Những dấu ấn của khu phố Pháp trong “hình hài” Thăng Long – Hà Nội
Dấu ấn đó là sự hình thành một khu phố Pháp mang những phong cách kiến trúc châu Âu trong lòng Hà Nội. Người Pháp từ những năm cuối thế kỷ XIX đã quy hoạch một khu phố Pháp nhằm tái hiện hình ảnh thủ đô Paris ở Hà Nội. Phố Pháp kéo dài từ hồ Hoàn Kiếm đến hồ Thiền Quang. Sự hình thành khu phố này bắt đầu từ năm 1874 sau khi triều đình Huế ký hiệp ước với Pháp. Theo hiệp ước này thì các toà nhà của Lãnh sự Pháp trong khu nhượng địa sẽ là cái nôi của khu phố kiểu châu Âu bởi vì họ dự liệu là các cửa hiệu và chỗ ở của thương nhân sẽ gần kề với khu lãnh sự. Và cũng theo thỏa ước khu phố Pháp phải phát triển về phía Nam, tức là trên khu đất Bệnh viện Lanessan (nay là Bệnh viện 108 và Bệnh viện Việt-Xô) và lò mổ (nằm trên phố Lương Yên hiện nay). Thực tế, cho tới năm 1883, khu phố Pháp vẫn chỉ giới hạn ở mấy tòa công sứ trong khu Nhượng địa và sau năm 1883, mới phát triển được do quân Pháp xâm lược Bắc Kỳ. Lần này sự phát triển không về phía Nam, mà về phía Đông dọc theo phố Hàng Khay - từ ngày 20/11/1886 mang tên Paul Bert. Phố này trở thành trục chính để các phố kiểu châu Âu khác hình thành vuông góc hoặc song song với nó. Từ đó phố Hàng Khay trở thành hạt nhân của khu phố mang phong cách châu Âu trong lòng Hà Nội.
Phố Hàng Khay chạy từ Đồn Thủy tới lũy bán nguyệt Đông Nam của Thành Hà Nội (quãng Cửa Nam hiện nay) và có chiều dài bằng phố Paul Bert (nay là Tràng Tiền - Hàng Khay) và phố Borgnis Desbordes (nay là Tràng Thi) cộng lại. Hai bên phố chỉ toàn nhà lá. Trước kia đầu phía Đông có một cái cổng trổ ra từ bức tường vây phía ngoài phố gọi là cổng Cựu Lâu, hay cổng Tràng Tiền - được trổ ra từ một tường dày, phía trên có lan can, cổng nằm giữa hai trụ phía trên có hai con sư tử. Kiến trúc cổng đơn giản nhưng oai nghiêm. Chen giữa Hàng Khay và khu phố thương mại là Hồ Gươm - là một vòng trang sức của Hà Nội, là cái gạch nối vui tươi giữa khu phố người bản xứ với khu phố Pháp. Góp phần trang điểm hồ là chùa trên các tiểu đảo và góp phần xanh mát là các thảm cỏ rợp bóng cây quanh hồ.
Sau khi xác định được trục chính, người Pháp bắt đầu xây dựng các công trình công cộng, các khu biệt thự đầu tiên trong khu phố này. Các công trình này được thiết kế theo phong cách Tân cổ điển lúc đó đang được ưa chuộng ở Pháp. Bố cục dựa trên quy luật đối xứng nghiêm ngặt, nhấn mạnh khu vực trung tâm và hai khối bên cạnh của toàn quần thể. Các công trình tiêu biểu thời kỳ này là Phủ Toàn quyền (1902) nay là Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn, Dinh thống sứ, Tòa án tối cao, Nhà học biệt thự sát hồ (1909) nay là trường Trung học Chu Văn An; Trường Trung học Albert Sarraut (năm 1919) nay là Văn phòng Trung ương Đảng… Trong giai đoạn sau có thêm các công trình: Nhà thờ Cửa Bắc (1925); Nhà Tài chính và Trước bạ (1925 - 1930) - nay là trụ sở Bộ Ngoại giao… Ngoài ra còn có các công trình công cộng phục vụ cho bộ máy chính quyền như: ga Hàng Cỏ (1902); Công ty xe lửa Đông Dương và Vân Nam nay là Trụ sở Tổng công đoàn Việt Nam.
Bên cạnh những công trình lớn được xây dựng làm trụ sở cho những cơ quan công quyền và những cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho một đô thị lớn, có tính đầu não ở miền bắc Đông Dương, khu phố Pháp là khu vực nhà ở dành cho tầng lớp công chức người Pháp và một số ít công chức cao cấp người Việt ở Hà Nội. Đường nét cơ bản dễ thấy trên diện mạo của những khu phố này là những khu biệt thự riêng biệt. Được quy hoạch trên các tuyến phố vuông vắn như bàn cờ..
Về cấu trúc, khu phố Pháp được thiết kế theo hai trục cơ bản là Bắc - Nam và Đông - Tây. Đường phố rộng và vỉa hè lớn. Những công trình công cộng lớn như Nhà hát Lớn, ga Hàng Cỏ, Đại học Dược, Ngân hàng Nhà nước được bố trí làm điểm nhấn. Các phố nằm trên trục Bắc - Nam kết nối các khu vực không gian lớn với nhau.
Trong quy hoạch tổng thể của khu phố Pháp, cây xanh và hồ nước là những điểm nhấn quan trọng. Trong vườn các khu biệt thự đều có cây xanh. Cây xanh được trồng dọc hai bên phố tạo thành một mạng lưới theo ô bàn cờ. Hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, hồ Tây, hồ Thiền Quang là những điểm nhấn trong cảnh quan kiến trúc đô thị. Các hồ đó đóng vai trò quan trọng trong đồ án quy hoạch đô thị của thành phố – cả trong việc tiêu thóat nước và cân bằng môi trường sinh thái.
Có thể nói sự thống nhất và triệt để trong việc sử dụng phong cách cổ điển đã tạo ra cho Hà Nội những biến đổi căn bản về hệ thống các công trình công cộng và không gian đô thị. Người Hà Nội đã dần quen với một diện mạo đô thị mới, được quy hoạch và phát triển có tính toán chứ không phải là những phường, những phố hình thành tự nhiên do nhu cầu và tự phát do điều kiện địa lý như đã từng diễn ra ở khu phố cổ trong thời trung đại. Hơn nữa việc kết hợp khéo léo kiến trúc Đông – Tây, vốn nổi tiếng với tư duy duy lý, bố cục chặt chẽ, chức năng rõ ràng xuyên suốt qua các công trình kiến trúc, và việc thấu hiểu vẻ đẹp phương Tây khác với vẻ đẹp phương Đông, người Pháp đã mang tính chất không gian hợp lý, duy lý phương Tây nhưng vẫn tìm những hình ảnh mang dáng dấp phương Đông. Bảo tàng Lịch sử là một minh chứng cụ thể cho sự kết hợp này. Bảo tàng một kiến trúc sư người Pháp thiết kế, nhưng ta có thể bắt gặp ở đây những mái ngói, hoa văn trang trí… tạo nên hình ảnh đặc thù, dân tộc, truyền thống của người Việt.
Anh Vũ
Nhà xuất bản Hà Nội