Diện mạo chính trị và đời sống đô thị Hà Nội – đô thị hiện đại kiểu châu Âu những năm đầu thế kỷ XX (1897-1930)
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Năm 1862 triều Nguyễn ký Hàng ước Nhâm Tuất chấp nhận để mất ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho thực dân Pháp, đến năm 1867 thực dân Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Trước sự thối chí của triều đình nhà Nguyễn, thay vì giúp triều Nguyễn giải quyết xung đột, quân Pháp tấn công thành Hà Nội, tướng Nguyễn Tri Phương tử thương, thành Hà Nội bị giặc Pháp chiếm. Sau đó quân Pháp mở rộng phạm vi đánh chiếm ra một số tỉnh Bắc Kỳ. Với tinh thần chống giặc ngoại xâm của người Hà Nội, cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược diễn ra quyết liệt. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Hà Nội lần thứ nhất 1873 do quan quân triều Nguyễn phối hợp với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc vây đánh thành Hà Nội, quân Pháp đánh phá vây và bị rơi vào trận phục kích ở Cầu Giấy, chỉ huy quân Pháp là Garnier tử trận. Tuy nhiên triều Nguyễn đã không biết phát huy lợi thế này để lãnh đạo quân và dân ta đánh bật quân Pháp ra khỏi xứ Bắc Kỳ, trái lại do mang nặng tư tưởng thất bại, tư tưởng cầu hoà, triều Nguyễn đã ngăn cản các hoạt động đánh Pháp của quân và dân ta. Thậm chí triều Nguyễn đã ký với thực dân Pháp Hàng ước Giáp Tuất năm 1874 và nhân nhượng cho Pháp nhiều quyền lợi, trong đó nhượng hẳn sáu tỉnh Nam Kỳ cho chúng. Đổi lại Pháp rút khỏi Hà Nội.
Năm 1882, lấy cớ triều Nguyễn không thực hiện nghiêm chỉnh hiệp ước Giáp Tuất, dung túng cho quân của Lưu Vĩnh Phúc, thực dân Pháp tiến quân ra Bắc Kỳ lần thứ hai và muốn chiếm đóng vĩnh viễn xứ Bắc Kỳ. Quân Pháp chiếm thành Hà Nội một cách dễ dàng, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết trong thành. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược ở Hà Nội lần thứ hai diễn ra nhưng thất bại. Lợi dụng sự bạc nhược của triều Nguyễn, thực dân Pháp nhanh chóng tăng viện quân số để mở rộng phạm vi đánh chiếm, thực dân Pháp nhanh chóng đánh bại đạo quân Sơn Tây do Hoàng Kế Viêm chỉ huy, đạo quân Bắc Ninh do Trương Quang Đản chỉ huy. Chúng mở rộng phạm vi đánh chiếm ở các tỉnh Bắc Kỳ. Thậm chí quân Pháp còn tấn công thẳng vào kinh thành Huế sau cái chết của vua Tự Đức. Đến năm 1883, triều Nguyễn buộc phải ký Hiệp ước Harmand, năm 1884 phải ký Hiệp ước Patenôtre với thực dân Pháp và trở thành thế lực tay sai cho thực dân Pháp.
Diện mạo Hà Nội những năm đầu thế kỷ XX (1897-1930)
Về bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Hà Nội, ngay sau khi chiếm xong Hà Nội và xứ Bắc Kỳ thực dân Pháp đã nhanh chóng thiết lập bộ máy cai trị của chúng tại đây. Ban đầu bộ máy cai trị nặng tính chất quân sự. Yếu tố quân quản thể hiện rất rõ nét. Sau khi bình định xong Việt Nam, thực dân Pháp bắt đầu có những điều chỉnh trong bộ máy cai trị. Yếu tố quân sự dần được giảm thiểu, yếu tố dân sự được tăng lên. Các đô đốc, tướng lĩnh cai trị từng bước thay thế bởi các viên quan dân sự. Và đến đầu thế kỷ XX, bộ máy cai trị hành chính đã thay thế cho bộ máy cai trị quân sự. Thời điểm này, thực dân Pháp tổ chức bộ máy cai trị Hà Nội rất chặt chẽ. Đứng đầu thành phố Hà Nội là một viên Đốc lý người Pháp. Đứng đầu cấp quản lý hành chính thấp nhất ở Hà Nội là các Phố trưởng. Các Sở, Ban, Ngành của Pháp được thiết lập vừa để cai trị, vừa để bóc lột. Hà Nội trở thành thủ phủ của toàn xứ Đông Dương.
Về bộ máy quân sự, cảnh sát, toà án và nhà tù: Hà Nội là thủ phủ của xứ Đông Dương, nên vấn đề bảo vệ an toàn cho bộ máy cai trị của chính quyền thực dân ở Hà Nội là một trong những vấn đề trọng yếu. Do vậy, thực dân Pháp tập trung một lực lượng quân số khá đông ở Hà Nội, Sơn Tây. Lực lượng này không chỉ bảo vệ Hà Nội mà còn sẵn sàng đi đàn áp các phong trào chống Pháp của nhân dân ta ở các địa phương khác. Lúc này, lực lượng cảnh sát ở Hà Nội khá dày đặc và đóng vai trò giữ gìn tự trị an ninh thành phố. Hà Nội cũng là nơi đóng trụ sở mật thám của Pháp để theo dõi các hoạt động yêu nước chống Pháp của nhân dân ta. Giai đoạn này, toà án và nhà tù được thiết lập không chỉ để xét xử và tù đầy những tội phạm hình sự, mà còn để xét xử và tù đầy những người Việt Nam yêu nước chống Pháp. Nhiều vụ án lớn về chính trị được chính quyền thực dân tổ chức xét xử tại Hà Nội. Toà đề hình và nhà tù Hoả Lò trở thành biểu tượng đàn áp những người Việt Nam yêu nước chống thực dân Pháp. Quân đội, cảnh sát, toà án và nhà tù là những công cụ phục vụ cho bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Hà Nội.
