Kẻ chợ xưa đẹp trong mắt khách quốc tế
Hà Nội từ cái thuở sơ khai ban đầu chỉ một vùng rừng rú, một đồi gò hoang dã bên dòng sông cuồn cuộn phù sa, dưới con mắt tinh tường của người khởi lập ra vương triều nhà Lý – vua Lý Công Uẩn (974 – 1028) đã nhận ra ngay cái thế “Rồng cuộn Hổ chầu” và nhanh chóng chọn để làm đất đế đô. Một kinh thành bắt đầu được xây dựng, phát triển, trải qua bao binh lửa chiến chinh, bao biến thiên thay đổi, vẫn trụ vững cho đến tận hôm nay, trở thành một thành phố - thủ đô, tiếp tục thay da đổi thịt mỗi ngày, to đẹp hơn, hiện đại hơn mà vẫn không mất đi dáng vẻ cổ kính, hồn nhiên hấp dẫn và kiêu sa.
Dưới con mắt của bạn bè quốc tế, qua cách cảm nhận rất chân thực của họ, Kẻ Chợ xưa hiện ra rõ nét với những con phố rất riêng và cũng rất chung, riêng bởi tên phố được gắn với mỗi mặt hàng buôn bán trên các tuyến phố đó, nhưng lại có lối kiến trúc nhà ở tựa tựa như nhau. Charles Edouar Hocquard – một bác sĩ quân đội, một nhiếp ảnh gia, một nhà thám hiểm người Pháp viết: “Nhà ở Bắc Kỳ đều giống nhau cả. Muốn hiểu cách sắp đặt bên trong, chỉ cần hiểu sâu câu châm ngôn của người An Nam: “Muốn sống an lành, hãy nằm sâu trong nhà, giữa gia đình, tránh xa như tránh tà những kẻ tò mò đến thăm hỏi hay những con mắt của kẻ dò la”. Sở dĩ có câu châm ngôn đó là vì “Nhà ở của người An Nam hẹp và sâu, từ ngoài đường nhìn vào hiên nhà, ta không thể ngờ rằng nó ẩn bên trong nhiều ngôi nhà rộng rãi, ngăn cách nhau bằng những khoảng sân”. “Và để che khuất những gian nhà trong, chủ nhà thường cho thuê gian ngoài cùng nhìn ra đường để người ta mở cửa hàng buôn bán”. Dưới con mắt của vị khách này thì dường như người Kẻ Chợ cho thuê gian ngoài để hòng che mắt những kẻ dòm ngó xung quanh tới gia đình mình. Còn về những con phố của Kẻ Chợ xưa dưới con mắt của một nhiếp ảnh gia, một nhà thám hiểm như ông cũng hiện lên khá rõ nét: “Tôi đã nói là mỗi ngành nghề có ở Hà Nội một phường riêng biệt. Điều đó khiến cho cuộc dạo chơi trong thành phố này rất hấp dẫn đối với người mới đến. Chỉ cần mỗi ngày dạo xem một đường phố một cách tỉ mỉ, đi từ nhà này đến nhà nọ trong suốt dãy phố, là có được một ý niệm chính xác và sâu sắc về những cách thức đôi khi rất tài tình của người An Nam trong các công nghệ”.
Hà Nội là trung tâm thi cử xưa nhất của Đông Dương và trong Văn Miếu Quốc Tử Giám chúng ta có thể thấy các bia kỷ niệm các kỳ thi từ 1442 tới 1780. Trường thi Hà Nội xưa dành cho thí sinh các tỉnh Bắc Ninh, Sơn Tây, Cao Bằng, Lạng Sơn và Tuyên Quang. Ngày nay, cả tường vây và nhà cửa trong Trường Thi không còn nữa, nhưng dưới ngòi bút của André Masson – người Pháp, Trường Thi Hà Nội xưa lại hiện lên khá rõ nét: “Giống như mọi trường thi khác ở An Nam, Trường Thi Hà Nội được phân thành hai khu chính: một khu hoàn toàn tự do, trừ một ngôi nhà nhỏ ở trung tâm gọi là nhà Thập Đạo, dành cho các thí sinh, một khu khác gồm các tòa nhà có giám khảo. Khu giám khảo lại chia thành ba khu nhỏ, mỗi khu nhỏ dành cho giám khảo của một trong ba kỳ thi…”, “Khu thí sinh thông với bên ngoài bằng chín cửa, khu giám khảo ba mặt bị đóng kín một cách nghiêm ngặt, chỉ có một cửa thông qua khu thí sinh. Trong suốt 35 ngày của kỳ thi, các giám khảo không được ra ngoài khu của mình dưới bất kỳ lý do nào, người thuộc ban chấm kỳ này không được gặp người trong ban chấn kỳ khác”. Ngoài việc phục vụ cho thời gian thi cử thì Trường Thi còn được dùng vào các việc khác trong đó có việc phát chẩn gạo.
