Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 21/05/2015 11:37
Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội

Nghiên cứu con người – sự nghiệp – tư tưởng Hồ Chí Minh không thể tách rời với vùng đất Thủ đô; cũng như nghiên cứu lịch sử Hà Nội không thể thiếu Hồ Chí Minh – vì Người đã góp phần làm nên lịch sử ấy. Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh nhật Bác (19.5.1890 – 19.5.2015), chúng ta hãy cùng tìm hiểu mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Thủ đô ngàn năm văn hiến qua tác phẩm “Hồ Chí Minh với Thủ đô Hà Nội” trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến của Nhà xuất bản Hà Nội do GS.TS. Phùng Hữu Phú và PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc đồng chủ biên.


Hà Nội từ xưa đã là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước. Là nơi “Thắng địa… then chốt của bốn phương hội họp, là đô thành bậc nhất của đế vương muôn đời” (Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn), do đó vị trí trung tâm của Hà Nội đối với cả nước đã được tạo lập trải qua hàng ngàn năm. Cũng bởi thế mà vùng đất này luôn bị các thế lực thù địch nhăm nhe dòm ngó. Dưới thời Hồ Chí Minh, thực dân Pháp cũng sớm nhận ra vị trí trọng yếu của Hà Nội trong việc thiết lập nền thống trị của chúng sau này. Chúng thấy rằng chỉ khi nào đánh chiếm được Hà Nội thì mới kết thúc được cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và âm mưu thôn tính Việt Nam của chúng mới trở thành hiện thực.

Ngay từ những ngày đầu tiên trở về Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian để tiếp xúc đại biểu của các tầng lớp nhân dân Thủ đô để qua buổi tiếp xúc đó, Người muốn nhắn gửi mong muốn của mình, cũng là mong muốn của Đảng và Chính phủ vào sự cố gắng, nỗ lực của nhân dân Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, thử thách của một giai đoạn cách mạng mới, với nhiều đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước. Trong tình cảm của mình, Người luôn đặt niềm tin lớn lao vào các tầng lớp nhân dân của Hà Nội, đồng thời cũng nêu lên những đòi hỏi cao đối với Thủ đô trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ đặt ra của cách mạng, với mong muốn Hà Nội luôn là tấm gương, là lực lượng dẫn đầu nhân dân cả nước trong các hoạt động cách mạng.

Trong buổi gặp gỡ và nói chuyện với đại biểu cán bộ, công nhân viên chức Thủ đô Hà Nội ngày 30-11-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”. Người nhấn mạnh, muốn vậy 4 điều cán bộ, công nhân viên chức cần ghi nhớ và thực hiện là: Cần, Kiệm, Liêm. Chính. Những lời căn dặn và yêu cầu của Người đối với cán bộ, công nhân viên chức Thủ đô là những lời nói thực sự tâm huyết với mong muốn xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp. Thực hiện lời căn dặn và nhắc nhở của Người, cán bộ, công nhân viên chức Thủ đô đã xây dựng chương trình hành động cách mạng nhằm thực hiện tốt những điều cần làm mà Người nêu, góp phần vào phong trào thi đua chung của cả nước, hoàn thành nhiệm vụ chính trị lớn trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

Sau ngày ký kết Hiệp định chuyển giao Hà Nội về quân sự, trật tự, hành chính giữa Việt Nam và Pháp, trước khi các đơn vị bộ đội và công an vào thành phố Hà Nội, Người ân cần căn dặn: “Ở thành thị tình hình phức tạp, có nhiều sự quyến rũ làm cho con người dễ mê muội, hủ hóa, trụy lạc. Để tránh những cạm bẫy nguy hiểm, để làm tròn nhiệm vụ cao quý của quân đội nhân dân, công an nhân dân, toàn thể cán bộ và chiến sĩ ta phải nhớ: Chớ tự kiêu, tự mãn; chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện; chớ để lộ bí mật; chớ xa xỉ, tham ô, lãng phí; phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiễn sĩ cách mạng; phải thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; phải làm đúng 10 điều kỷ luật; phải luôn cảnh giác, và phải thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng” (Trích: Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 2002, tập 7, tr 359). Chăm lo tới công tác xây dựng Đảng vững mạnh, Người luôn mong muốn: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các Đảng bộ khác. Đảng bộ Hà Nội gương mẫu sẽ góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững mạnh đấu tranh giành thống nhất nước nhà”.

Có thể thấy rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, Người luôn luôn đề cao và nhắc nhở về vai trò là đầy tớ của nhân dân đối với tầng lớp lãnh đạo, cán bộ… dù ở bất cứ vị trí nào, chức vụ nào, bốn đức tính cần, kiệm, liêm, chính là thước đo, là tôn chỉ mục đích cho mọi hành động của mỗi cá nhân, tập thể, tổ chức. Với tư cách là một vị Chủ tịch nước, nhưng phong thái, cử chỉ và những lời căn dặn của Người đối với Đảng bộ và nhân dân thủ đô Hà Nội thể hiện sự quan tâm của Người đối với Thủ đô từ việc lớn là thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đến những việc nhỏ liên quan tới cuộc sống thường ngày của nhân dân, đặc biệt là đối với người lao động.

Hà Nội có vinh dự, tự hào là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, cũng là nơi Người dành những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Các ngành, các giới, đủ mọi lứa tuổi: công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên, phụ nữ, phụ lão, thiếu niên, nhi đồng, các chiến sĩ lực lượng vũ trang, đồng bào các tôn giáo… đều nhận được sự thăm hỏi động viên, chỉ bảo ân cần của Người. Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thêm sức mạnh để thủ đô Hà Nội vượt qua những thử thách, khó khăn, giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước.

Hà Nội dẫu chỉ là “Quê hương thứ hai” của Người, nhưng lại là mảnh đất mà Hồ Chí Minh lưu lại nhiều nhất với tất cả tình cảm, trí tuệ, đạo đức, nhân cách và cả chính bản thân Người! Trong chiều dài lịch sử của 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, Hà Nội là thủ đô của đất nước vì thế tình cảm của Bác với nhân dân Hà Nội cũng chính là tình cảm của Bác với nhân dân cả nước. Chính nơi đây đã ghi lại nhiều nhất, rõ nhất và quý giá nhất những gì thuộc về Bác với thời gian, với đất nước. Bác ra đi nhưng hình ảnh tư tưởng, tình cảm, phong cách của Người còn in đậm trong trái tim mỗi người dân thủ đô. Đã có nhiều bậc vĩ nhân, những anh hùng hào kiệt của đất nước hội tụ về đây, nơi trung tâm của “trời đất và lòng người”! Nhưng con người lớn nhất của mọi thời đại lịch sử cho đến ngày nay trên đất Hà Nội nghìn năm văn hiến là Hồ Chí Minh. Vẫn như đang thấy giữa lòng Hà Nội một Hồ Chí Minh huyền thoại, với các tầng lớp nhân dân thủ đô Hà Nội cũng trở thành huyền thoại của lịch sử.

 
Trần Thọ

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)