Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 04/06/2015 09:51
Hồ Chí Minh trong cảm xúc khách quốc tế

 Trong mắt của nhiều bạn bè quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người vĩ đại nhưng rất giản dị và gần gũi, Người hiện lên như một viên ngọc sáng lung linh về nhân cách, một người cộng sản mẫu mực về đạo đức, giản dị trong cách sống. Hãy cùng theo dòng cảm xúc của bạn bè quốc tế giành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh qua tác phẩm “Hà Nội với những tấm lòng gần xa” thuộc Tủ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến, Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản năm 2010.

 
Cựu sĩ quan tình báo Archimedes L.A. Patti (1914-1998), người đứng đầu phái bộ tiền trạm OSS. Ông đến Hà Nội tháng 8 năm 1945 để thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giáp quân Nhật tại Bắc Đông Dương. Thời gian này, ông có những tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và chứng kiến ngày lễ Độc lập của Việt Nam. Năm 1980, ông cho xuất bản quyển hồi ký "Tại sao Việt Nam?", ghi chép lại những sự kiện chính trị quan trọng tại Việt Nam trong giai đoạn này. Hồi tưởng lại quang cảnh ngày lễ Độc lập của Việt Nam, trong bài “Tín hiệu chim Hải Âu”, chương 26 – Ngày lễ Độc lập, tác giả viết: “Trên lễ đài, mọi người đều bận đồ trắng, thắt cà vạt và để đầu trần, trừ một người nhỏ nhắn mặc áo kaki mầu sẫm và có cái gì như là cái khăn trùm đầu – đó là Hồ Chí Minh”. “Ông Hồ đứng yên mỉm cười, dáng nhỏ bé, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc bản tuyên ngôn, nay thành nổi tiếng của ông với những lời: “Mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tạo hóa đã ban cho chúng ta những quyền bất khả xâm phạm; quyền sống, quyền được tự do, và quyền được hưởng hạnh phúc”. Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: “Đồng bào có nghe rõ không?”. Quần chúng hô vang đáp lại: “Rõ”. Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy.

Mang bí danh “Con Bò”, George Wickes – một sĩ quan trong đơn vị Tình báo chiến lược của Mỹ (OSS) đã xúc động khi lần đầu được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông liền viết một lá thư gửi mẹ với những dòng tâm sự: “Ông hoàn toàn trông giống như một vị thánh tử vì đạo (và trong thực tế, ông đã cống hiến hầu như toàn bộ 60 năm kỳ diệu của đời mình cho sự nghiệp của dân tộc), nhưng tốt đẹp hơn những kẻ cuồng tín, mà như một người ông nhân hậu với đồng bào của mình… Khi nói chuyện, ông gây ấn tượng đối với bạn thực sự khác hẳn những con người bình thường. Dường như đó là một tâm hồn mà những nhà ái quốc vĩ đại phải có… Kể từ cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh, con đã nghĩ về ông ta một cách tốt đẹp như vậy. Và khi được hỏi rằng ông là một người như thế nào, con sẽ mô tả ông như một sự pha trộn giữa thánh Francis xứ Assisi và Abraham Lincoln”.

