Truyền thống yêu nước của nhân dân Hà Nội trong cuộc Tổng khới nghĩa tháng Tám năm 1945
Truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam là nét nổi bật trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, là di sản quý báu của dân tộc được hình thành từ rất sớm, được củng cố và phát huy qua hàng ngàn năm lịch sử. Kế thừa và phát triển truyền thống tốt đẹp ấy, nhân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, từ Trung ương đến Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội đã được nâng lên tầm cao mới, đồng sức đồng lòng trong cuộc chiến đấu kết thúc 80 năm bị ngoại bang đô hộ và chế độ phong kiến tồn tại lâu dài trên đất nước ta.
Nhìn lại lịch sử 15 năm (1930 – 1945) về bối cảnh lịch sử cũng như những yếu tố tạo nên nhân cách con người Hà Nội. Hà Nội vốn là một địa bàn chiến lược quan trọng bậc nhất của toàn xứ Đông Dương nên trong mọi giai đoạnh lịch sử đấu tranh, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và xứ Ủy Bắc Kỳ giành rất nhiều thời gian, sức lực để lãnh đạo nhân dân thành phố Hà Nội. Mặt khác, kinh đô xưa vẫn là nơi hội tụ của nhiều tầng lớp xã hội, bên cạnh lực lượng lao công đông đảo, còn nhiều giai tầng thuộc tầng lớp trên trong xã hội thuộc địa lúc bấy giờ. Địa vị xã hội, mức sống, văn hóa, dẫn đến trình độ nhận thức và chính kiến của các bộ phận cũng có nhiều khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết trong số họ đều có lòng căm thù giặc sâu sắc, đều bị đàn áp dù ít dù nhiều trong suốt những năm bị đô hộ vì thế họ có tinh thần yêu nước và có truyền thống bất khuất trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Hòa chung vào các phong trào khởi nghĩa của cả nước đấu tranh chống thực dân Pháp những năm 1930 - 1945, tại Hà Nội cũng có rất nhiều đảng phái, tổ chức chính trị khác nhau ra đời nhằm đấu tranh đánh đổ thực dân Pháp và ách thống trị lâu dài của chủ nghĩa phong kiến, nhưng mỗi tổ chức này có những cương lĩnh chính trị để hướng nhân dân theo mình lại khác nhau. Điều này chứng tỏ các tổ chức, đảng phái đều mang trong mình truyền thống yêu nước, tuy nhiên họ có cách nhìn và cách đấu tranh giành chính quyền lại không thống nhất. Yêu cầu cấp thiết của lịch sử là phải có một tổ chức có cương lĩnh chính trị đúng đắn để tập hợp mọi tầng lớp nhân dân tham gia cuộc kháng chiến, Mặt trận Việt Minh đã ra đời đáp ứng được mong mỏi này. Nhiều người dân Hà Nội đã được giác ngộ đường lối cách mạng của Đảng tham gia tích cực vào hoạt động của Mặt trận Việt Minh.
Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ và Thành ủy Hà Nội đã xác định rõ nòng cốt chính của lực lượng cách mạng tại Hà Nội là liên minh công nông, từ đây sẽ mở rộng, kêu gọi sự ủng hộ, tham gia của tầng lớp xã hội khác. Các tầng lớp trên như: tư sản, trí thức, nhân sĩ… đều có chung một nỗi nhục bị mất nước nên khi có một tổ chức lãnh đạo họ sẵn sàng ủng hộ và tham gia, có rất nhiều người thuộc các tầng lớp này đã tham gia Mặt trận Việt Minh, họ là những thành phần tích cực góp phần không nhỏ vào thành công của cuộc Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội. Một lực lượng quan trọng khác tham gia phong trào cách mạng là thanh niên, học sinh Hà Nội, nhóm trí thức trẻ, đầy nhiệt huyết, tham gia các phong trào một cách quyết liệt dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã đạt được hiệu quả tốt, khích lệ tinh thần của quân và dân thủ đô.
Có thể nói, việc huy động được đông đảo lực lượng để làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám tại Hà Nội – một địa phương có nhiều tầng lớp xã hội sinh sống, là một trong những yếu tố thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ và thành ủy Hà Nội, biết khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lòng căm thù giặc sâu sắc của nhân dân để họ cùng dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bằng cuộc nổi dậy của hàng chục vạn quần chúng cách mạng Hà Nội vào mùa thu lịch sử năm 1945, đã đánh bại kẻ thù ngay tại trung tâm đầu não của chúng trên toàn Đông Dương. Đây chính là tiền đề căn bản cho các tỉnh, thành phố khác cùng tham gia giành chính quyền. Truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc được người dân Hà Nội phát huy và được khẳng định qua những giai đoạn thăng trầm của đất nước và trong thời kì xây dựng Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Bảo Hà
Nhà xuất bản Hà Nội