Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 04/06/2015 09:29
Ca dao Hà Nội phản ánh tình yêu lứa đôi

Là một trong những vốn quý của kho tàng văn học dân gian Thăng Long – Hà Nội, ca dao đã thể hiện một cách sâu sắc đời sống nội tâm phong phú của người dân vùng đất Kẻ Chợ trong mấy nghìn năm lịch sử. Về mặt tình cảm, thì số lượng các câu ca dao đề cập đến tình yêu đôi lứa lại nhiều hơn cả, nó đã thể hiện được những cung bậc cảm xúc của các nam thanh, nữ tú ở Kinh đô xưa.

 
Sống trong xã hội phong kiến, tình yêu đôi lứa chịu sự ngăn cấm của gia đình và các luật lệ xã hội, nam nữ đến với nhau bằng cử chỉ, ánh mắt, bằng những câu ca dao tình tứ, tệ nhị. Những cung bậc cảm xúc của tình yêu được các chàng trai, cô gái Thăng Long xưa gửi gắm tâm sự trong các bài ca dao.
 
Khi tỏ tình các chàng trai đã tìm nhiều cách để thể hiện ý định của mình, có thể là xa xôi, có thể là vòng vo, có khi lại là đưa đẩy... nhưng tất cả đều thể hiện được tính chất lãng mạng, yêu đời.
 
“Ước gì mình lấy được ta
Để cùng buôn bán làng xa chợ gần
Vui nhất là chợ Đồng Xuân
Kẻ buôn, người bán giữa trần cảnh tiên.”
Hay:
“…Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân’’
 
Một lời tỏ tình như giấc mơ lãng mạn, phi hiện thực nhưng vẫn có phần rất thực tế, chàng trai nghèo biết so sánh không khí vui như đi chợ Đồng Xuân, mua gạch để xây nhà là gạch của làng gốm Bát Tràng một loại gạch nổi tiếng chỉ có những nhà giàu mới có đủ điều kiện để xây… để tâm sự với các cô gái.
Tình yêu có lúc vui mừng, có lúc giận hờn, lúc lại trách móc, thở vắn than dài.
 
Lúc vui mừng thì:
 
Tình cờ gặp em ở đây
Như cá gặp nước, như mây gặp rồng.
 
Trong điều kiện phải xa nhau ca dao cũng mang tâm trạng buồn:
 
Ai làm đôi lứa xa nhau
Bên thảm bằng núi bên sầu bằng sông
 
Khi thì lại nhớ nhung, thở vắn, than dài:
 
Ai lên Hà Nội cùng ta
Thăm đền Quán Thánh cùng ra Tây Hồ
Đường Cổ Ngư đẹp như mơ
Nối liền Trúc Bạch, Tây Hồ mặt gương
Ra về lòng những vấn vương
Cho ta gửi một chữ thương tới nàng.
Nước hồ Tây vừa trong vừa mát
Đường chợ Bưởi lắm cát dễ đi
Cô kia bóng bẩy làm chi
Để cho anh ấy đi đi về về.
 
Các cô gái cũng tế nhị gửi gắm nỗi nhớ người yêu mình vào những vần ca dao:
 
Yêu cây vì nỗi lắm hoa
Yêu anh vì nỗi nết na trăm chiều
Ước gì dù ít dù nhiều
Mỗi ngày hai buổi sớm chiều gặp nhau.
 
Có một điểm đặc biệt trong các câu ca dao Thăng Long – Hà Nội khác với các thể loại thơ văn nói về tình yêu, đó là tình yêu đôi lứa thường được diễn tả trong sự ngọt ngào và niềm hi vọng không có những xung đột, kịch tính hay những bi kịch của tình yêu.
 
Giếng Yên Thái vừa trong vừa mát
Đường Yên Thái gạch lát dễ đi
Em về bên ấy làm chi
Nước giếng thì đục đường đi thì lầy.
Hay:
Hôm nay mười bốn mai rằm
Chín tháng cũng đợi mười năm cũng chờ
Trăm năm quyết đợi, quyết chờ
Dẫu mà tóc bạc như tơ cũng đành.
 
Những lời giận hờn, trách móc nhau cũng nhẹ nhàng mà sâu lắng:
 
Hôm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ nằm võng thấy cha nằm giường
Thấy em nằm đất anh thương
Anh ra Kẻ Chợ đóng giường tám thang
Bốn góc thì anh thếp vàng
Bốn chân thếp bạc, tám thang chạm rồng
Bây giờ phải bỏ giường không
Em đi lấy chồng phí cả công anh.
Có khi lại:
Yên Phụ nào có bao xa
Hãy về bến cũ có ta có mình
Trầu già cau héo vô tình
Sang sông nhớ bến mà mình đã xa
 
Người Việt Nam vốn được coi là “duy tình” thường đặt chữ tình lên trên trong mọi mối quan hệ xã hội và trong tình yêu thì “tình” thường gắn liền với ‘nghĩa”. Con người vùng đất Thăng Long cũng vậy một khi đã yêu thương gắn bó thì sự thủy chung phải bền vững như sông, như núi:
 
Hồng Hà nước đỏ như son
Chết đi thì chớ, sống còn lấy anh.
 
Bằng những tình yêu lành mạnh, tình cảm tự nhiên được miêu tả một cách sinh động trong ca dao Hà Nội đã cho ta thấy sự hà khắc của lễ giáo phong kiến trước đây. Không những thế, một số bài ca dao đã phản ánh tinh thần đấu tranh để bảo vệ tình yêu chân chính của các bạn thanh niên thời bấy giờ.
 
 Trong các câu ca dao của người dân Kinh kỳ dù là thể hiện ở góc độ tình cảm nào cũng có những địa danh của nơi mình sinh sống gắn liền trong các câu ca dao trữ tình, sâu lắng lòng người. Người dân ở đây đã có sức sáng tạo nghệ thuật vô cùng tinh vi và phong phú miêu tả đậm nét tình yêu lứa đôi đã được dân gian truyền miệng từ đời này sang đời khác trên các cung bậc, cách tiếp biến khác nhau làm người đời mãi khắc sâu, và tiếp tục được kế thừa và phát huy những giá trị vốn có của ca dao trong đời sống đương đại của người dân thủ đô Hà Nội – ngàn năm văn hiến.
 
 
Bảo Hà
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)