Ngày 7 tháng 11 năm 1954, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 37 Cách mạng tháng Mười vĩ đại, ngày hội của nhân dân Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho phép sử dụng nhà bếp của Phủ Chủ tịch để Đại sứ quán Liên Xô chuẩn bị cho bữa tiệc tiếp khách. Niculin Nicôlai Ivanôvích – một thực tập sinh Liên bang Nga đã không khỏi ngỡ ngàng khi vào khoảng một hoặc hai giờ đêm gì đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhẹ nhàng bước vào bếp, nở nụ cười thân thiện gần gũi, chào hỏi và bắt tay các đầu bếp, nhìn chăm chú xung quanh rồi hỏi thăm công việc thế nào? Tác giả viết: “Tôi nghĩ các vị Chủ tịch nước rất hiếm khi, mà có lẽ không bao giờ bước chân xuống nhà bếp. Nhưng đây thực sự là vị Chủ tịch của nhân dân, Bác Hồ!”  Chưa hết ngỡ ngàng, Niculin lại sửng sốt vì sự quan tâm của Bác đến việc sinh hoạt đời thường của anh chị em có mặt trong bếp, với giọng thân mật, trìu mến: “Bây giờ khuya rồi, trong Phủ Chủ tịch sẽ có chỗ cho hai chàng trai Liên Xô ngủ đấy. Trong thành phố rất yên ổn, nhưng vẫn phải cảnh giác. Hãy thu xếp chỗ ngủ cho các chú ấy thật chu đáo nhé! – Bác gật đầu nói vói các nhân viên đi cùng”. Cuộc gặp đặc biệt đó khiến cậu thực tập sinh trẻ tuổi ấy đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về một vị Chủ tịch nước giản dị. Niềm vui và hạnh phúc tràn ngập tâm hồn: “Tôi cảm nhận được lòng nhân hậu và sự quan tâm của con người vĩ đại, người mà tôi quen nhìn thấy trong các bức chân dung và trong những thước phim tư liệu, lòng biết ơn vì sự quan tâm đã tràn ngập lòng tôi”. Giữ mãi tâm trạng phấn khởi đó tới tận sáng hôm sau, và một niềm vinh dự lớn lại đến với ông khi Đại sứ Liên Xô  Alếcxanđrơ Anđrêépvích giao nhiệm vụ cho ông ra cổng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ sung sướng tới ngỡ ngàng khi từ trong xe bước ra với một Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn toàn khác mà ông được gặp ở bếp ăn: “Một dáng dấp đường hoàng, chững chạc, hoàn tất. Tất cả tựu trung lại trong ánh mắt của một con người mang trên đôi vai mình một sứ mạng khổng lồ và vinh quang không gì so sánh nổi. Một con người đã từng trải trong mọi tình huống phức tạp, nguy hiểm và căng thẳng nhưng bao giờ cũng có những quyết định đúng đắn và sáng suốt. Một con người đã dành cả cuộc đời và sức lực cho một mục đích vĩ đại và duy nhất của dân tộc.”

Được đi cùng Đại sứ Liên bang Nga L.I.Xôcôlốp trong cuộc mít tinh và tuần hành ngày 2.9.1960, nhân kỷ niệm 15 năm ngày tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Lôcsin Gheorghi Mikhailôvích đã có dịp được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, với tâm trạng hồi hộp tới kinh ngạc, tác giả đã ghi lại dòng cảm xúc của mình: “Điều khiến tôi kinh ngạc là tính giản dị hoàn toàn tự nhiên hiếm có và sự dễ gần của Người. Đó là sự sùng bái, nhưng không phải là sự “sùng bái cá nhân” theo quan niệm của chúng ta khi đó và thời nay, mà là sự tôn kính với tình yêu và sự khâm phục con người cả cuộc đời đã chứng minh sự tận tâm vô bờ bến vì tự do và hạnh phúc của dân tộc mình và đã đưa nhân dân đến thắng lợi. Tác động “hình ảnh” của Hồ Chí Minh lên đông đảo quần chúng thật đáng kinh ngạc và tôi giữ mãi ấn tượng đó nhiều năm sau”.

Ngoài những dòng cảm xúc viết theo lối văn xuôi mộc mạc, nhiều vị khách quốc tế còn dành những tình cảm sâu nặng với Chủ tịch Hồ Chí Minh qua những áng thơ ca khi có dịp được gặp Người, đặc biệt là người anh em Trung Quốc.  Trong dịp mừng thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 tuổi xuân, tác giả Tiêu Tam – Nhà thơ, dịch giả Trung Quốc đã viết bài thơ chúc thọ Người, có đoạn viết:

“Xưa nay bảy chục dễ bao người

Đức vọng lớn thay Hồ Chủ tịch!
Lãnh đạo toàn dân quét giặc thù
Thoát vòng nước lửa đời êm đẹp
Hữu nghị đời đời mãi thắm tươi
Từ xưa Trung – Việt một nhà thôi!
Hồng Hà – Dương Tử không ngừng chảy
Sống mãi muôn năm kính chúc Người”

Hồ Chí Minh, dẫu chỉ là Chủ tịch của một nước, một dân tộc anh hùng, nhưng bất cứ ai, dù là nhân dân Việt Nam hay khách quốc tế, hễ có dịp được gặp Người, đều cảm thấy Người vô cùng thân thiết như người một nhà vậy. Xin được cảm ơn những tấm lòng của bè bạn năm châu với những lời tốt đẹp về lãnh tụ của dân tộc chúng tôi. Qua những dòng tâm sự ấy, chúng tôi càng hiểu thêm bạn, càng tin tưởng hơn vào mối tình hữu nghị giữa dân tộc Việt với bè bạn năm châu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gieo mầm, vun đắp sẽ mãi mãi xanh tươi, lớn mạnh.
 
 
Thọ Trần (tổng hợp, lược trích)

Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)