Địa giới hành chính Hà Nội trong những năm đầu bị Pháp tạm chiếm (1946 – 1948)
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, đã đưa nước ta sang một kỷ nguyên mới, đất nước được độc lập, tự do. Nhưng ngay sau khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã phải đối mặt vô vàn những khó khăn và thách thức. Để có bộ máy điều hành và sớm ổn định tình hình đất nước, hệ thống chính quyền từ trung ương đến cơ sở đã được thiết lập, kiện toàn và gắn với đó có sự điều chỉnh, tổ chức lại địa giới hành chính một số địa phương, trong đó có Hà Nội.
Ngày 14/5/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ duyệt y chia thành phố Hà Nội ra làm 17 khu, mỗi khu có tên riêng: Khu Trúc Bạch; Khu Đồng Xuân; Khu Thăng Long; Khu Đông Thành; Khu Đông Kinh Nghĩa Thục; Khu Hoàn Kiếm; Khu Văn Miếu; Khu Quán Sứ; Khu Đại Học; Khu Bẩy Mẫu; Khu Chợ Hôm; Khu Lò Đúc; Khu Hồng Hà; Khu Long Biên; Khu Đồng Nhân; Khu Vạn Thái; Khu Bạch Mai. Tiếp đó, ngày 26/5/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ duyệt y chia ngoại thành Hà Nội ra thành 5 khu: Khu Lãng Bạch gồm 23 làng; Khu Đại La gồm 31 làng; Khu Đống Đa gồm 28 làng; Khu Đề Thám gồm 13 làng; Khu Mê Linh gồm 11 làng.
Kể từ mùa thu năm Canh Tuất - 1010, Lý Công Uẩn, quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La và đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc kinh thành Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước. Thăng Long bắt đầu mang tên Hà Nội từ năm 1831, dưới triều Minh Mạng. Trong tiến trình của lịch sử, có những thời kỳ trung tâm quyền lực Thăng Long – Hà Nội bị phân tán, thậm chí còn bị biến thành một “tỉnh”, cho đến ngày 9/11/1946, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá I đã thông qua Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946, thành phố Hà Nội là Thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Khi chiến tranh Đông Dương bùng nổ vào tháng 12 năm 1946 và thành phố Hà Nội nằm trong vùng kiểm soát của người Pháp, bối cảnh của thủ đô Hà Nội hoàn toàn thay đổi. Để phù hợp với hoàn cảnh hiện thời, Hà Nội đã tiến hành cấu trúc lại mô hình tổ chức chính quyền kháng chiến và địa giới hành chính.
Ủy ban bảo vệ các cấp của Hà Nội được đổi tên thành Ủy ban Kháng chiến. Đây là thời đoạn Hà Nội tồn tại 2 thiết chế tổ chức chính quyền: Ủy ban Kháng chiến và Ủy ban Hành chính. Khi chiến tranh bùng nổ, Ủy ban Kháng chiến đảm đương phần lớn chức năng, nhiệm vụ điều hành cuộc kháng chiến. Do sự tồn tại của 2 ủy ban nên cũng có nhiều vấn đề bất cập xảy ra. Việc tổ chức lại chính quyền Hà Nội đảm bảo tập trung, thống nhất đủ sức điều hành cuộc kháng chiến trở thành một vấn đề trọng yếu. Tháng 7 năm 1947, Ủy ban Hành chính và Ủy ban Kháng chiến đã hợp nhất thành Ủy ban Kháng chiến hành chính. Đây là hình thái chính quyền đặc thù, vừa làm chức năng lãnh đạo kháng chiến, vừa làm chức năng quản lý hành chính trong hoàn cảnh thành phố đã bị địch kiểm soát.
Gắn liền với xây dựng chính quyền thành phố, địa giới hành chính của Hà Nội cũng được tổ chức lại. Tháng 5/1947, khu XI (Hà Nội) được mở rộng thêm, gồm cả Hà Đông và Sơn Tây.
Tháng 9/1947, khu XI quyết định cắt 4 huyện: Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thanh Trì của Hà Đông sáp nhập vào Hà Nội. Khu vực nội thành được tổ chức thành 3 quận: quận IV gồm hai khu Đại La và Lãng Bạc; quận V tức khu Đống Đa; quận VI gồm hai khu cũ Đề Thám và Mê Linh và 4 huyện là Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai và Thanh Trì (của Hà Đông mới cắt sang). Sau đó Hà Nội lại được tổ chức thành 3 liên quận huyện: Liên quận huyện I gồm quận IV, Đan Phượng và Hoài Đức; Liên quận huyện II gồm quận V và Thanh Oai; Liên quận huyện III gồm quận VI và Thanh Trì.
Việc sáp nhập thành liên quận huyện đã giúp việc chỉ đạo kháng chiến trên địa bàn Hà Nội tập trung nhiều hơn vào các phủ huyện của Hà Đông cũ, còn vùng ngoại thành Hà Nội cũ lại bị sao nhãng. Vậy nên, đầu năm 1948, các quận IV, V, VI được tách ra như cũ và sáp nhập 4 phủ huyện thành 2 liên huyện: Liên huyện Bắc (thường gọi là huyện Liên Bắc) gồm Đan Phượng, Hoài Đức; Liên huyện Nam (thường gọi là huyện Liên Nam) gồm Thanh Oai, Thanh Trì.
Để tăng cường chỉ đạo chiến tranh, Trung ương quyết định sáp nhập 7 khu ở Bắc Bộ thành 3 Liên khu. Theo đó, tháng 5/1948 Hà Nội sáp nhập với Hà Đông thành tỉnh Lưỡng Hà thuộc Liên khu III. Sau khi sáp nhập, Liên khu III cắt hai huyện Liên Bắc và Liên Nam trả về cho Hà Đông, Hà Nội chỉ còn nội thành và 2 huyện ngoại thành.
Tháng 9/1948, 3 quận, huyện của Hà Nội được tổ chức thành 2 huyện: Trấn Tây và Trấn Nam.
Ngày 1/10/1948, Trung ương Đảng ra chỉ thị tách Hà Nội ra khỏi Lưỡng Hà để có điều kiện tập trung trong lãnh đạo kháng chiến của Hà Nội.
Trong suốt thời kỳ Hà Nội bị thực dân Pháp chiếm đóng, để phù hợp với tình hình chiến sự, địa giới hành chính có những điều chỉnh nhất định trong đó có sự thay đổi từ năm 1946 đến 1948. Địa giới hành chính là ranh giới phân biệt đất đai và số dân của địa phương này với địa phương khác do cấp quản lý có thẩm quyền quy định. Việc điều chỉnh địa giới hành chính của Hà Nội trong những năm đầu thời kỳ cả nước kháng chiến chống Pháp đó là hệ quả tất yếu của bối cảnh lịch sử.
Khánh Ngọc
Nhà xuất bản Hà Nội