Từ những biến động và thay đổi của bộ máy cai trị hành chính và hệ thống quân sự, cảnh sát, toà án và nhà tù, trong thời kỳ Pháp cai trị đã có những chuyển biến về kinh tế, xã hội và văn hoá. Về kinh tế, thực dân Pháp đầu tư vốn vào phát triển kinh tế Hà Nội nhằm biến Hà Nội trở thành trung tâm kinh tế của xứ Bắc Kỳ, nhất là trong đợt khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914), lần thứ hai (1919-1929). Trong những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX này, các ngành nghề kinh tế của Hà Nội từng bước phát triển. Có thế thấy, trước khi Pháp xâm lược, cơ cấu kinh tế của Hà Nội gồm nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Đến khi thực dân Pháp cai trị thì cơ cấu kinh tế Hà Nội còn có thêm những ngành mới, tiêu biểu là công nghiệp, tài chính ngân hàng. Kinh tế Hà Nội phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa. Hà Nội trở thành một thành phố công thương nghiệp, một trong những trung tâm kinh tế mang tính chất liên vùng, quốc gia và quốc tế. Về các mặt y tế, giáo dục của Hà Nội lúc này đã từng bước phát triển. Một số bệnh viện hiện đại được xây dựng để khám chữa bệnh cho dân chúng. Còn hệ thống trường học từ mẫu giáo đến đại học được xây dựng để đào tạo nguồn nhân lực bản xứ. Trường Đại học Đông Dương trở thành nơi đào tạo trí thức tinh hoa cho cả xứ Đông Dương. Tại thời điểm này, quá trình di dân từ nông thôn ra Hà Nội ngày càng mạnh. Tỷ lệ dân số của Hà Nội không ngừng tăng. Dân cư sống ở Hà Nội rất đa dạng về thành phần, giai tầng. Người Hà Nội không chỉ bao gồm người Việt Nam, mà còn có nhiều người nước ngoài đến sinh sống, trong đó chủ yếu là người Pháp, người Hoa và người Ấn Độ.
Về văn hoá, văn hoá Hà Nội lúc này có những chuyển biến mạnh mẽ. Trước khi thực dân Pháp xâm lược, văn hoá Hà Nội mang đậm dấu ấn văn hoá phương Đông. Từ khi Hà Nội trở thành thủ phủ của toàn xứ Đông Dương, văn hoá Hà Nội có sự giao lưu và tiếp xúc mạnh mẽ với phương Tây. Trong những năm đầu thế kỷ XX, Hà Nội dưới sự cai trị của thực dân Pháp đã có một diện mạo mới theo phong cách hiện đại kiểu châu Âu với các khu phố người Hoa, người Pháp và người Việt. Các loại hình văn hoá phương Tây như kịch nói, báo chí, điện ảnh, nhiếp ảnh, thể thao, văn học, hội hoạ… phát triển mạnh mẽ, các thiết chế văn hoá được chính quyền thực dân xây dựng để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá của dân chúng Hà Nội. Xu hướng Âu hoá tăng tiến cùng với đà đô thị hoá. Nhưng điều đáng chú ý là văn hoá Hà Nội tuy tiếp thu nhiều yếu tố văn hoá mới hiện đại của phương Tây, nhưng vẫn giữ gìn được những tinh hoa văn hoá truyền thống.
Về diện mạo và đời sống đô thị ở Hà Nội đầu thế kỷ XX, người Pháp quy hoạch theo kiểu đô thị hiện đại của châu Âu. Hà Nội trở thành đô thị cấp một trong hệ thống đô thị gồm ba cấp mà thực dân Pháp xây dựng ở Việt Nam. Hà Nội phân theo khu chức năng: khu quân sự, khu thương mại, khu vui chơi giải trí, khu dân cư,… và trở thành một thành phố đa năng với sinh hoạt tôn giáo rất đa dạng, một bộ phận dân chúng đi lễ chùa, một bộ phận đi lễ nhà thờ. Đời sống đô thị ở Hà Nội rất tấp nập, ban ngày người dân hối hả với cuộc sống mưu sinh bằng đủ các ngành nghề. Ban đêm một bộ phận người dân tìm đến với thú vui giải trí như đi xem kịch, coi phim, đi khiêu vũ, nghe hát ả đào, hát xẩm.
Điểm qua phong trào yêu nước ở Hà Nội trước năm 1930
Những năm đầu thế kỷ XX, Hà Nội trở thành nơi tụ hợp của các văn thân, sĩ phu yêu nước. Năm 1907, trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội trở thành ngọn cờ đầu cho phong trào Nghĩa Thục với mục tiêu canh tân toàn diện nước nhà. Năm 1906-1908, Hà Nội là một trong những điểm xuất dương quan trọng của Phong trào Đông Du. Năm 1912, xảy ra vụ Hà Thành đầu độc. Năm 1913, xảy ra các vụ ám sát tại Hà Nội do tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội thực hiện. Các phong trào, các hoạt động yêu nước chống Pháp ở Hà Nội trước thế chiến thứ nhất chủ yếu do các nhà nho yêu nước cấp tiến lãnh đạo, nhưng trước sau đều thất bại. Năm 1925-1926 Hà Nội là một trong những trung tâm đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Từ năm 1927-1930, Hà Nội trở thành địa bàn đứng chân của tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng.
Bảo Yến
Nhà xuất bản Hà Nội