Bác Hồ với thế hệ trẻ thủ đô
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói:
“Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”
Vấn đề xây dựng con người luôn là vấn đề lớn, được đặt lên hàng đầu và là vấn đề trung tâm, xuyên suốt trong toàn bộ nội dung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt cả cuộc đời, Người dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng một sự quan tâm hết sức đặc biệt. Đó là sự quan tâm của vị cha già kính yêu đối với một đàn con nhỏ, đó là sự quan tâm của một vị lãnh tụ - người đứng đầu đất nước đối với một lớp người tương lai sẽ là chủ nhân của đất nước. Thật may mắn cho lớp thế hệ trẻ thủ đô đại diện cho thế hệ trẻ cả nước nhận được sự quan tâm đặc biệt này!
Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn dành thời gian cho các hoạt động của thanh thiếu niên, nhi đồng. Người từng viết:
“Trẻ em như búp trên cành,
Biết ăn biết ngủ, biết học hành là ngoan”
Quan tâm đến các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng là đến với các cháu, tạo điều kiện cho các cháu ăn, chơi, học hành vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng thế hệ trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội.
Sau năm 1954, Bác Hồ trở về thủ đô sống và làm việc hầu như năm nào Người cũng đến chia vui với các cháu vào những ngày tết Trung thu, Quốc tế thiếu nhi 1-6. Các hoạt động này có thể diễn ra ở Cung Thiếu nhi, có khi diễn ra ở các trường mầm non nhưng cũng có dịp lại diễn ra tại Phủ Chủ tịch.
Ngày mùng 1-6-1969 là ngày Quốc tế thiếu nhi cuối cùng Bác tham dự với các cháu thiếu niên, nhi đồng của Hà Nội. Ngày Quốc tế thiếu nhi đáng nhớ này được diễn tại Phủ Chủ tịch, Người đã gặp gỡ các cháu và cùng xem các cháu học sinh lớp 1 trường Nhạc viện Hà Nội biểu diễn. Việc chăm sóc những mầm non tương lai của đất nước luôn là những trăn trở lớn nhất khi Người còn sống. Cũng trong dịp lễ kỷ niệm này, Người đã viết bài báo: “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” trong bài báo Người đã khẳng định niềm tin tưởng to lớn vào thế hệ trẻ nước ta:
“Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nhà nước. Vì vậy, việc chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”.
Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh toàn tập” Người căn dặn thanh niên và tổ chức thanh niên Hà Nội cần hành động thiết thực:
“Đi sâu vào quần chúng để chia sẻ những thường thức về chính trị và quyền lợi của công dân; ủng hộ Chính phủ không phải bằng những lời hoan hô suông thôi, mà cần phải một mặt giải thích cho dân chúng về những nỗ lực của Chính phủ, một mặt phê bình, giám sát, tham gia ý kiến và công việc của Chính Phủ; chiến đấu giữ lấy nền độc lập và tự luyện ngay từ bây giờ để sau này lên thay những thủ lĩnh mà gánh vác việc trọng đại của nước nhà. Nói tóm lại, phải làm sao cho tổ chức thanh niên Hà Nội phải thành khối thanh niên gương mẫu cho thanh niên toàn xứ và toàn quốc”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về sự quan tâm, chăm sóc đến sự nghiệp “trồng người” của dân tộc. Không chỉ dừng lại ở những lời nói, chủ trương, bài phát biểu mang tính lý thuyết, Người còn luôn sát cánh bên thanh thiếu niên trong các hoạt động, để động viên, khích lệ, trao đổi với tuổi trẻ. Có rất nhiều lần Người đã trực tiếp đến các công trường, nhà máy, trường học… để gặp gỡ, thăm hỏi, dặn dò thanh niên.
Ngày 15-10-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đến thăm công trình lao động thanh niên trên đường Cổ Ngư nói chuyện với 900 thanh niên học sinh các trường trên địa bàn thủ đô đang lao động trên công trường, Người đã khích lệ: “Các cháu tham gia lao động xây dựng thủ đô nước Việt Nam dân chủ cộng hòa như thế là rất tốt. Bác chúc các cháu mạnh khỏe, tiến bộ, cố gắng lao động thật tốt để giành được vinh dự cho việc đặt tên đường này là đường Thanh Niên” và đường Thanh Niên con đường đẹp nhất thủ đô ngày nay có tên từ đó.
Ngày 11-3-1962 Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 3 đến thăm trường Đại học Bách Khoa, Bác có đi thăm một số lớp học, nơi ăn, ở của cán bộ, sinh viên nhà trường. Bác ân cần thăm hỏi và nói chuyện vui vẻ và căn dặn học sinh, sinh viên nhà trường: Thầy dạy tốt, trò học tốt để làm cách mạng chứ không phải làm quan cách mạng.
Tư tưởng của Người đã thấm nhuần vào lớp lớp thanh niên Hà Nội, khi cuộc kháng chiến miền Nam đang vào giai đoạn quyết liệt nhất, nhiều thanh niên Hà Nội đã lên đường ra trận. Họ ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ mang trong lòng khát vọng tự do, giải phóng dân tộc và đã góp phần vào thắng lợi của đại thắng mùa xuân năm 1975.
Không phụ lòng mong mỏi của Bác, các thế hệ thanh thiếu niên, nhi đồng năm nào giờ đã là chủ nhân mới của thủ đô hội tụ đầy đủ “tài” và “đức” để xây dựng, bảo vệ thành quả mà cha ông ta đã giành được và cũng luôn quan tâm đến việc chăm sóc giáo dục thế hệ tương lai của Tổ quốc.
Bảo Hà
Nhà xuất bản Hà Nội