Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ hai, 22/06/2015 09:17
Bộ mặt kinh tế, văn hoá, xã hội của Hà Nội với những chuyển biến mới khi Pháp Nhật cai trị Đông Dương

Giai đoạn 1930-1945, diện mạo về kinh tế, văn hoá, xã hội Hà Nội có những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt khi Nhật xâm lược Đông Dương cùng với những khó khăn của nền kinh tế thế giới. Hãy cùng chúng tôi nhìn lại bức tranh thành phố Hà Nội qua những lát cắt chấm phá về đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội của Hà Nội trước Cách mạng tháng Tám 1945.

 
Đến những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã cơ bản bình định xong Việt Nam và thiết lập ách cai trị của chúng trên toàn cõi Đông Dương và áp dụng ở Việt Nam chế độ “chia để trị” bằng việc chia Việt Nam làm ba xứ theo ba chế độ cai trị khác nhau: Nam Kỳ là xứ thuộc địa, Bắc Kỳ là xứ bảo hộ và Trung Kỳ là xứ bán bảo hộ. Hà Nội – trung tâm của xứ Bắc Kỳ - trở thành Thủ phủ của toàn xứ Đông Dương, nơi đóng trụ sở của Phủ Toàn quyền Đông Dương và các cơ quan đầu não khác của thực dân Pháp. Trước khi tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa để vơ vét nguồn nhân lực và vật dụng cơ sở vật chất, trước tiên là phục vụ cuộc sống và hơn nữa là tạo cơ sở cho hoạt động khai thác kinh tế được dễ dàng hơn. Pháp tiến hành quy hoạch lại thành phố Hà Nội và biến thành phố này thành một thành phố hiện đại kiểu châu Âu.
 
Chuyển biến về kinh tế - xã hội, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 đã tác động nghiêm trọng đến Hà Nội. Nhiều ngành nghề kinh tế gặp khó khăn. Kinh tế Hà nội có dấu hiệu phục hồi đáng kể trong thời kỳ 1934-1939. Đến năm 1940, Nhật xâm lược Đông Dương, kinh tế Hà Nội ngày càng gặp nhiều khó khăn, nhất là vào cuối năm 1944 đầu năm 1945. Nhiều người dân Hà Nội nhất là ở các vùng nông thôn bị chết đói nằm la liệt trên các phố phường Hà Nội cho thấy sự đau khổ tột cùng của người Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Trong giai đoạn này, do tác động mạnh của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và chiến tranh thế giới, các lĩnh vực y tế, giáo dục của Hà Nội cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa sự phân hoá xã hội ngày càng sâu sắc, đời sống của đông đảo nhân dân Hà Nội gặp nhiều khó khăn, mâu thuẫn dân tộc, giai cấp phát triển gay gắt. Giai cấp tư sản ở Hà Nội gồm hai bộ phận chính: tư sản nước ngoài (Pháp, Hoa) và tư sản Việt Nam. Cùng với sự ra đời của giai cấp tư sản là các tầng lớp tiểu tư sản, tầng lớp tiểu tư sản ở Hà Nội rất đông chiếm đại bộ phận dân cư. Họ là tiểu thương, tiểu chủ, công chức, giáo viên, những người làm nghề tự do như văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, cũng như tầng lớp tiểu tư sản trong cả nước, tiểu tư sản Hà Nội có cuộc sống khó khăn, chật vật. Chính những chuyển biến sâu sắc về kinh tế đã dẫn tới những chuyển động về xã hội – giai cấp. Trên cơ sở đó đã tạo ra các điều kiện vật chất cho sự hình thành và phát triển các phong trào yêu nước mang màu sắc mới và những khuynh hướng khác nhau ở Hà Nội.
 
Về văn hoá, thời kỳ này mặc dù kinh tế khó khăn nhưng văn hoá ở Hà Nội có những chuyển biến mới đáng kể. Ảnh hưởng của văn hoá phương Tây ngày càng sâu đậm, nhất là phong trào Âu hoá trong những năm 1930 trên địa bàn thành phố. Phong trào này tạo ra những sức bật mới cho văn hoá Hà Nội theo hướng hiện đại hoá và loại trừ đi những tàn dư của văn hoá phương Đông cũ, để thay vào đó là những yếu tố văn hoá hiện đại, tiến bộ của phương Tây.
 