Hà Nội đẹp trong lòng du khách đôi khi chỉ đơn giản là một vài dòng cảm nhận về đền Quán Thánh với bức tượng đồng linh thiêng – tượng thánh Trấn Vũ cũng đủ cho ta thấy một Thăng Long linh thiêng, hào hoa trong mắt bạn bè quốc tế. Tác giả Isabell Massieu – người Pháp viết: “Tôi sẽ không nói với các bạn về những cái hồ xinh đẹp của Hà Nội, nó tắm mát cho những vạt vườn, công viên, không nói về ngôi chùa xinh xắn hiện lên giữa trời, nước soi bóng xuống mặt hồ, không nói về cái cổng có Tháp Bút và cái cầu vắt qua. Tôi không kề cà dừng lại ở những ngôi chùa đẹp mắt nó gợi lại lịch sử của Hà Nội, cả cái Văn Miếu thờ Khổng Tử từ thế kỷ 11, nơi xưa kia, dưới gốc đa trăm năm, đã tụ tập đến hàng nghìn nho sĩ cạnh những tấm bia đá lớn đặt trên lưng những con rùa đá khổng lồ khắc tên họ những vị đại khoa bảng từng trúng tuyển từ những năm 1476 đến 1780. Tôi chỉ ghi bằng một câu thôi: Cái đền Quán Thánh với bức tượng đồng, lạnh hơn cả thời tiết, tượng thánh Trấn Vũ thường đổ mồ hôi để báo điềm lạ cho con người”.
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An
Hà Nội đẹp trong mắt bạn bè quốc tế không chỉ bởi có lối kiến trúc độc đáo, pha lẫn giữa hiện đại và cổ điển, không chỉ bởi là nơi “hội tụ khí thiêng trời đất”… mà còn đẹp bởi nét duyên dáng, thanh lịch của con người nơi đây. Một chuyến dạo chơi phố phường Hà Nội trong cái nắng xế chiều, nhìn từng đoàn thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài truyền thống, tác giả Lâm Hoán Bình – Trung Quốc viết: “Họ đều mặc quần lụa trắng ống rộng, dài đến sát đất, chân đi guốc cao gót cũng màu trắng, ngoài mặc chiếc áo dài, cũng bằng thứ lụa Việt Nam dài đến gần bắp chân, hai vạt mở đến thắt lưng, màu sắc đều thuần nhất: Hoặc trắng, hoặc hồng, hoặc mày xanh lá cây, hoặc xanh nhạt. Từng làn gió nhẹ thổi đến, tà áo tung bay thân trước, thân sau như cờ, trông xa như một đàn bươm bướm nhẹ nhàng đập cánh giữa trời trong, lại như một đàn tiên nữ yểu điệu múa trong mây trắng… Nhìn gần thân hình nhìn chung mảnh dẻ, nét mặt đoan trang, hai má thoa nhẹ lớp phấn, hai môi hồng đỏ như lòng dưa hấu chín lự”. Ẩn trong tà áo dài thướt tha mà kín đáo kia là nét duyên không thể trộn lẫn của thiếu nữ Tràng An. Chỉ với vài nét khắc họa trong dòng cảm xúc của mình, Lâm Hoán Bình đã tô đậm nét đằm thắm, nhẹ nhàng, lịch thiệp mà tinh tế của người con gái Hà Thành xưa.
Hà Nội vẫn luôn được biết đến với những tinh hoa, tinh túy đặc sắc với sự bình yên mà quyến rũ, cứ thanh thản đi vào lòng người nhẹ nhàng như một bản nhạc chữ tình, để rồi mỗi du khách khi đã một lần đến với Thủ đô yêu dấu ấy sẽ chẳng thể nào quên.
Trần Thọ
Nhà xuất bản Hà Nội