối triều Trần và thời nhà Hồ.
Thăng Long, “nơi có núi Tản Viên, có sông Lô sông Nhị, núi cao sông sâu đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất ấy làm nơi sâu gốc bền rễ” được đổi gọi là Đông Đô. Lần đầu tiên sau 400 năm, Thăng Long không còn là kinh đô của quốc gia Đại Việt nữa. Nhưng tuy mất vị thế trung tâm chính trị của cả nước, Thăng Long – Đông Đô vẫn là trung tâm lớn nhất của đất nước, nơi hội tụ của bốn phương vì Tây Đô ở “nơi chật hẹp hẻo lánh, cuối nước đầu non” (Lời can của Nguyễn Nhữ Thuyết, Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb KHXH, H.1998, tr.191), thiên về là một đô thành quân sự nên khó có thể thay thế được vị thế của Đông Đô.
Lên ngôi sau một thời gian ngắn, trong khi triều chính chưa thật sự ổn định, tình hình mọi mặt của đất nước đang gặp nhiều khó khăn, Hồ Quý Ly và triều thần lại phải lo đối phó với phong kiến Đại Minh đang có mưu đồ đánh chiếm nước ta. Đây là một thử thách quá lớn đối với triều Hồ và dân tộc ta trong những năm đầu thế kỷ XV.
Nhà Minh được thành lập năm 1368 sau khi Chu Nguyên Chương chiếm được toàn bộ đất Trung Hoa. Trải qua một thời gian củng cố nền thống trị trong nước, đến đời vua Minh Thành Tổ (1402-1424), phong kiến Minh đạt đến giai đoạn cường thịnh và có xu hướng mở rộng lãnh thổ, bành trướng thế lực ra bên ngoài để thực hiện tham vọng “bình thiên hạ”. Đại Việt liền kề ở phía Nam là một trong những mục tiêu trước tiên của đạo quân xâm lược Đại Minh vì chiếm được Đại Việt, con đường tiến xuống các quốc gia ở vùng Đông Nam Á sẽ rộng mở đối với chúng.
Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của Đại Việt, ngay từ năm 1377, nhà Minh đã tính chuyện đem quân tiến vào nước ta nhưng sau khi bàn tính, một số triều thần cho rằng thời cơ chưa đến nên tạm hoãn. Đầu thế kỷ XV, nhân cơ hội nhà Hồ mới thành lập đang gặp nhiều khó khăn, triều Minh coi đây là thời điểm thích hợp cho việc thực hiện kế hoạch mở rộng lãnh thổ xuống phương nam, vua Minh quyết định đánh chiếm Đại Việt.
Kế hoạch xâm lược của nhà Minh được xúc tiến từng bước, mở đầu bằng những chiêu bài thăm dò, mua chuộc dụ dỗ, tiến đến đe doạ, uy hiếp,
Ngay sau khi lên ngôi, Minh Thành Tổ liên tiếp phái sứ giả đến nước ta, khi đưa ra yêu sách đòi cống phẩm, lúc đòi người, đòi của, khi trách hỏi nhà Hồ về việc cướp ngôi… Những hành động của các sứ Minh khiến triều Hồ “rất vất vả về việc tiếp ứng”.
Năm 1404, nhà Minh sai Lý Kỳ sang tra hỏi triều Hồ về việc Trần Thiêm Bình (kẻ đã từng theo quân Chiêm khi chúng sang đánh nhà Trần, sau đó chạy sang nhà Minh tự nhận là con vua Trần Nghệ Tông), những thực chất là để dò xét tình hình trong nước. Phát hiện được âm mưu của bọn Lý Kỳ, khi chúng trở về nước, nhà Hồ cho Phạm Lục Tài đuổi theo giết nhưng Lý Kỳ đã ra khỏi biên giới.
Năm 1405, nhà Minh bắt nhà Hồ phải cắt trả đất châu Lộc (nay thuộc Lạng Sơn) cho chúng với lý do đây là đất cũ của Trung Quốc. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm 1405, nhà Minh sai sứ sang đòi cắt trả lại đất Lộc châu ở Lạng Sơn. Bấy giờ thổ quan phủ Tư Minh, Quảng Tây là Hoàng Quảng Thành báo lên rằng Lộc châu là đất cũ của phủ ấy”.
Trong tình thế thực lực còn chưa đủ mạnh, nhà Hồ phải chấp nhận một số yêu sách của nhà Minh nhằm thực hiện chiến lược hoà hoãn để có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc mà những người đứng đầu vương triều biết là không thể tránh khỏi.
Không khuất phục được vương triều Hồ, vua Minh chủ trương xâm lược bằng vũ lực. Chuẩn bị cho việc tiến quân, nhà Minh đưa một số người Việt (đã bị đưa sang theo yêu sách của triều Minh) trở về nước do thám tình hình, liên hệ và dụ dỗ người thân nhằm tạo nên một lực lượng làm nội ứng khi quân Minh kéo vào.
Mưu đồ xâm chiếm nước ta của nhà Minh bộc lộ rõ và nguy cơ xâm lược ngày càng đến gần. Vận mệnh của đất nước và của Thăng Long – Đông Đô sắp phải trải qua một thử thách cực kỳ ác liệt do cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh gây ra. Việc phòng chống giặc phương Bắc ngày một trở nên cấp bách. Hồ Quý Ly cùng vương triều tích cực chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược. Nhưng cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh của vua tôi nhà Hồ thất bại. Những tháng cuối năm 1407, bị quân Minh truy quét và chặn cả hai đường thuỷ, bộ, Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương cùng các tướng lần lược bị sa vào tay giặc. Đông Đô cùng toàn bộ đất nước ta bị quân Minh chiếm đóng và đặt ách cai trị.
Gia Bách
Nhà xuất bản Hà Nội