Những áng thiên cổ hùng văn trong lịch sử dân tộc Việt!
Trong không khí cả nước tưng bừng chào đón thủ đô Hà Nội một nghìn năm tuổi, rất nhiều công trình nghiên cứu đã được xuất bản để kỷ niệm ngày lễ trọng đại này, trong đó có công trình“Tư liệu văn hiến Thăng Long- Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử”. Đây là cuốn sách bao gồm các văn kiện mang tính lịch sử được nhóm nghiên cứu do GS.TS Nguyễn Quang Ngọc tổ chức sưu tầm, tuyển chọn dày 978 trang được chia thành 3 phần:
Phần thứ nhất: Thăng Long - Hà Nội trong kỷ nguyên Đại Việt.
Phần thứ hai: Hà Nội thời Pháp thuộc.
Phần thứ ba: Hà Nội từ năm 1945 đến nay.
Trong phạm vi bài viết này tôi xin giới thiệu đến bạn đọc 03 áng văn được coi là thiên cổ hùng văn trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của cha ông ta.
Thứ nhất đó chính là “Chiếu dời đô” của Lý Công Uẩn, người khai sáng vương triều Lý (1010-1225). Cống hiến có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhất là việc ông dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển huy hoàng của kinh đô quốc gia Ðại Việt.
Trong “Chiếu dời đô” Lý Công Uẩn vạch rõ rằng, vì “muốn đóng đô ở nơi trung tâm mưu đồ nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân…” để cho “vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh”, rằng kinh đô mới:“Ở trung tâm cõi bờ đất nước, có cái thế rồng cuộn hổ ngồi…, là nơi đô thành bậc nhất của Đế vương muôn đời!”. Hơn thế nữa “dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ, ngập lụt, muôn vật cũng hết mực phong phú tốt tươi”. Chỉ mới nói đến thôi ta đã cảm nhận được cái ưu thế chỉ có một trên khắp đất nước của thành Đại La - một vùng đất có thế “Rồng cuộn Hổ ngồi”, nhà vua hướng tầm nhìn về nơi đây có thể nói đó là sự sáng suốt, anh minh đi thâu suốt lịch sử, có tầm nhìn chiến lược đại ngàn, đã định hướng đúng cho sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước. Vì vậy Thăng Long - Hà Nội hội tụ được đầy đủ các dòng nguyên khí từ trên trời xuống, từ bên ngoài vào, từ các dòng sông chuyển tới, nên có thể nói rằng Hà Nội là một vùng đất Địa linh có vượng khí tồn tại đến muôn đời.
Thứ hai đó là bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” được cho là của danh tướng Lý Thường Kiệt. Dù là xuất hiện ở thời Lê Đại Hành hay thời Lý Thường Kiệt, thì bối cảnh lịch sử cũng là: đánh đuổi giặc ngoại xâm mà cụ thể ở đây là giặc Tống. Điều đáng chú ý đó là các sách đều ghi nhận là do thần nhân đọc hoặc được vang lên từ trong miếu thần nhân, và mục đích đều là: “đánh đuổi giặc ngoại xâm”, và kết quả đều là: thắng lợi.
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Vằng vặc sách trời chia xứ sở
Giặc dữ cớ sao phạm đến đây
Chúng bay nhất định phải tan vỡ.
Bài thơ Nam Quốc Sơn Hà là một lời khẳng định hùng hồn cho một chân lý của tạo hóa là: đất nước Việt Nam là do người Việt Nam làm chủ, đó là chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, bất chấp đó là ai, nếu đi ngược lại chân lý của tạo hóa là xâm lược lãnh thổ Việt Nam thì chắc chắn sẽ chuốc lấy bại vong. Đây cũng chính là tinh thần bất diệt của dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia, đã được thực tế lịch sử minh chứng suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Cuối cùng ta không thể không nhắc đến “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, đây là bản báo cáo lớn nhằm tuyên bố cho toàn dân biết cuộc kháng chiến chống giặc Minh đã thắng lợi rực rỡ, đất nước ta chuyển sang một giai đoạn xây dựng hoà bình. Như vậy, bài cáo ra đời trong lúc toàn quân, toàn dân đang hân hoan chào đón chiến thắng sau 10 năm chiến đấu gian khổ, anh dũng.
