Đôi nét về mạng lưới sông ở Hà Nội xưa
Theo sử sách còn ghi lại, giữa thế kỷ thứ V, từ một làng, Hà Nội cổ trở thành một huyện, thành lập vào đời Hiếu Vũ Đế với tên Tống Bình. Sau đó được nâng lên quận. Quận Tống Bình lúc đó ở phía nam sông Cái (sông Hồng). Từ thế kỷ thứ V, VI, Tống Bình là nơi hợp lưu của các dòng sông lớn, nhỏ: sông Hồng, sông Đuống, sông Nhuệ, sông Tô Lịch. Theo sách Hà Nội nghìn xưa, Hàng Buồm ngày xưa là phường Giang Khẩu, thời chúa Trịnh Giang đổi tên là Hà Khẩu, cả hai tên đều có nghĩa là cửa sông - sông Tô Lịch. Cửa sông Tô Lịch đổ ra sông Cái (sông Hồng) ở khoảng phố Chợ Gạo ngày nay. Cửa Hà Khẩu từ thế kỷ X đã trở thành thương cảng của Tống Bình. Nước sông Cái chảy vào cửa sông Tô Lịch, chảy tiếp theo hướng phố Nguyễn Siêu - Ngõ Gạch qua Hàng Đường, sang Hàng Lược đến đường Phan Đình Phùng, qua Thụy Khuê về chợ Bưởi và chảy theo sông Tô Lịch như hiện nay rồi đổ vào sông Nhuệ tại xã Đại Thanh, huyện Thanh Trì. Bình thường sông Tô Lịch nước chảy xuôi dòng từ sông Cái về sông Nhuệ. Nhưng vào mùa mưa, sau những trận mưa to, nước trong đồng đổ xuống sông Tô Lịch và sông Nhuệ thì nước lại chảy ngược lại từ sông Tô Lịch ra sông Cái. Vì thế từ thế kỷ thứ VIII sử sách có ghi: Sông Tô Lịch còn có tên là “nghịch thủy” - sông nghịch. Cũng vào thời kỳ ấy có các phong trào chống quân xâm lược của Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương làm rung chuyển đất trời Hà Nội cổ, làm cho nhà Đường (Trung Quốc) đô hộ nước ta hoảng sợ, tổ chức bói toán, cầu cúng, chọn đất dời phủ đô hộ ra khỏi sông nghịch – sông Tô Lịch.
Sông Tô Lịch, Cầu Đông,... là những địa danh nổi tiếng của Hà Nội cổ trước thế kỷ thứ X đã đi vào thơ ca của người Hà Nội xưa:
Sông Tô nước chảy quanh co
Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya.
Hay:
Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền vào đỗ sát thuyền anh.
Dòng sông Tô xưa lòng rộng, nước trong, thuyền bè tấp nập đi lại, khác với con sông Tô ngày nay. Còn sông Kim Ngưu cổ, theo Trần Quốc Vượng, là một phân lưu của sông Tô Lịch. Nó lấy nước từ Tô Lịch ở ô Cầu Giấy, chảy theo hướng Tây - Đông tới Đội Cấn và lại lấy nước từ Tô Lịch khi tới ô Thụy Chương (Thụy Khê), chảy theo hướng Bắc - Nam (đoạn này còn gọi là sông Ngọc Hà), chảy qua Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, ô Chợ Dừa, Xã Đàn, Kim Liên, ô Cầu Dền, ô Đông Mác, Yên Sở, rồi hợp lưu trở lại ở Văn Điển. Còn với sông Kim Ngưu lại có các phân lưu là sông Trung Liệt (tách ra tại Hào Nam), sông Sét và sông Lừ (đều tách khỏi Kim Ngưu tại khu vực Kim Liên, Phương Liệt), v.v... Dân gian có câu:
Nhị Hà quanh Bắc sang Đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này
Câu ca để chỉ Tô Lịch ở phía Tây kinh thành, còn Kim Ngưu ở phía Nam. Sông Kim Ngưu xưa là một tuyến giao thông đường thủy, nay chỉ có chức năng là một sông thoát nước cho nội thành Hà Nội.
Sông Nhuệ nhận nước từ sông Cái tại Chèm, chảy qua Từ Liêm, Hà Đông gặp sông Tô Lịch ở làng Tó rồi chảy về Phủ Lý gặp sông Châu Giang và sông Đáy. Sông Đáy nhận nước sông Cái tại Hát Môn, một địa danh đã gắn liền với hai vị tướng nữ anh hùng dân tộc Trưng Trắc, Trưng Nhị, nơi Hai Bà đã gieo mình tự vẫn để bảo toàn khí tiết khi bị yếu thế trước quân giặc.
Từ Hát Môn, sông Đáy chảy về xuôi gặp sông Nhuệ, sông Châu Giang tại Phủ Lý. Từ Phủ Lý, sông Đáy xuôi dòng gặp sông Hoàng Long tại Gián Khẩu, về Ninh Bình và đổ ra biển tại cửa Đáy. Ngày xưa, sông Châu Giang là sông lớn chảy ra sông Cái, theo thời gian, có lẽ từ khi hình thành đê sông Hồng, sông Châu Giang bị chặn lại, đến nay đã trở thành sông chết, tàu thuyền không đi lại được.
Đôi nét về mạng lưới sông Hà Nội xưa càng thêm khẳng định một thực tế Hà Nội dựng nên trên cái nền của bãi sa bồi của sông Hồng, nơi ngã ba sông, địa thế bằng phẳng, thoáng đãng, giao thông đi lại bằng đường bộ, đường thủy thuận lợi, xứng với đất trung tâm tụ hội. Từ mạng lưới sông đã tạo nên thành lũy quanh Thăng Long cũng là đê ngăn lũ. Dẫu rằng các con sông của Hà Nội cùng các vùng phụ cận đều chịu sự tác động cả của thiên nhiên lẫn con người khiến cho có nhiều chuyển dịch và biến đổi, hầu hết lòng sông đều thu hẹp hơn xưa. Nhưng chắc chắn giá trị của các sông hồ không chỉ bồi phủ tạo nên các bờ bãi tốt tươi, mà còn là hệ thống giao thông, hệ thống trữ nước, cấp nước và tiêu nước cho Hà Nội nay và cả mai sau.
Lê Xuân
Nhà xuất bản Hà Nội