Món ngon truyền thống Hà Nội
Văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội được hình thành từ những làng quê, có bụi tre, bến nước, vườn nhỏ, ao chuôm... Ngày nay, những món ẩm thực đó vẫn tồn tại ẩn nấp trong từng con phố cổ, làng cổ trầm mặc, với bao ngõ nhỏ uốn lượn quanh co ngoằn ngoèo trong lòng một Hà Nội hiện đại sầm uất đã được PGS.TS. Phạm Quang Long và Bùi Việt Thắng khám phá ghi dấu lại qua cuốn “Tuyển tập tác phẩm về Văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội” với những món ăn dân dã đậm sắc hương quê.
Ẩm thực Hà Nội nơi giao thoa của nhiều nền ẩm thực khác nhau. Cái tinh tế trong ẩm thực Hà Nội thể hiện ở cách chế biến, cách thưởng thức và cả ở tấm lòng của người trao kẻ nhận. Mỗi món ăn Hà Nội đều có hương vị, nét đẹp riêng và đặc biệt là truyền thống trong cách thưởng thức, đó không chỉ là những thức ăn thông thường mà còn được nâng lên thành nghệ thuật ẩm thực. Những món ăn Hà Nội đã làm nao lòng những người con xa quê và cả những người khách lần đầu đến Hà Nội.
Là trung tâm văn hóa của cả miền Bắc từ nhiều thế kỷ, tại Hà Nội có thể tìm thấy và thưởng thức những món ăn của nhiều vùng đất khác, nhưng ẩm thực thành phố cũng có những nét riêng biệt. Đến với Hà Nội, người ta không thể bỏ qua cơ hội thưởng thức những món ăn đặc trưng như cốm làng
Vòng, phở Hà Nội, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng, bánh tôm Hồ Tây. Ngoài ra còn có nhiều món ăn đặc trưng khác như bún thang, bún chả, bún nem, bún bung, bún mọc, đậu phụ Mơ, tào phớ An Phú, nem chua làng Vẽ...
Hãy cùng chúng tôi đến với một số món ăn nổi tiếng của Hà Nội được mọi người đón nhận rất nhiệt tình:
Chả cá Lã Vọng: Số 14 phố chả cá món ăn đậm chất văn hóa dân tộc. Chả cá Lã Vọng vừa có tên vừa có tuổi. Cách đây trên một trăm năm, gia đình họ Đoàn đã sáng tạo món ăn tuyệt vời này.
Bao nhiêu năm qua những con cá lăng, cá chiên, cá quả to, nặng, tươi rói từ sông Hồng, Việt Trì được đưa về đây chế biến thành những xiên cá ướp mỡ, hành tiêu thơm ngậy đặt cạnh một lò than hoa nhỏ xinh, hồng lửa. Khách vừa nướng cá vừa ăn, vừa trò chuyện, ngâm vịnh tâm tình, tri kỷ... bên những xiên cá điểm hành, mùi, thìa là, húng Láng xanh tươi, những lát ớt đỏ, những sợi bún trắng mịn như tơ. Mùi thơm của cá nướng quyện với vị cay cà cuống trong mắm tôm gợi nhớ hương vị đồng quê.
Chả cá Lã Vọng để lại một dư vị khó quên đối với đối với du khách đặc biệt là khách quốc tế.
Bánh cuốn Thanh Trì: Ngày xưa trên khắp các nẻo đường Hà Nội vẫn thường bắt gặp những người đàn bà gánh hàng bánh cuốn từ sớm cho tới gần trưa. Ngày nay bánh cuốn là món quà có ở hầu hết các chợ, nhưng nơi làm loại bánh cuốn nổi tiếng nhất Hà Nội phải là bánh cuốn Thanh Trì.
Thanh Trì có bánh cuốn ngon
Có gò Ngũ Nhạc có con sông Hồng
Thanh Trì cảnh đẹp người đông
Có cây sáo trúc bên đồng lúa xanh.
Bánh cuốn Thanh Trì luôn luôn để lại trong lòng những người xa quê và du khách với hương vị thơm gạo tám của bánh cuốn Thanh Trì chấm với nước mắm cà cuống, thơm da diết cái vị cay cay, mằn mặn cất tinh từ cánh đồng lúa nước, ngọn nguồn của sự sống Việt Nam.
Phở gà Hà Nội: Món phở nói chung là món ăn rất đặc trưng của người Hà Nội khi thưởng thức phở đặc biệt là phở gà khó có thể quên mùi vị rất đặc trưng của nó. Chính sự đặc biệt đó phở gà đã được bạn bè trong nước và thế giới đón nhận rất nhiệt tình và trở thành một biểu tượng đặc trưng của người Hà Nội.
Ở giữa bánh phở nổi lên mấy miếng thịt gà thái nhỏ xen lẫn với sợi da gà vàng màu nhạt, điểm mấy cuộng hành sống xanh lưu ly, mấy cái rau thơm xanh nhàn nhạt, vài miếng ớt đỏ tất cả những thứ đó tắm trong một thứ nước dùng thật trong đã làm cho bát phở gà có phong vị của một nàng con gái thanh tân – còn nếu ta so sánh bát phở bò với một chàng trai mà hào khí bốc lên ngùn ngụt.
Văn hóa ẩm thực Hà Nội xưa và nay nấu và thưởng thức các món ǎn là cả một nghệ thuật của người Hà Nội, chẳng thế mà cho đến tận bây giờ thói quen ấy vẫn tồn tại và trở thành một nét vǎn hoá riêng độc đáo, hấp dẫn bất cứ ai khi mới đặt chân đến nơi này. Tuy nhiên cùng với sự du nhập của rất nhiều món ăn Tây, ăn nhanh cùng với sự phát triển nhanh và nóng của kinh tế thị trường nghệ thuật ẩm thực đã bị giản tiện đi rất nhiều. Chính vì vậy việc gìn giữ cái đẹp cánh thanh trong nếp ăn uống của người Tràng An xưa cần được quan tâm hơn nữa. Phải chăng mỗi người hãy dành một chút thời gian của ngững ngày nghỉ và cuối tuần làm những món ăn truyền thống cho cả gia đình thưởng thức để tiếp tục giữ gìn truyền thống và giữ lửa mái ấm gia đình.
Đặng Tình
Nhà xuất bản Hà Nội