Bao trùm bài cáo là niềm tự hào vô biên trước thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến, của khí phách của dân tộc Việt Nam. Nhìn đại thể, Bình Ngô đại cáo có thể chia làm bốn phần:
Ở phần thứ nhất, Bình Ngô đại cáo khẳng định lí tưởng của cuộc kháng chiến việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, đánh giặc chính là nhân nghĩa. Tiếp theo, Nguyễn Trãi khẳng định đất nước ta là một quốc gia văn hiến từ bao đời đã sánh vai với cường quốc Trung Hoa về nhiều phương diện.
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
...
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Phần thứ 2 của bài cáo là phần luận tội giặc. Lợi dụng việc họ Hồ để mất lòng dân, giặc Minh cấu kết với bọn gian thần bán nước, điên cuồng sang cướp nước ta, gây ra bao tội ác trời không dung đất không tha:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Phần thứ 3 thuật lại quá trình của cuộc khởi nghĩa từ khởi đầu đến ngày chiến thắng. Bài cáo nhân danh Lê Lợi: Ta đây, Núi Lam Sơn dấy nghĩa… Những lời tự bạch như phải trải tâm can mình trước thần dân: “Đau lòng nhức óc, chốc đã mười mấy năm trời - … Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh - Ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kĩ”.
Đoạn tiếp theo, Nguyễn Trãi tập trung lược thuật quá trình nghĩa quân Lam Sơn đã chiến thắng. Tác giả hiểu hơn ai hết cái giá đắt của chiến thắng, và cái ơn rất sâu của đồng bào và của trời đất tổ tông khôn thiêng ngầm giúp đỡ.
Xã tắc từ đây vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới.
“Bình ngô đại cáo” quả là một tác phẩm chứa đựng một nội dung lớn, một tư tưởng lớn, được diễn đạt bằng một áng văn đầy nghệ thuật, đáng được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai sau bài “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt.
Tóm lại lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta là một bản trường ca về các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Từ thế hệ này đến thế hệ khác, người Việt luôn nêu cao tinh thần bất khuất và bảo vệ bằng mọi giá chủ quyền lãnh thổ thiêng thiêng. Vì vậy thông qua những văn kiện được tập hợp trong công trình “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập văn kiện lịch sử”, người đọc có thể hình dung về những sự kiện, nội dung chính yếu trong tiến trình lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Qua đó, chúng ta sẽ tìm hiểu, nắm vững những giá trị tinh hoa của văn hiến Thăng Long - Hà Nội đã hình thành và không ngừng phát triển như thế nào để trở thành sức mạnh trường tồn của dân tộc mà ông cha ta đã để lại. Tìm hiểu các văn kiện lịch sử về văn hiến Thăng Long - Hà Nội để thấy được tính liên tục và tính kế thừa của nền văn hiến Thăng Long - Hà Nội đối với nền văn hiến dân tộc, mặt khác cũng thấy được tính đứt đoạn trong sự phát triển của văn hiến Thăng Long - Hà Nội, giúp chúng ta giải quyết vấn đề kế thừa và phát huy truyền thống, vừa giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc vừa hiện đại hoá văn hiến Việt Nam trong xu thế toàn cầu hoá. Phát huy hơn nữa những thuần phong mỹ tục tốt đẹp trong nếp sống của người kinh kỳ, góp phần xây dựng con người Hà Nội hôm nay văn minh - thanh lịch - hiện đại như Nghị quyết Trung ương V (khoá VIII) đã nêu. Đặc biệt cuốn sách là một sản phẩm thiết thực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Đặng Tình
Nhà xuất bản Hà Nội