Mặc dù có yếu tố cưỡng bức, đồng hoá văn hoá của người Pháp nhưng xu hướng chính vẫn là sự tự nguyện tiếp nhận văn minh phương Tây của người dân Hà Nội. Yếu tố văn hoá cũ ngày càng mờ nhạt đi, yếu tố văn hoá hiện đại phương Tây ngày càng đậm trội. Bên cạnh những yếu tố tích cực cũng có những yếu tố mặt trái trong quá trình tiếp nhận văn hoá phương Tây ở Hà Nội như nạn hút thuốc phiện, ma cô, đĩ điếm, cướp bóc; đặc biệt là lối sống trọng đồng tiền mà khinh rẻ các giá trị đạo đức. Thời kỳ này, các cuộc thi thể thao diễn ra thường xuyên: đua ngựa, đua xe đạp và đá bóng. Các cuộc triển lãm nghệ thuật thu hút được sự quan tâm của một bộ phận dân chúng. Văn hoá đọc được hình thành do sự phát triển mạnh mẽ của báo chí và xuất bản. Từ năm 1940, Nhật tích cực đưa văn hoá của Nhật vào Hà Nội để quảng bá cho sức mạnh văn hoá của Nhật. Nhật và Pháp tranh nhau gây ảnh hưởng văn hoá của mình để lôi kéo, dụ dỗ dân chúng.
 
Trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám, diện mạo và đời sống đô thị Hà Nội cho thấy một bức tranh ảm đạm tiều tuỵ, do khó khăn về kinh tế nên tốc độ phát triển của Hà Nội không được như trong thời kỳ diễn ra hai đợt khai thác thuộc địa của thực dân Pháp. Lúc này, bộ mặt của thành phố khá tiều tuỵ vì đây là thời kỳ Nhật Pháp cùng nhau cai trị Đông Dương. Địa giới hành chính không được mở rộng. Tốc độ đô thị hoá chậm lại, cùng với đó là tỷ lệ dân cư có dấu hiệu giảm dần. Một bộ phận dân cư không trụ được ở thành thị có xu hướng chuyển đi nơi khác sinh sống. Tuy nhiên, mặc dù kinh tế khó khăn so với giai đoạn trước nhưng các hoạt động văn hoá, thể thao diễn ra khá sôi nổi. Lối sống đô thị ngày càng được định hình rõ. Hà Nội trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây. Sự đa dạng văn hoá dễ dàng được nhận thấy trên từng con phố ở Hà Nội. Trên mỗi con đường người ta dễ nhận ra và bắt gặp những người thợ thủ công sản xuất những mặt hàng mỹ nghệ, những người làm nghề chế biến thực phẩm, những người đi bán hàng rong; các cửa hàng bán đủ các loại hàng hoá trong và ngoài nước, những cửa hiệu thời trang Âu hoá; đền, miếu, chùa chiền và nhà thờ, những trụ sở hành chính, những xưởng in báo; thấy những chiếc xe xích lô, xe kéo tay, xe đạp, xe ô tô, và xe lửa chạy tấp nập trên những con đường; thấy những cô gái mặc áo tứ thân, áo yếm, váy đụp hay áo dài tân thời, váy đầm Tây, những chàng trai diện Âu phục… Mỗi một tầng lớp nhân dân đều có lối sinh hoạt văn hoá theo kiểu riêng của mình.
 
Mặc dù Hà Nội lúc này đang trở thành một thành phố hiện đại kiểu phương Tây nhưng thành phố không mất đi giá trị văn hoá truyền thống. Có thể thấy, người Hà Nội vẫn duy trì những thuần phong mỹ tục của mình, nêu cao các giá trị đạo đức truyền thống. Người Hà Nội kết hợp tinh hoa văn hoá dân tộc với tinh hoa văn hoá phương Tây để tạo nên nếp sống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội. Người Hà Nội cũng tích cực đấu tranh để bài trừ các tệ nạn văn hoá và những mặt trái của nền văn minh phương Tây. Bên ngoài vẻ mặt của thành phố lúc này hiện lên những sắc màu của văn hoá phương Tây nhưng ẩn sâu và lưu giữ trong lòng Hà Nội là truyền thống văn hoá phương Đông, văn hoá dân tộc mà người Hà Nội đã gìn giữ và phát huy qua nhiều thế kỷ. Văn hoá Hà Nội là sự hoà quyện nhuần nhị giữa văn hoá phương Đông và phương Tây.
 
 
Thanh Bình
 
Nhà xuất bản Hà Nội
 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)