Vài nét về “kết cấu ba vòng” của không gian thiêng Thăng Long – Hà Nội
Có thể thấy, suốt thời Lý - Trần, Thăng Long là trung tâm của các hoạt động Phật giáo, Nho học… Mặc dù coi Phật giáo là trụ cột trong hệ tư tưởng chính thống, hai triều đại Lý - Trần vẫn chủ trương dung hợp “tam giáo”. Các ông vua Lý - Trần dường như hiểu rõ cái duy lý, tính cách hoài nghi thần linh của Nho giáo, nếu được dựa trên nền tảng của cái tự giác - giác tha, thác sinh của Phật giáo và cái thăng hoa của Đạo giáo thần tiên gần gũi với thói quen tâm linh của dân chúng thì vừa xây đắp được guồng máy trị nước vừa an dân, thanh bình cho Đại Việt. Nho giáo dần thịnh hành và chiếm ưu thế dần trong từng hệ thống tư tưởng chính thống, góp phần to lớn vào việc trị nước, an dân và giáo dục. Đạo giáo vào nước ta cũng dần biến thành Đạo giáo thần tiên và pháp thuật phù thuỷ. Trong buổi đầu dựng nước ngay tại Thăng Long, các pháp sư đã hài hoà cùng các thiền sư chăm lo việc cầu cúng bắt quyết trừ tà. Nhiều thầy phù thuỷ xuất hiện ở kinh thành hành nghề chuyên nghiệp tuy rằng việc hành đạo của họ nhiều khi diễn ra ngay trong những ngôi chùa của kinh thành.
Lịch sử cho thấy, chính Lý Thái Tổ đã thực hiện thành công chính sách “Tam giáo hoà nhi bất đồng” ở Thăng Long. Suốt ba triều đại đầu của nhà Lý từ Lý Thái Tổ, Thái Tông đến Thánh Tông, cả Nho, Phật và Đạo đều tồn tại như những giá trị không ép buộc. Ngay cả việc Lý Thánh Tông cho xây dựng Văm Miếu (1070) ở Thăng Long thì cho đến tận đời Trần nhà nước phong kiến vẫn tổ chức thi “tam giáo” ở Hà Nội. Điều này khiến không gian tâm linh của Thăng Long càng có ý nghĩa biểu trưng cho sự hài hoà tôn giáo tín ngưỡng của Đại Việt.
Nếu coi nền tảng của không gian tâm linh Thăng Long - Kẻ Chợ vẫn là “văn hoá làng quê” thì cần phân biệt vai trò khác nhau của các tôn giáo ngoại nhập. Các tôn giáo ngoại nhập đã sớm hoà nhập với các hình thức tôn giáo tín ngưỡng bản địa và điều quan trọng nó diễn ra trong sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng bình thường của người dân. Theo dòng lịch sử, ở thế kỷ XVII khi Thăng Long bắt đầu làm quen với Kitô giáo phương Tây, Thăng Long cũng nhanh chóng trở thành một trong những nơi đứng chân sớm nhất của tôn giáo phương Tây xa lạ này. Lúc này, đạo Tin lành cũng đã xuất hiện ở Hà Nội ngay từ cuối thế kỷ XIX, một trong những địa điểm sớm nhất ở nước ta làm quen với hệ phái thứ hai rất độc đáo của Kitô giáo thế giới nói chung.
Những triều đại đầu tiên của Thăng Long cùng với những biến thiên và thăng trầm của lịch sử đã khiến cho không gian xã hội văn hoá tinh thần của Thăng Long như không thể tách rời khỏi không gian tâm linh tín ngưỡng tôn giáo bản địa tiêu biểu, trong cung đình cũng như ngoài bách tính. Hệ thống các ngôi đình, đền, miếu, quán, nhà thờ, thánh đường… của Thăng Long – Hà Nội không chỉ tạo nên bức tranh phong phú sinh động về sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng mà còn góp phần to lớn cho việc tạo ra văn hoá Thăng Long, phong cách nếp sống của người Kẻ Chợ.
Thăng Long kế thừa “hệ thống thần linh Hùng Vương” tạo ngay ra hệ thống thần linh của Đại Việt độc lập. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của không gian tâm linh Thăng Long – Hà Nội, nó không chỉ tạo sự liên tục, chuyển dịch từ Phong Châu xuống Đại La mà còn nhanh chóng có những giá trị cộng sinh của vị thế Kinh đô mới.
Không gian tâm linh của Thăng Long – Hà Nội còn được vật thể hoá trong xây dựng kiến trúc đô thị và tôn giáo mà ngày nay ta quen gọi là văn hoá vật thể, đó là việc hình thành tứ trấn với “Thăng Long tứ trấn”. Chính điều này tạo nên một vẻ độc đáo duy nhất của Thăng Long về một không gian tâm linh kết hợp chặt chẽ với việc xây dựng kinh thành qua các triều đại. Không gian tâm linh của Thăng Long – Hà Nội được kết cấu hoàn chỉnh gồm ba vòng và Thăng Long tứ trấn được coi là vòng giữa và có vị trí quan trọng bậc nhất.
Thăng Long tứ trấn đúng là một hiện tượng văn hoá tâm linh độc đáo của kinh thành Thăng Long xưa, phản ánh sự thống nhất giữ ý thức quốc gia độc lập chủ quyền của nước Đại Việt, với một ý thức xây dựng một không gian thiêng biểu trưng cho sự trường tồn của “hồn nước” Đại Việt. Theo nhiều ghi chép về lịch sử Hà Nội, với quan niệm của người Đại Việt lúc đó, trời đất có bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc thì thành Thăng Long cũng phải có “tứ trấn”, được xây dựng với bốn ngôi đền, trong đó đều có một vị thần đầy quyền uy canh giữ cho kinh thành từ Thăng Long xưa đến Đông Đô và Hà Nội hiện thời.
Tứ trấn là: Hướng Đông, đền Bạch Mã toạ lạc tại phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, phủ Hoài Đức, Thăng Long. Đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, đó là thần thành hoàng đầu tiên của Thăng Long, nằm ven sông Tô Lịch, ít nhất cũng đã xuất hiện từ thế kỷ IX, khi Cao Biền đắp thành Đại La. Hướng Tây, đền Voi Phục, thờ thần Linh Lang, vua thứ XVIII Hồng Bàng. Hướng Nam, đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn. Đền Kim Liên trấn giữ trên tuyến thành đất bao quát và bảo vệ vòng ngoài phía nam kinh thành Thăng Long. Hướng Bắc, quán Trấn Vũ, thờ thần Trấn Võ Đế. Quán Trấn Vũ hay Quán Thánh, vị thánh có trọng trách trấn giữ phương Bắc, xưa là nơi tu luyện của các đạo sĩ theo đạo quán.
Thăng Long tứ trấn với bốn ngôi đền uy nghi bốn góc thành, dù là để thờ các anh hùng dân tộc hay anh hùng văn hoá huyền thoại, qua những thăng trầm của lịch sử đã sống mãi với Thăng Long – Hà Nội như một biểu trưng của khí thiêng sông núi, của lịch sử vùng đất này.
Minh Luyến
Nhà xuất bản Hà Nội