Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 21/05/2015 01:55
Sức sống của Đạo giáo trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội

Vào Việt Nam từ khá sớm, Đạo giáo có sự hòa nhập tích cực vào các tín ngưỡng dân gian bản địa và tự tạo yếu tố nội sinh mạnh mẽ. Trong quá trình phát triển, khẳng định chỗ đứng, Đạo giáo đã tìm được mảnh đất màu mỡ nhất, sức sống mạnh mẽ nhất chính tại kinh thành Thăng Long.

 
Việc du nhập Đạo giáo vào nước ta cũng như ở Thăng Long - Hà Nội vào khoảng thế kỷ thứ II. Trong đời sống xã hội và tín ngưỡng của chốn Kinh kỳ, Đạo giáo không tồn tại như một tôn giáo riêng biệt, trước hết bởi đây là một trong những mảnh đất thuận lợi để Đạo giáo xâm nhập, sinh sống. Do không gian tâm linh từ thời các vua Hùng đã có những Chử Đồng Tử, Đổng Phụng, An Kỳ Sinh, những nét yếu tố gần gũi và có phần đồng nhất với tư tưởng đạo Lão,… đến những câu chuyện được chép trong Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Truyền kỳ mạn lục… tất thảy đều có những mối liên hệ tinh thần, văn hóa và con người với mảnh đất Thượng đô, nhuốm sắc màu của tôn giáo này, nên ngay từ ban đầu Đạo giáo đã bén rễ trong đời sống tâm linh đất Thượng đô. Và ngay từ khi ban Chiếu dời đô, lúc bắt tay xây dựng hệ thống cung điện ở Thăng Long và coi trọng việc xây dựng hàng loạt các công trình Phật giáo như chùa, nhà chứa kinh,… nhà Lý cũng không quên dành vị trí nhất định cho Đạo giáo trong không gian tâm linh của Kinh thành. Dưới thời nhà Lý, đặc biệt là nhà Trần, ở Thăng Long dần dần xuất hiện những cơ sở thờ tự liên quan đến Đạo giáo như đài Chung Tiên (1120), điện Trùng Minh (1121),… Thậm chí, trong những giờ phút xã tắc lâm nguy, bóng đen chiến tranh đe dọa thì tâm lý Đạo giáo còn ảnh hưởng rõ nét cả trong việc chép sử. Những biểu hiện là sấm ký, điềm lạ trên trời, dưới đất, mộng mỵ,… luôn xuất hiện trong các sự kiện mà sử cũ nhà Lý, Trần ghi lại. Chế độ thi cử thời Lý - Trần cũng ảnh hưởng đến vị trí của Đạo giáo ở nước ta, lối thi Tam giáo trở thành quy chuẩn trong hệ thống giáo dục đào tạo. Người làm quan lúc đó ngoài việc am hiểu kinh, sử của đạo Nho, cần biết cả nguyên lý của Đạo giáo và Phật giáo, thậm chí trong lối xuất - xử, hành - tàng với thế cuộc cũng có nhiều nét bị chi phối của hai tôn giáo này.
 
Vị trí, đặc điểm và hình thức thờ cúng của Đạo giáo ở Thăng Long - Hà Nội thể hiện trong một vài nét tiêu biểu. Thứ nhất, trong không gian tâm linh, tôn giáo của Thăng Long - Hà Nội, dấu tích của cả Đạo giáo thần tiên (được coi là “chính đạo”) và Đạo giáo phù thủy (được coi là “tiểu đạo”) đều được in dấu. Dân chúng ở Hà thành không quá chú tâm khai thác hệ thống tư tưởng triết lý của Lão Tử mà chỉ quan tâm đến những “hiệu quả” bất ngờ và khó lý giải của Đạo giáo như cách chữa trị các bệnh nan y, việc loại bỏ thế giới ma quỷ, những tiên đoán cho tương lai, tìm kiếm sự bất tử… Thứ hai, sự hòa hợp của Đạo giáo trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng trên đất Thăng Long - Hà Nội thể hiện ở sự hài hòa giữa tập tục thờ cúng, sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng dân gian vốn có với các hình thức thờ đồng cốt hay các thánh nhân, các vị thần tiên, việc sử dụng bùa phép,… của đạo Lão. Nét sinh hoạt tôn giáo này của người dân Kinh thành vô cùng phong phú từ các tục thờ thần núi, sông, thờ các anh hùng dân tộc văn hóa được kết tụ lại trong nhiều không gian tâm linh (nét nổi bật đầu tiên là hình thức lên đồng - hầu bóng, rồi đến sinh hoạt lễ hội, kể cả lễ hội tín ngưỡng tôn giáo). Theo Văn Quảng: “Dưới con mắt người Hà Nội, không có sự phân biệt thứ bậc, chủng loại, mà mọi thần linh đều linh thiêng (…). Họ đến với thần để cầu mong được người an, vật thịnh, sau đó, dù lời cầu khẩn có thấu tới các thần linh hay không và họ có nhận được hay không ơn mưa móc từ các vị thần thì họ vẫn có một thái độ rất văn hóa và trần tục là đều có những việc làm để trả ơn thần linh”, nên về phương diện sinh hoạt tôn giáo, Đạo giáo trở nên vị trí khá đặc biệt với người dân Thăng Long - Hà Nội.
 
Nói tới sự tồn tại và phát triển của Đạo giáo ở Thăng Long - Hà Nội phải kể tới những đạo quán ở nơi đây. Quán là nơi tu hành của những người theo Đạo giáo và có bốn Đạo quán lớn (Thăng Long tứ quán) ở Kinh thành, bao gồm: Trấn Vũ quán, nay gọi là đền Quán Thánh ở phố Quán Thánh; Huyền Thiên quán, nay là chùa Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai; Đồng Thiên quán, nay là chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành; Đế Thích quán, nay là chùa Vua ở phố Thịnh Yên. Những Đạo quán này đều xây dựng từ thời kỳ phát triển của Đạo giáo ở Việt Nam từ xa xưa, nhưng cũng chỉ đến hết đời Mạc. Từ đời Lê Trung hưng, do Đạo giáo suy thoái, những đạo quán bị Phật giáo hóa, trở thành chùa. Bên cạnh tượng các thánh của Đạo giáo còn có thêm tượng Phật. Ngoại trừ Trấn Vũ quán có tượng Trấn Vũ quá lớn nên vẫn còn giữ được bản chất đạo quán, những quán còn lại đều đổi tên thành chùa, trở thành nơi thờ Phật.
 
Phó Giáo sư Trần Ngọc Thêm trong cuốn “Cơ sở văn hóa Việt nam” đã viết: “Trong khi Nho giáo chưa tìm được chỗ đứng ở Việt Nam thì Đạo giáo đã tìm thấy ngay những tín ngưỡng tương đồng sẵn có từ lâu… Vì vậy dễ hiểu là tại sao Đạo giáo, trước hết là Đạo giáo phù thủy, đã thâm nhập nhanh chóng và hòa quyện dễ dàng với tín ngưỡng ma thuật cổ truyền tới mức không còn ranh giới”. Nhận định này giúp chúng ta hình đung được phần nào sức sống và vị thế của Đạo giáo trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng Thăng Long - Hà Nội, đồng thời lý giải được về sự hài hòa của truyền thống “Tam giáo đồng nguyên” đã thực sự thấm sâu vào đời sống của mỗi người dân nơi đây.
 
 
Phong Kiều
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)